Truy xuất nguồn gốc thịt heo chưa đến được chợ truyền thống

09/12/2016 - 16:31
Thời gian thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn TPHCM được dời lại đến ngày 16/12, thay vì ngày 10/12 như được thông báo trước đó.
Bên cạnh đó, phạm vi thực hiện đề án này cũng được giới hạn. Trong thời gian đầu, đề án chỉ được triển khai ở hệ thống phân phối hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm) chứ không triển khai đồng loạt ở hệ thống phân phối hiện đại và truyền thống (chợ đầu mối, chợ truyền thống) như dự kiến trước đó.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, việc lùi thời gian thực hiện nhằm chuẩn bị tốt hơn cho đề án.

Theo ông Hòa, do chưa lường trước những khó khăn nên khi đi vào triển khai đề án còn gặp nhiều vấn đề như việc mua các trang thiết bị cho các chủ thể kinh doanh, lực lượng thú ý; sự phối hợp giữa các đơn vị, các khâu nên không đạt được tiến độ như mong muốn.

Nguyên nhân đề án chưa thực hiện được ở hệ thống phân phối truyền thống ngay trong thời gian đầu là do hệ thống phân phối này quá phức tạp, nhất ở các chợ đầu mối. Hơn nữa, cơ quan quản lý cũng chưa vận động được đội ngũ thương lái tham gia đề án.
thit-heo-tx.JPG
Người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của miếng thịt heo mà mình mua trên thị trường với Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo mà TPHCM thực hiện
Sau một thời gian thực hiện ở hệ thống phân phối hiện đại, các cơ quan chức năng sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm rồi sau đó mới có quyết định về thời gian thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt heo ở hệ thống phân phối truyền thống. Dự kiến, hệ thống phân phối thịt heo hiện đại sẽ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thịt heo của thị trường.

Hiện tại, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã nhận được sự đăng ký tham gia của 60 cơ sở chăn nuôi, 18 cơ sở giết mổ, 2 chợ đầu mối và 4 chợ lẻ cùng với 346 điểm bán của các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn.

Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công Thương TPHCM chủ trì được công bố chính thức từ cuối tháng 10/2016. Theo đề án này, heo xuất chuồng tại trang trại sẽ được đeo vòng nhận diện có mã QR (mã vạch 2 chiều) chứa thông tin về  trang trại nuôi cho đến các công đoạn sau đó.

Để truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần cài đặt phần mềm có tên Te-food trong hệ thống app store hoặc google store trên điện thoại để sử dụng.

Phần mềm này được cung cấp miễn phí và khi kích hoạt có thể truy xuất từ quầy bán lẻ đến nơi giết mổ, trang trại chăn nuôi sản xuất ra miếng thịt đang được bán trên thị trường. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm