pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyền hình truyền thống trước thách thức của nền tảng trực tuyến
Ảnh minh họa
Thách thức và cơ hội đan xen
Cùng với các mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Instagram, các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Amazon Prime, Disney+, YouTube và Spotify... đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người.
Đây là nơi người dùng có thể xem phim, chương trình truyền hình, nghe nhạc và tận hưởng nhiều loại nội dung giải trí. Các nền tảng trực tuyến có nguồn lực tài chính và kỹ thuật vượt trội, cung cấp nhiều lựa chọn cho người xem.
Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt và là một thách thức lớn cho các nhà sản xuất "truyền thống".
Chia sẻ về những thách thức này, đạo diễn, biên tập viên (BTV) sản xuất truyền hình Nguyễn Tuấn Đức cho biết, thách thức lớn nhất với những người sáng tạo nội dung truyền hình có lẽ là tốc độ và sự đa dạng.
Nói về tốc độ, với quy trình sản xuất truyền hình chính thống, các nhà sản xuất phải tuân thủ những bước cơ bản theo quy định: Lên ý tưởng - duyệt đề tài - duyệt đề cương - làm kế hoạch sản xuất tiền kỳ - hậu kỳ - kiểm duyệt rồi mới đến khâu truyền dẫn phát sóng. Ngoài tin tức được tối giản hóa quy trình, còn lại đa phần vẫn tuân thủ các bước cơ bản.
"Chúng ta đều biết, truyền hình chính thống có tính chuẩn mực cao về thông tin nên quy trình kiểm duyệt khá khắt khe. Mặc dù hạn chế về tốc độ phát hành so với mạng xã hội hay các nền tảng khác nhưng bù lại chúng tôi có nội dung chuẩn mực, chính thống và tin cậy trong lòng khán giả cả nước", đạo diễn Nguyễn Tuấn Đức cho hay.
Về sự đa dạng, đạo diễn này cũng cho rằng, vì tính chính thống mà truyền hình truyền thống không truyền tải những nội dung câu khách như: Giật gân, độc, lạ, những tin được gọi là "hot trên từng cây số", những nội dung mang tính giải trí đơn thuần, hài hước...
Thế nhưng những điều đó lại thu hút sự quan tâm rất lớn từ khán giả. Truyền hình cũng không thể bắt "trend" (xu hướng) nhanh như mạng xã hội và các nền tảng khác. Cũng vì thế, truyền hình lại định hình chính mình một cách rõ nét hơn.
Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Theo cách nhìn nhận của cá nhân BTV Nguyễn Tuấn Đức, các đạo diễn, nhà sản xuất trẻ đã nắm bắt cơ hội này. Họ nắm bắt bằng sự uy tín và chuẩn mực của nghề.
Ai cũng có thể lên mạng xã hội sản xuất và phát hành video của mình, ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất nội dung trên mạng xã hội nhưng truyền hình thì không. Muốn làm truyền hình, các đạo diễn, BTV trẻ phải trải qua chương trình đào tạo bài bản, chính quy.
Chính vì vậy, cơ hội cho họ chính là những dự án tầm cỡ, những chương trình lớn, có sức lan tỏa và giá trị của những sản phẩm đó có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.
"Mọi người vẫn thấy được lên truyền hình là niềm vinh dự mà không phải ai muốn hoặc bỏ nhiều tiền là có thể mua được suất lên tivi. Chính truyền hình đã tạo ra sự uy tín và chuẩn mực. Chúng tôi là những người đang thừa hưởng và phát huy giá trị đó trong các sản phẩm của mình", Nguyễn Tuấn Đức chia sẻ.
"Nền tảng trực tuyến là bạn, không phải đối thủ"
Nguyễn Tuấn Đức là một trong những đạo diễn, BTV trẻ đa năng. Anh giữ vai trò đạo diễn, biên tập, dẫn chương trình, thể hiện lời bình, tổ chức sản xuất chương trình phát sóng... Anh cũng quản lý một số dự án uy tín về cộng đồng. Anh làm nhiều chương trình đa dạng thể loại, từ văn hoá, giáo dục, giải trí đến kinh tế.
Tuy nhiên, điều anh tâm đắc nhất vẫn là các phim tài liệu về văn hóa truyền thống Việt Nam. Nhiều phim tài liệu do Nguyễn Tuấn Đức thực hiện đã được Hãng hàng không quốc gia VietNam Airlines chọn lọc đưa vào kho dữ liệu giải trí tại ghế ngồi hành khách trong mọi chuyến bay.
Đây cũng là động lực và cũng là lý do để đạo diễn trẻ này tin tưởng vào việc nắm bắt cơ hội từ nền tảng trực tuyến.
Vậy, đạo diễn, nhà sản xuất truyền hình cần trang bị những kỹ năng gì để có thể đứng vững và chiến thắng trong "cuộc chiến" với nền tảng trực tuyến? Theo Nguyễn Tuấn Đức, trước hết họ cần cởi mở tư duy của mình, nhìn nhận những điều tích cực đến từ nền tảng trực tuyến như sự gần gũi, tiếp cận đa mục tiêu, đa công cụ...
Về kỹ năng cần trang bị, theo anh, tư duy là điều rất quan trọng, cần chấp nhận cái mới để tự làm mới mình. Hãy quan sát, lắng nghe nhiều hơn trong thực tiễn cuộc sống để tìm hướng tiếp cận cho những sản phẩm của mình.
Cũng đừng quên để ý các "trend" trên mạng xã hội để biến tấu trong sản phẩm truyền hình. Tất nhiên, cái gì lạm dụng quá đều không tốt, mà phải biết cân bằng. Các nhà sản xuất truyền hình cũng đừng quên học hỏi thêm kỹ năng sản xuất nội dung trên mạng xã hội. Đây cũng chính là kênh lan tỏa các sản phẩm truyền hình chính thống sau khi đã lên sóng.
"Khi ta thành thạo, ta có thể tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để sản phẩm mang giá trị chuẩn mực thông tin ấy được đón nhận nhiều hơn. Vậy lúc này, nền tảng trực tuyến lại trở thành một người bạn chứ không còn là đối thủ. Đó là công cụ hữu ích cho những người làm truyền hình", đạo diễn khẳng định.