pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Đi một vòng tròn
Tranh minh họa
Khôi gọi điện, không thèm rào đón hay bông phèng như mọi ngày, nói thẳng luôn: "Sáu giờ ba mươi đến Lúc Lắc nhé, có chuyện gấp!" rồi cúp máy, không cho Hoài kịp hỏi gì. Hoài nhét điện thoại vào túi xách, còn hơn mười lăm phút nữa mới hết giờ, nhiều đồng nghiệp của cô mắt trước mắt sau lo chuồn.
Đường sá đông đúc, một ngày không biết có bao nhiêu người nhập cư, tạm cư mà đường có nở ra đâu. Đi trước đi sau chừng năm phút đã gặp cảnh kẹt cứng hoặc thoát kẹt. Nhất là giờ tan tầm, dân công sở ở những tòa nhà cao tầng túa ra cùng lúc, không kẹt mới lạ. Hẳn sếp biết thế nên cũng mắt nhắm mắt mở, về sớm hơn tí, ghé qua chợ có khi lại gặp mớ cá tươi, mớ tôm còn tanh tách.
Lúc Lắc là quán Hoài thường tới với Khôi. Ngày trước, Hoài với Khôi làm cùng nhau ở nhà máy tuốt Bình Dương, buổi sáng bảy giờ ba mươi vào làm nhưng sáu giờ đã có mặt trên xe đưa đón, vật vạ ngủ một giấc chờ xe dừng trước sân.
Chiều bốn giờ ba mươi hết giờ nhưng cứ phòng nọ chờ phòng kia, khi thì họp, khi thì bận khách, khi thì hàng chưa đóng xong. Hầu như ngày nào cũng hơn năm giờ mới leo lên xe, lại gật gà hơn tiếng nữa mới xuống chỗ gửi xe, lấy xe máy đi thêm mấy cây số nữa mới về đến nhà. Ngày nào cũng thế, mà trôi qua ba năm mấy.
Khôi là người nghỉ việc sớm nhất, cậu ta nói cậu ta muốn có giấc ngủ nối liền trên cái giường của mình. Có việc làm, Khôi kéo Hoài về theo, nói "mai kia chị còn chồng con, cứ đi làm thế này thì thời gian đâu lo cho gia đình".
Hoài thấy đúng nhưng còn chần chừ vì ngại thay đổi, nhưng chỗ làm mới lương cao hơn nên Hoài nhảy việc, sau mới thấy lương cao hơn nhưng chi phí cũng nhiều hơn. Ngày trước chỉ tốn ít tiền xăng và tiền gửi xe máy, đồng phục công ty phát, nay thì tiền xăng nhiều hơn, công ty không mặc đồng phục nên phải tự lo.
Khổ nỗi đâu thể cứ hai, ba bộ quay vòng, chưa kể còn tí son tí phấn, tóc tai cũng cần đàng hoàng hơn.
Khôi khen Hoài về thành phố cái là ra dáng con gái ngay, ngày ở nhà máy cứ cùi cụi đồng phục, mặt mũi cứ trơ ra. Hoài than thì Khôi cười:
- Để em bù cho chị nhé?
Hoài cười:
- Điên à? Để dành mà lấy vợ.
Khôi cũng cười:
- Khi nào chị có người yêu thì em thôi.
Nói đùa thế nhưng Khôi làm thật, thi thoảng dúi cho Hoài thỏi son, hộp phấn, cái mũ, đôi giày. Hoài ỏng eo chê nhưng cũng nhận vì Khôi nói "chị trả lại, em cũng chẳng dùng được, hay chị mời em đi ăn".
Hoài ừ, và quán Lúc Lắc là nơi hai chị em hay đến. Hôm nay không biết cậu ta có chuyện gì mà lôi Hoài đến quán, có khi nào lại tặng Hoài món gì đó. Thanh niên sắp ba mươi rồi còn bắng nhắng như cậu em trai nhỏ.
Có lần Khôi hỏi "sao chị chưa yêu ai?", Hoài lườm, do chưa tìm được ai chứ sao. Khôi cười cười: "Chị thấy em sao? Em ngoan ngoãn, đáng tin và quan trọng nhất là chị biết em đã lâu, thói tật gì cũng đều đã biết".
Hoài bật cười, đùa Khôi sợ Hoài ế đến thế hay sao mà dám hy sinh. Khôi thôi cười: "Em nói thật đấy, khi nào chị muốn yêu đương thì nhớ gọi em!".
Khôi đang ngồi với cô gái còn khá trẻ, Khôi giới thiệu Thi, tên cô gái. Hoài hơi sững người nhưng vẫn vui vẻ chào Thi, cảm giác Thi không mấy thân thiện, nhất là khi Khôi theo thói quen gọi món rau bí xào nhiều tỏi và canh cua cho Hoài, còn gọi cho Hoài ly trà không lạnh. Khôi hồn nhiên:
- Chị ấy không thích thịt cá, mười lần đến đây thì cứ chừng này món cả mười một lần.
Hoài xua tay:
- Thói quen thôi, cậu bớt bêu riếu tôi đi, quan tâm người yêu mình kìa!
Khôi nói cuối năm đám cưới, Hoài nghe buồn nhưng vẫn cười:
- Còn kịp thời gian bỏ heo đất!
Giới thiệu rầm rộ vậy nhưng từ đó không khi nào thấy Khôi đưa Thi đi cùng nữa. Hai chị em vẫn gặp nhau, vẫn chọn Lúc Lắc vì đã quen nhưng số lần có hơi giãn ra. Cũng đúng thôi, khi người ta có thêm mối bận tâm thì phải có khoảng cách với những mối quan hệ khác.
Hoài gật gù, chàng trai ấy đã trưởng thành rồi, đã có thứ để quan tâm rồi. Hoài biết ý cũng không liên lạc, nhiều khi cần hỏi chuyện gì, theo thói quen suýt gọi cho Khôi, may mà kịp dừng lại.
Đám cưới Khôi vào cuối năm, Hoài có đến nhưng còn chưa khai tiệc đã vội về vì đau bụng. Khúc ruột thừa đã chọn đúng ngày vui của Khôi để hành hạ Hoài, một mình Hoài vào viện, một mình làm thủ tục và một mình xuất viện. Còn thấy mình thật tháo vát, một mình mình có thể làm được mọi chuyện, thế thì cần gì phải lấy chồng?
Khôi đến, vẫn đến một mình:
- Sao không báo em?
Hoài chìa quả táo mới rửa:
- Báo cũng làm được gì, nhà bao việc!
Khôi ngồi im, Hoài đơ người một lúc cũng đứng dậy túc tắc thu dọn món này, món kia trong căn phòng trọ nhỏ. Cứ có cảm giác Khôi không vui, Hoài lại ngại hỏi, sợ hỏi trúng chuyện Khôi không thích. Từ đó giờ quen Khôi, Hoài cũng chưa khi nào hỏi chuyện nhà. Chỉ Khôi kể gì Hoài nghe nấy, Hoài thuộc tên ba mẹ, anh trai chị dâu và ba đứa cháu Khôi.
Ngồi một lúc Khôi về, hậm hực:
- Lần sau có chuyện gì nhớ gọi báo em tiếng. Ở thành phố này, chị có bạn bè người thân nào đâu!
Duyên nợ sao mà Hoài cũng đi lấy chồng sau đám cưới Khôi một năm. Chồng Hoài làm cùng tòa nhà, thi thoảng ra vào gặp nhau, rồi quen, rồi cưới. Đám cưới Hoài không mời Khôi, lâu lắm không liên lạc, nay mời cưới thấy kỳ kỳ, giống như đòi nợ.
Khôi cáu kỉnh:
- Đòi nợ có sao, khi ấy chị gọi thì mọi chuyện đã chẳng thế này!
Hoài im lặng, thế này là thế nào? Là Hoài không lấy chồng nữa hay gì. Nghĩ cũng lạ, Hoài với Khôi quen biết sáu bảy năm, Khôi đi lấy vợ, Hoài có chồng, rồi cuối cùng hai người lại gặp lại sau hơn hai năm không liên lạc.
Đi một vòng rồi khi gặp lại Khôi lại độc thân còn Hoài cũng một mình. Chỉ khác là không còn vô tư cười khúc khích gửi cho nhau địa chỉ mấy quán "hay ho" rồi hẹn nhau cùng đi.
Gặp lại lần này, Khôi chững chạc hơn hẳn, phải nói là già dặn hơn. Khôi không còn nhường nhịn khi Hoài lấn át như trước. Hôm Hoài dọn khỏi căn hộ chung cư vốn tưởng là tổ ấm nhưng lại hóa tổ lạnh sau một năm. Vừa đến nhà trọ, chưa kịp thở đã thấy Khôi xồng xộc vào nhà, mang theo vali, nhìn Hoài chăm chú:
- Từ giờ em sẽ ở lại đây!
Hoài còn đơ người vì bất ngờ thì Khôi đã kéo vali đi khắp nhà, đến phòng khách lấy ra bộ ấm trà, mấy quyển sách, ít quần áo, ghé vào nhà vệ sinh bỏ bàn chải đánh răng, khăn mặt lên.
Khuya, hai đứa hai đầu sofa nhìn nhau, không biết nói gì. Hai năm không gặp bỗng thấy lạ quá chừng. Khôi mở lời trước:
- Hoài có thấy bọn mình ngớ ngẩn không? Em cũng không hiểu sao mình lại tối mắt thế. Thi nói, ngay từ khi gặp chị, cô ấy đã thấy hai bọn mình không bình thường. Đám cưới dời đến cuối năm cũng do cô ấy chần chừ xem em có nhận ra không?
Sát đám cưới, cô ấy định nói, thế nào lại phát hiện có thai, thế là đám cưới cứ thế diễn ra đúng dự kiến. Cha ruột đứa trẻ phủi tay không nhận, Thi cần một người cha hợp pháp cho con mình. Nhưng khi con bé được một tuổi, Thi nói không muốn sống trong lừa dối mãi, thế là cô ấy ôm con bé đi.
Hoài im lặng, ngày trước Hoài quý Khôi, thân thiết và thoải mái khi ở cạnh Khôi nhưng không nghĩ đó là tình yêu. Khi Khôi có gia đình, Hoài tránh để Thi suy nghĩ nên cũng tránh gặp Khôi.
Chồng Hoài xuất hiện ngay lúc đó, chút ấm áp của anh lại khéo bù đắp đúng chỗ trống Khôi bỏ lại. Nhưng Hoài không biết, ngoài Hoài, anh còn giang tay che chở cho một người con gái khác. Họ còn có con với nhau.
- Sao chị đám cưới cũng không báo em? May bữa đó xe em hư, ghé vào trúng tiệm của Ngọc, hồi đó Ngọc làm phòng kinh doanh với mình trên Bình Dương đó. Ngọc thấy em, liền nói "tui tưởng ông với bà Hoài về chung nhà chứ. Lâu lâu gặp đồng nghiệp cũ, tụi nó còn trách ông bà đám cưới không mời. Ai dè đâu!". Em hỏi "dè đâu" cái gì, Ngọc mới nói chuyện của chị.
Và Khôi đợi Hoài mấy bữa nay dưới chung cư. Để khi Hoài đến một căn nhà trọ mới, bắt đầu một cuộc đời mới, Khôi ngang ngược xông vào, quyết tham gia vào căn nhà và cuộc sống của Hoài. Hoài cũng không biết nói gì, lặng lẽ thu xếp đồ đạc.
Khôi giành việc của Hoài xong rồi đành kệ vì còn nhiều thứ phải sắp xếp thu dọn. Bữa tối không kịp nấu cũng lười ra ngoài ăn, ủ tạm hai ly mì. Nhìn Khôi ăn vội, tự dưng Hoài thấy không đành, người như Khôi đáng ra phải có một cuộc sống vui vẻ nhiều màu sắc, và Hoài cũng thế. Một bến đò cứ thế trôi qua trong ngỡ ngàng chỉ vì không nhận ra nhau.
Khôi chỉ góc nhà:
- Mai em mua chậu cây để chỗ đó. Cửa sổ sẽ treo mấy chậu cây cho có màu xanh. Trên bàn làm việc cũng nên để một chậu.
Hoài bật cười:
- Sao không mua hoa mà toàn cây xanh thế?
- Cây cho dễ chăm, bọn mình chăm nhau còn chưa đủ, thời gian đâu chăm hoa.
Hoài gật gật đầu, giờ Khôi nói gì cũng đúng hết. Ngay cả khi Khôi nói Hoài ngủ trên giường còn Khôi trải thảm nằm dưới đất.
Hoài nhìn căn phòng bé tí nhét hai con người, hai cái xe máy. Trên giường hay dưới đất cách nhau cùng lắm nửa bước chân. Nhưng Hoài không nói gì. Cái gì cũng cần thời gian, muộn thì muộn nhưng cũng không thể à uôm vội vã được.