pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Mình về nhà con nhé
Ảnh minh họa
Chiều xóm đạo bất ngờ đổ mưa dông. Ban đầu còn lất phất, sau sầm sập như đổ nước, gió điên cuồng quất rát rạt, hạt mưa đập vào người như phải bỏng, làm dịu đi cái nóng giữa hè. Quãng đường đi bộ quanh qua khúc cua hướng về phía nhà thờ, áo Liên ướt sũng.
Đứng lại bên hông nhà thờ, Liên đưa cánh tay quệt ngang những giọt nước còn đọng lại trên trán. Ghé mắt nhìn vào cánh cửa hé mở trong khuôn viên thánh đường, Liên thấy cha Thương đang lặng yên hướng về bàn thờ Chúa, mắt đăm chiêu.
Liên cần gặp cha. Nó bước nhanh về phía cuối thánh đường, qua hàng gạch lát nứt nẻ lấm chấm những vạt rêu phủ. Nó ngồi xuống bậc cửa, mắt dáo dác nhìn quanh, lo âu, thấp thỏm.
Mười ba tuổi, nó sống vô lo vô nghĩ. Tuổi thơ đang âm thầm khơi gợi những dòng cảm xúc. Ấy vậy mà nó có cảm giác sợ hãi khi nhìn thấy máu. Nó hoang mang, ám ảnh bởi những giấc mơ.
Cô bé ngây thơ ngày nào không còn hồn nhiên, mất đi nụ cười rạng rỡ, không thiết ăn thiết uống, suốt ngày quanh quẩn vô cớ, giấc ngủ đã trở thành cơn ác mộng, trằn trọc khó chịu, cắn môi đến chảy máu, bối rối và lo lắng.
Ngay cả khi có bố, nó cũng không biết trò chuyện cùng ai, có nói thì bố cũng chẳng muốn nghe, mà có nghe cũng chẳng để làm gì, vì có bao giờ bố tỉnh đâu mà nghe, mà hiểu, mà chia sẻ. Càng ngày nó càng cảm thấy mình lẻ loi và cô độc ngay trong chính nhà mình.
Nó đứng dậy khi nghe thấy tiếng cha Thương bước vội trên lối sỏi ngoài vườn, rồi lại ngồi phịch xuống khi cha tiếp tục đi vòng quanh ra sân sau.
Nó bối rối, lo lắng xen lẫn chút ngượng ngùng. Bất chợt, thấy ấm nóng khi đôi bàn tay cha đặt lên vai nó. Nó ngoái đầu nhìn lại, cha Thương cười, đẩy nó trở về hiện tại. Nó bối rối, lí nhí chào cha sau cái khoanh tay kính cẩn. Cởi áo khoác ngoài, cha nhẹ nhàng phủ lên vai nó. Nụ cười đôn hậu, cha kéo nó ngồi xuống bên cạnh, ân cần hỏi:
- Ướt hết rồi còn đâu. Có lạnh lắm không con. Nhìn điệu bộ, cử chỉ của con, cha thấy có điều gì đó bất an, lo lắng. Nào, hãy nói cha nghe.
- Vâng thưa cha! Con không thể chịu đựng hơn được nữa.
- Tội nghiệp. Hẳn là con đã phải dằn vặt ghê gớm lắm nên mới đến tìm ta vào lúc này.
- Vâng. Xin cha cho con xưng tội. Có lẽ con không còn sống lâu được nữa đâu cha. Con bệnh nặng lắm rồi, con đến chào cha lần cuối. Mong Chúa cứu vớt linh hồn con.
- Sao lại thế? Con có thể nói rõ hơn không?
- Những ngày qua, con cảm thấy mình như mắc kẹt giữa những cảm xúc lẩn quẩn. Con thấy sợ hãi, trống ngực đánh liên hồi, đổ mồ hôi, run rẩy, thở dốc, nghẹn, đau ngực, buồn nôn, chóng mặt. Máu. Máu ra nhiều lắm cha ạ. Con sẽ chết. Con đến từ biệt cha. Mong Chúa lòng lành đón con về.
Như chợt hiểu ra, ôm nó vào lòng, cha vỗ về an ủi.
- Đừng hoảng sợ, Chúa thấu hiểu và luôn ở bên. Khi bước vào tuổi dậy thì, tâm trạng có thể là một mớ cảm xúc phức tạp và rối ren. Ở độ tuổi của con thường có các triệu chứng buồn bã, dễ cáu gắt khi gặp bất kỳ vấn đề nào, dễ vui nhưng lại có thể chuyển sang cảm xúc ức chế, buồn bực một cách bất thường. Đấy là quá trình dậy thì con ạ.
Cha cười đôn hậu sau khi đã giải thích cặn kẽ cho nó hiểu.
- Bóng chiều buông rồi, về nhà đi con nhé, Chúa sẽ ban phước lành cho con. Hãy mở rộng lòng, yêu thương chính bản thân mình và biết yêu thương người khác, con sẽ thấy tâm hồn thanh thản, bấy giờ con có thể cười với mọi người, ở mọi lúc, mọi nơi.
- Con cảm ơn cha. Cầu Chúa ban phước lành!
***
Lão Vát lảo đảo lao vào cơn mưa. Sấm chớp ùng oàng rền vang, không gian ẩm ướt. Lão hắt hơi liền mấy cái. Đôi bàn chân thô kệch dẫm trên con đường với những mảnh dăm sắc nhọn mà nhóm công nhân mới rải chiều hôm trước, lão hơi nhăn mặt. Nhưng không phải vì đau mà làm lão chùn bước. Lão uống như đổ. Lão đang say, cơn say bí tỉ.
Ngày nào lão cũng say, hôm nay cũng như bao hôm nào, hễ say là lão đi lang thang khắp xóm, bất kể nắng hay mưa, đêm hay ngày. Lão vừa đi vừa khóc. Bao năm nay vẫn vậy, say cũng như tỉnh, lão đi như người mộng du kể từ ngày vợ lão bỏ lão mà đi khi con bé Liên đang còn chập chững. Chỉ có nỗi đau thật sự mới xuyên thẳng tới trái tim lão.
Biến cố cuộc đời ập đến ngày Vát nhập trường Đại học, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Chàng trai thôn quê, hiền lành, chân chất, bỡ ngỡ trước chốn thị thành. Những bài giảng đầy áp lực, cạnh tranh khốc liệt và cả những trò vui đã lôi kéo Vát theo một hướng khác.
Những đêm thức trắng, cuộc sống mờ mịt với tiếng nhạc từ những quán bar ồn ào và những khu nhà trọ xô bồ. Quê hương nghèo khó, những người thân yêu đã trở nên xa cách, biến Vát thành một người hoàn toàn khác.
Quyết định buộc thôi học với Vát bây giờ như vô nghĩa, không hề mảy may giúp lão tỉnh ngộ. Tính khí ngang tàng, lối sống hưởng thụ như đã ăn sâu vào trong máu. Lão tiếp tục viết tiếp cuộc đời mình thêm những trang mới theo cách đó.
Lão mơ về những bữa tiệc xa hoa, những cuộc ăn chơi thâu đêm, không thể kháng cự. Rời chốn thị thành, lão lên rừng tham gia đám thổ phỉ, thu hút những tay đào vàng phiêu lưu và tham vọng từ khắp nơi. Những cuộc ẩu đả, thanh toán ân oán giang hồ diễn ra thường xuyên, man rợ.
Ánh mắt tham lam và đôi tay vấy máu, dòng người ồn ào, xô bồ như những con kiến. Tiếng đào, tiếng mìn, tiếng cãi vã và cả tiếng xoèn xoẹt của đao kiếm, tạo thành một bản hổ lốn bi thương. Tiền bạc trở thành trung tâm của cuộc sống.
Tiếng động ầm ầm vang lên, mặt đất rung chuyển dữ dội, đá văng tung tóe với những tiếng kêu la đau đớn, chôn vùi phần lớn nhóm phu vàng. Hú hồn, lão may mắn thoát chết. Lão trở về làng với bộ dạng tả tơi, kiệt sức cùng những đêm thức trắng, giày vò bởi nỗi đau mất mát.
***
Tai họa ập đến vào ngày bác sĩ chẩn đoán vợ lão bị K. Lão bán mấy sào ruộng rồi cả phần lớn miếng đất ông bà để lại chữa chạy cho vợ nhưng đành chịu thua số phận. Chôn cất vợ xong, lão trắng tay, rồi lao vào những cơn say.
Từ ngày mẹ mất, bé Liên héo hon như tàu lá. Đêm nào nó cũng khóc, sưng húp hai con mắt. Lúc nào cũng như người mất hồn. Nó lặng lẽ ngồi một mình, thu hai tay trước gối. Nó nhớ mẹ. Nhà chỉ còn có hai bố con. Lão Vát rất thương con bé. Nhưng có bao giờ lão tỉnh đâu để mà nhớ, mà thương, mà vỗ về nó.
Bóng chiều lại buông, con bé lại thui thủi một mình. Cả tuần bố và nó mới cùng ăn với nhau một bữa, có khi cũng không được trọn vẹn.
***
Bình tĩnh lại, lão thấy mình đang nằm ở nhà, thím Hoa đang cần mẫn bón cho lão từng thìa cháo. Cảnh hồn ma chết chóc như vẫn đeo bám lão trong cơn vật lộn trong dòng nước dữ, hoảng loạn và tuyệt vọng. Lão cố gắng nắm lấy một chút sự sống trong tay, nhưng nước lại tràn vào miệng, ngạt thở.
Đêm nay, sau chầu rượu say bí tỉ, lão lại lên cơn đi lang thang như ma đuổi. Thế nào lão lại lần mò ra bến sông quê, trượt chân chơi vơi dưới dòng nước lũ. Rồi tối om, không nhớ gì nữa.
- Dậy rồi hở? Hôm qua mày uống nhiều nước đấy. Mày sống rồi, trở về mà làm người tử tế nhé! Để tao lấy cho mày bát cháo, ăn cho đỡ đói.
Lão khom người, dùi dụi đôi bàn tay nhợt nhạt, vẻ biết ơn.
Miệng nói, tay làm, bà thím vừa lấy khăn ấm lau người cho lão, vừa lẩm bẩm.
- Hạ sốt rồi đấy, lau khăn nóng lần nữa là xong. Ra trạm xá mà chăm con bé Liên, nó cũng sốt cả đêm. Khốn nạn cho cái thằng bố như mày. Uống cho lắm vào rồi ngã xuống sông. May nhờ con bé đi làm thêm về, thấy vắng bố mà đi tìm.
Nhờ có nó lao xuống cứu còn sống mà trở về, liệu mà đối xử tử tế với nó, không trời quật cho lần nữa đấy. Khốn khổ cho nó, người thì nhỏ, gầy ruộc mà sao khỏe thế.
Lão chồm dậy, cứ vậy mà lao nhanh đến trạm xá. Lão cầm lấy bàn tay nhỏ bé, lạnh ngắt của con, rồi đưa lên phả hơi ấm như dồn hết sức lực sưởi ấm cho nó. Miệng con bé nhếch cười nhẹ, mắt ánh lên. Cả đời lão chỉ có biết đến rượu và say, hiếm khi nhận được nụ cười non nhưng ngọt ngào thế này.
- Bố xin lỗi con!
Lão bối rối, đắp thêm cái chăn ấm cho con, lão đang xót xa. Tự nhiên lão nghe tim mình thắt lại, thương con và ân hận đến thắt lòng.
***
Tiếng chuông giáo đường đổ liên hồi, ngân vang như một khúc nhạc rộn rã, thanh âm vọng về đến diệu kỳ. Trên đỉnh tháp chuông, bầy chim sải cánh thiên di như thể chẳng có điểm dừng. Và gió, gió thốc lên từ tứ phía. Liên đứng giữa trời để mặc cho nước mắt tuôn rơi, mặc cho những bản thánh ca du dương, ngân nga khắp xóm đạo, cảm giác như đang chạm đến một miền đất cổ tích nào đó, vừa thực vừa hư ảo. Bố đưa bàn tay nhăn nheo xoa lên đầu nó, ôm con vào lòng, thủ thỉ: "Mình về nhà con nhé!".