pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Con mèo nhà
Ảnh minh họa
Con gái chị mang về một con mèo tai nhọn, nhìn cái mồm và tai của nó, chị biết ngay đó chỉ là giống mèo ta chạy ê hề ngoài đường, ngoài chợ. Sáng nào chị ra chợ mở cửa sạp chẳng thấy chúng, một đàn phải hơn chục con. Chúng nằm ngủ trên những sạp thịt.
Thấy chị, chúng chỉ ngóc cổ nhìn rồi lại nằm xuống, có con thì nghịch trêu con bên cạnh, con thì ngủ vùi, đám mèo con hiếu động vô tư thì vật nhau. Đôi khi chị thầm nghĩ có khi chị phải sợ chúng chứ chúng làm gì biết sợ.
Quen mắt nên chị nhận ra được mấy con, có bữa nhìn mãi không thấy, chị có chút tò mò, chúng bỏ đi hay chết ở đâu do xe đụng, do người ta đánh bả...
Có chúng nó, chợ hết sạch chuột.
Con gái nói trưa nay đi học về thấy con mèo bị vứt ngoài thùng rác. "Có 3 con nhưng 2 con kia chết rồi, con này còn thoi thóp nên con mang nó về. Mẹ cho con nuôi được không?". Câu cuối, con gái nói nhỏ rí, chị phải lắng tai mới nghe thấy, cũng có nghĩa là con gái biết mình xin vậy nhưng kết quả thế nào đã rõ. Thấy quần áo rút vào đầy sọt nhựa, cơn giận của chị không biết từ đâu trào lên.
- Nuôi cái gì mà nuôi, tôi còn vạc mặt ra mà chưa nuôi nổi cô, giờ sức đâu mà nuôi thêm mèo với chó. Thân cô còn lo chưa xong, bài vở không bằng ai, có chút việc nhà cũng không xong, rồi mai kia ai hót phân cho nó, ai tắm rửa, chải lông? Ném nó ra ngoài đường cho tôi!
Con gái rơm rớm nước mắt, gói con mèo trong cái áo cũ, hai cái tai nhọn lú ra. Con gái ôm con mèo ra cửa, một lát quay vào với hai tay không, thấy sọt quần áo còn nằm ngay đó cũng không dọn cất, bật điện nhà tắm đi tắm.
Đấy, đáng lẽ giờ này phải tắm táp xong, phụ mẹ cơm nước, từ chiều giờ chắc loay hoay tắm cho con mèo, còn sấy lông này kia nên chưa làm được việc gì. Càng nghĩ chị càng điên tiết, con gái chị do chị đẻ ra, cơm cháo bú mớm mà càng lớn càng giống bố nó.
Đàn ông mà làm gì cũng chậm chạp, còn có máu an phận. Bạn bè đã ông nọ bà kia, sếp lớn sếp bé, xe đổi từ xe nhỏ sang to mấy lượt mà ông ấy vẫn chăm chỉ với công việc nghiên cứu, chẳng để ý gì xung quanh.
Cái xe từ hồi sinh viên đã tã, chị mua xe mới cho đi, đi cả tuần hơn rồi mà vẫn có lần hớt hải đi xe ôm về nhà nói trộm lấy mất xe rồi. Hỏi anh để xe kiểu gì, có khóa không, thẻ xe để đâu. Anh nói anh để xe trong bãi cơ quan, có lấy thẻ xe đàng hoàng nhưng chiều xuống thì không thấy xe mình đâu nữa nên vội về báo.
Trời ơi là trời, mất xe thì phải báo bảo vệ, báo người giữ xe chứ báo chị làm gì. Chị sẽ hóa phép biến ra cái xe trả anh hay sao? Anh gãi đầu nói, khi ấy không kịp nghĩ gì, cứ thế chạy về nhà.
Chị chở anh quay lại cơ quan, chú bảo vệ ớ người, mất xe phải đền, chuyện có nhỏ đâu. Cậu ta hỏi sáng anh dựng xe ở đầu, chồng chị gãi gãi đầu, sáng nay có cuộc họp nên anh không nhớ mình để đâu.
Hỏi biển số xe anh cũng không nhớ, phải lôi cavet ra nhìn. Đến khi cậu bảo vệ reo lên "xe chú đây thây", hai vợ chồng mới giật mình chạy lại. Xe còn nguyên, nhưng anh vẫn chưa hết hoang mang. Anh hỏi chị, "xe này à?".
Anh vẫn nhớ mình đi cái xe tàn kia, rõ ràng nhìn cavet xe mà cũng không nhìn. Hai vợ chồng hai xe đi về, xấu hổ không để đâu cho hết.
Người như thế, tưởng không có chị sẽ không sống nổi, ai ngờ lại có nhân tình bên ngoài. Chị không tha thứ được, mà anh có nói lời nào xin tha thứ đâu. Ly hôn, chị nuôi con gái, anh chu cấp một tháng 3 triệu đồng nhưng tháng có tháng không, chị cũng lơ không thèm đòi.
Chị biết mình đã thay đổi nhiều, cuộc sống không như ý, khốn khó luôn vây quanh khiến chị trở nên cáu bẳn và con gái là người đón nhận hết những giận dữ của chị.
Chị giờ chỉ mong hai mẹ con hàng tháng trả tiền nhà, tiền điện nước xong còn đủ ăn ngày ba bữa là được, nhưng con gái thì không, con gái đã có những cái váy do chị không mua, biết đánh son. Chị truy hỏi thì nó nói bố cho, chị hỏi đã hỏi mẹ chưa thì nó cãi "bố cho con thì sao phải hỏi mẹ?".
Một mình chị nuôi con mấy năm nay, ăn không dám ăn ngon, quần áo mấy năm mới dám mua một bộ, thế mà con gái ở trong nhà chị, ăn cơm, uống nước của chị nhưng ánh mắt lại hướng ra ngoài. Đôi lúc chị muốn đuổi nó sang ở với bố nhưng chị không dám.
Cuộc hôn nhân thất bại, chỉ còn mình nó, nay nó đi mất thì chị tay trắng sao. Ngày nó còn bé, bố nó có cơm cháo gì, đến đi dép cho con cũng hai chân hai màu, giờ con nên vóc nên hình lại đẩy qua bố nó, làm sao chị cam tâm. Nghe nói bố nó đã có người mới, chị làm sao dám đưa con mình vào ánh mắt của mẹ kế.
Chị sai con bé đi đổ rác, nó chàu bạu cái mặt nhưng vẫn đi, từ tối hai mẹ con không nói với nhau câu nào. Thật ra thì hai mẹ con cứ như hai cái bóng trong nhà, ai việc nấy, chị lo cho con có cái ăn mặc, việc của con là học hành, mỗi người chỉ cần làm tốt phần việc của mình, mệt mỏi cứ lăn xuống giường làm một giấc, kiểu gì trời chẳng sáng.
Con bé ra tới cửa, chợt ớ lên và cứ đứng sững thế. Chị đi ra, thấy con mèo đang ngồi trước cửa, cái áo cũ không biết lôi tha đi đâu rồi, bộ lông lúc này đã khô, nhìn bông tơi sạch sẽ và có phần đáng yêu. Con gái cúi người ôm con mèo lên, chạy đi đổ rác và cứ thế chạy về phòng.
Con mèo, chính xác là một con yêu tinh, nó chỉ quấn quýt con gái còn lại tránh chị xa nhất có thể. Rõ ràng hai đứa đang chờn vờn, thấy chị vào nhà là nó rúc ngay xuống gầm ghế trốn biệt. Con gái làm rơi hạt cơm, nó len lén đến nhặt, chị đưa cho nó cái đầu cá, nó kiên quyết không đến gần. Con gái nói, "nó biết ai yêu thương nó đấy, mẹ cứ hằm hằm thế ai dám".
- Khi nào cô phải cày cả ngày để nuôi con còn nuôi thêm con mèo báo cô như như tôi, cô mới biết có vui cười nổi không?
- Mẹ thì lúc nào cũng tiền tiền, từ giờ con ăn ít đi một bữa là được chứ gì?
Chị bỏ vào giường nằm. Con gái chị, đứa con chị dồn hết tâm huyết hy sinh, nhịn ăn nhịn mặc lo cho nó bằng bè bằng bạn nay nó cãi tay đôi với chị. Nó vui vẻ cười khanh khách với con mèo hoang nhưng không dành cho mẹ nó được câu nào đàng hoàng ra hồn.
Chị nằm đó, nó nấu cơm xong chỉ mời mẹ ra ăn cơm rồi lặng lẽ ăn, ăn xong còn rửa bát mới vào phòng. Lúc ăn cơm, hai đứa vẫn thì thào với nhau.
Con mèo lớn khá nhanh, giờ lông nó đã mượt, mắt sáng, dáng đi uyển chuyển, nó thay đổi nhiều, trừ thái độ với chị. Nó như muốn cướp con gái ra khỏi vòng tay chị.
Từ ngày có nó, con gái xa cách với chị hơn, hai mẹ con không còn những chiều cùng nhau nấu cơm, cùng nhau tước xơ bó rau bí hay rủ nhau ăn mì gói đổi món cho lạ miệng. Con bé có thế giới riêng của nó, chính xác là thế giới của nó và con mèo. Nó bắt đầu không cần chị.
Sáng, chị dậy sớm như thường lệ, thói quen bao nhiêu năm nay, không cần báo thức chị cũng dậy đúng giờ. Chị chợt thấy con mèo nằm cuộn tròn trước cửa phòng con gái, chắc đêm con gái dậy đi vệ sinh, con mèo đi theo, lúc về phòng, con gái đẩy cho cửa sập vào mà không chú ý.
Tim chị bỗng đập rộn khi ý nghĩ ấy xuất hiện, con mèo thấy chị đã mở mắt cảnh giác, hẳn nó muốn trốn, nhưng chỗ ấy gần con gái chị nhất. Chị lấy cái túi cói đi vòng đến con mèo và nhấc nó lên, nhét vào túi, chị kẹp chặt con mèo đề phòng nó kêu, luống cuống khóa cửa và đi thật nhanh ra chợ.
Lúc này trời còn tối đen, chợ lác đác có người mở sạp, chào nhau bằng cái ngáp và những lời than dạo này sao vắng khách. Chị hé miệng túi, buông lỏng bàn tay nãy giờ vẫn kẹp chặt nó. Con mèo vùng vẫy và nhảy chồm ra khỏi túi, nhanh chóng mất hút sau những sạp hàng…
Chị thở ra nhẹ nhõm, như thể từ nay gánh nặng cơm áo đã được giảm bớt, con gái vẫn là của chị, đi học về sẽ ríu rít khoe mẹ hôm nay được mấy điểm, kể bạn nam viết thư tay cho bạn nữ bị cô bắt được mời phụ huynh. Chị sẽ nhân tiện thủ thỉ với con, ở tuổi này cảm mến nhau là chuyện bình thường, nhưng đừng bỏ bê việc học, càng phải biết giữ mình, nhất là con gái...
Con gái chạy ra chạy vào tìm kiếm, chị biết con tìm con mèo, bực cái là nó không hề hỏi chị có thấy con mèo đâu không, nó mặc nhiên gạt chị ra khỏi thế giới của nó. Chị khó chịu khi con gái vừa khóc vừa đi quanh hỏi thăm, con mèo có giá trị với nó vậy sao, còn hơn cả mẹ? Chị thấy mình làm mẹ thất bại, còn thua cả một con mèo.
Hai mẹ con chị như hai tảng băng lững lờ trôi cạnh nhau. Một tháng trôi qua, con gái hẳn mất hy vọng về việc tìm được con mèo, nhất là khi hàng xóm nói loài mèo khi đến kỳ phát dục là sẽ bỏ nhà ra đi. Sáng sáng, chị ra chợ mở sạp sớm, thi thoảng lại nghe tiếng mèo kêu thảm thiết đâu đó khi xa khi gần, chị chặc lưỡi, đám mèo hoang.
Con gái được giải thưởng tháng ở trường, bẽn lẽn đưa chị.
- Mẹ, con tặng mẹ, cảm ơn mẹ đã chăm sóc, nuôi dạy con.
Chị kìm nước mắt, sau những ngày dài im lặng, con gái đã trưởng thành hơn, biết tìm đến mẹ để dâng tặng thành công của mình. Chị cũng đi hỏi nhiều người, họ nói con gái đến tuổi ngỗ nghịch khó bảo, cứ dần dà rồi đâu vào đấy. Giờ hẳn đến lúc đâu vào đấy rồi.
Chị ra chợ, dạo này trời sáng sớm hơn. Lúc đi vào chợ, chị hoảng hồn khi đá vào túi gì đó mềm mềm. Chị soi đèn pin, đó là xác một con mèo có lông đốm vàng, sao giống con mèo của con gái chị? Chị nhìn kỹ hơn, thấy rõ cái vòng cổ màu xanh còn nguyên trên cổ nó. Nó nằm im đó, lạnh ngắt.
Nó không được bầy mèo hoang chấp nhận đúng không? Những tiếng kêu đau đớn thi thoảng chị nghe thấy có phải là tiếng kêu của nó? Đã mấy tháng rồi mà nó chưa hòa nhập được với bầy mèo hoang, hẳn vì nó có đeo vòng cổ.
Nó là con mèo nhà.
Và chính chị là người đã mang thả nó.