Truyện ngắn: Ngọt và đắng

Bùi Đế Yên
08/06/2024 - 09:16
Truyện ngắn: Ngọt và đắng

Ảnh minh họa

Câu chuyện cuộc đời Mây, dư âm của những giọt cà phê hay lớp bột ca cao phủ đậm trên chiếc bánh hình trái tim khiến cho miệng Phong đắng nghét mà nào anh đã kịp ăn miếng nào...

Vào một chiều tháng 5 oi ả, trời đột ngột nổi cơn dông gió, người đàn ông trong bộ quần Tây, áo sơ mi trắng gọn gàng vội vàng dừng chiếc xe Dream trước một quán cà phê nhỏ sang trọng, khá hiếm hoi ngay cạnh đường.

Quán 2 tầng. Tầng dưới được bày biện trang trí khá công phu với những hòn non bộ, những bức tranh, những giò lan liro, vũ nữ tím vàng bắt mắt. Người đàn ông gọi một ly cà phê đen nóng và một phần Tiramisu, sau khi đã hỏi và biết quán không bán cơm hộp hay thứ gì khác ngoài bánh ngọt. 

Sau trận dông làm gãy một số cành cây, đổ một số biển hiệu, như thường lệ, trời bắt đầu đổ mưa. Người đàn ông quan sát những dòng ngoằn ngoèo bò nhanh trên cửa kính, thở dài. Sau đó, anh lấy laptop trong cặp ra, cao giọng hỏi nhân viên phục vụ mật khẩu wifi và bắt đầu chăm chú vào màn hình máy tính, thỉnh thoảng vẫn ngẩng đầu quan sát xung quanh.

Một lúc sau, từ lầu trên đi xuống một phụ nữ trạc ngoài 30, cao ráo, xinh đẹp. Cô buồn bã nhìn ra ngoài trời và nhìn về phía người khách hiếm hoi đang ngồi làm việc bên máy tính. Tình cờ người đàn ông ngẩng đầu lên. Hai ánh mắt chạm nhau, bất ngờ, bối rối. Rồi bỗng nhiên cô kêu lên:

- Anh Phong, Anh Phong Điền Lâm phải không?

Người đàn ông hơi cau mày. Nhiều năm rồi, anh không quay về cái làng Điền Lâm đã nuôi lớn anh thuở trước.

- …

- Em là Mây, Mây bánh bèo đây anh!

- Mây! Mây bánh bèo! Đúng là em rồi!

Hơn hai chục năm trước, hai người họ là đôi bạn chăn trâu, cắt cỏ. Họ rất thân nhau nhưng vừa thi đậu vào cấp ba, Phong đã phải theo gia đình vào Nam, Mây đứng bên trong hàng rào hoa dâm bụt khóc thút thít. Phong cũng đỏ mắt ngoài hàng rào:

- Tại sao anh phải đi?

- Ba tao nói: Lá rụng về cội. Mày cũng biết quê nội tao ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà.

- Bà Rịa - Vũng Tàu là ở đâu?

- Là Đặc khu Côn Đảo có biển Bãi Sau, Bãi Trước, có nghĩa trang Hàng Dương mà tao hay kể cho mày đấy. Ba tao bảo, ở đó có biển, có dầu, đất rộng, người chưa đông, cơ hội kiếm tiền nhiều…

- Rồi bao giờ anh về?

Truyện ngắn: Ngọt và đắng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

- "Rồi bao giờ anh về" - Bây giờ thì Phong chẳng thể nhớ anh đã trả lời Mây như thế nào nữa. Một đứa trẻ 15 tuổi sao có thể nói với đứa con gái 13 tuổi là: Nhất định anh sẽ về. Nó thậm chí cũng chẳng hứa hẹn sẽ viết thư hay gọi điện và thực tế thì bao nhiêu năm sau, nó cũng chẳng tìm cách liên hệ về thật. 

Trước là vì sợ bọn bạn bắt được thư sẽ trêu chọc, sau vì bận rộn và lười biếng. Sau nữa thì cuộc sống mà, đâu có ai nhớ ai mãi được đâu. Thế nhưng quên thì Phong không quên. Mười năm trước, Phong có dẫn vợ sắp cưới về quê cũ. 

Quang cảnh đã đổi thay nhiều. Ngôi nhà lợp lá duy nhất của nhà Mây giờ đây đã được thay bằng một ngôi nhà mái bằng khang trang hơn. Chủ mới đi làm xa, vợ người ta nói: Chồng mình mua lại nhà cả chục năm nay và chẳng biết cô Mây là cô nào. Bạn cũ nói Mây lấy chồng ở Nam Định.

- Sao em lại có mặt ở đây?

- Chuyện dài lắm anh ạ!

- Sao em lại nhận ra anh?

- Em có hình của anh. Hồi anh về quê có chụp chung hình với bạn bè. Ngoài ra, em còn đọc về anh trên báo… Anh giờ là người nổi tiếng rồi, đâu còn chịu nhận em làm người quen nữa chứ.

Phong cười buồn, tính nói gì đó nhưng lại dừng lại. Anh nhìn Mây. Giờ đây, cô đẹp và khác trước nhiều. Chiếc đầm màu vàng nhạt và chuỗi hạt ngọc trai khiến anh không nhận ra đứa bạn gái nhà nghèo, áo quần xộc xệch, từng cùng trèo cây trộm trái, lội đầm bứt hoa súng trắng, ăn chung từ củ khoai sùng cho tới trái chay chua ngày xưa.

- Em khác xưa nhiều quá! Anh nghe nói em lấy chồng bên Nam Định. Sao giờ em lại ở đây? Nhà này em mua lâu chưa?

- Tiền đâu mà mua nhà ở đây hả anh? Em làm ở đây thôi. Chồng em cũng con nhà khá giả nhưng ảnh ham cờ bạc, số đề, thắng thì ham, thua thì cay. Lấy nhau được chưa đầy 3 năm, bọn em đã phải bán nhà vào trong này. Tiếng là đi lập nghiệp nhưng thực chất là trốn nợ. 

Hai vợ chồng em đi làm thuê, làm mướn rồi thì cũng mở được một quán nước ven đường. Quán nhỏ nhưng thu nhập cũng đủ sống. Em có bầu rồi sinh con. Thời gian bầu bì, con mọn, em trót dại giao công việc làm ăn cho chồng mà lại không có thời gian canh ổng, được vài tháng "ngựa quen đường cũ", ổng lấy cớ đi tìm nguồn hàng, sang Campuchia chơi bài. 

Bọn cho vay nặng lãi gọi tới, em mới biết chưa đầy nửa năm, ổng đã phá sập luôn cái tiệm hai vợ chồng gầy dựng cả chục năm, còn vay nợ của bạn hàng mất mấy chục triệu. Đấy là còn may vì bạn bè, người quen chẳng ai dám cho ổng vay nhiều đó. Nhưng sang Campuchia đánh bạc, vay lãi mấy chục phần trăm một ngày, lại vay dân giang hồ, đố kẻ nào dám không trả. 

Bọn nó cho em nghe giọng ổng, nói có một tỷ rưỡi gửi sang thì ổng mới nguyên vẹn mà về. Con em chưa đầy tuổi. Tiền tích cóp không nhiều. Trăm rưỡi triệu em còn có thể lo được chứ tỷ rưỡi tiền đâu… 

Mà nói thật, nếu có tỷ rưỡi thì em cũng để lo cho con gái em chứ có phải thời chị Dậu đâu mà bán con chuộc chồng. Em cắt điện thoại bàn, bỏ sim điện thoại di động, trốn về đây làm thuê, cũng đủ nghề. Thế rồi em gặp được một người tốt. Biết em có kinh nghiệm, chị ấy kêu em về làm quản lý, để hai mẹ con có chỗ trú chân và con em được đến trường. 

Em làm ở đây đã được gần 2 năm rồi, cũng ổn dù nhiều đêm em cũng gặp ác mộng khi hình dung ra cảnh chồng mình bị mổ bụng, bán nội tạng… nhưng em biết làm sao… Rồi còn anh, vợ con, gia đình thế nào? Trông anh ăn mặc bảnh bao thế này chắc cuộc sống của anh khá hơn em rồi đúng không?

- Như em biết đấy anh làm báo. Anh là… phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật.

- Em đọc truyện "Đường đời muôn nẻo" đăng trên báo Áo Trắng của anh thấy hay quá chừng, cứ muốn liên lạc với anh mà chẳng được.

Phong cười buồn, đa phần thì độc giả chỉ thích những sản phẩm bình thường, đơn giản như vậy. Dù sao vẫn mừng vì vẫn còn có người đọc và dù sao thì những truyện nhạt nhẽo như vậy cũng vẫn hơn những bài phỏng vấn ca ngợi lăng xê cho các "ngôi sao" kiểu "… tác phẩm đỉnh cao X, Y, Z đã mang đến cho chúng ta một thông điệp, một bài học có giá trị nhân văn cao cả" hoặc "Bằng tài năng của mình, nghệ sĩ A đã khẳng định tên tuổi của mình". 

Báo chí đang ở thời kỳ cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, chưa kể anh lại đã đổi qua ba, bốn tòa soạn rồi. Tờ báo này phù hợp với anh hơn cả. Ngoài làm báo, viết văn, anh còn biết làm gì để nuôi một người vợ ốm yếu, cùng hai đứa con gái còn nhỏ dại.

Thấy nụ cười và nét mặt của Phong, Mây như hiểu ra. Cô đẩy đĩa bánh về phía anh:

- Thôi, lâu mới gặp mà nói chi chuyện không vui. Anh ăn bánh đi. Bánh này do em làm đó. Bánh ngọt lắm!

"Bánh ngọt lắm", câu nói đơn giản quen thuộc khiến Phong quặn lòng. Ngày trước, mỗi khi mời anh một thứ gì đó, bất kể là trái đa xanh chát, quả búp bò non hay củ cỏ gấu nhờ nhợ đắng, Mây cũng thường nói: Phong ăn đi, ngọt lắm đó! Và tuổi trẻ, cái đói nghèo hay là lời mời mọc khiến cho những thứ đó thật ngon ngọt xiết bao. 

Còn bây giờ, câu chuyện cuộc đời Mây, dư âm của những giọt cà phê hay lớp bột ca cao phủ đậm trên chiếc bánh hình trái tim khiến cho miệng Phong đắng nghét mà nào anh đã kịp ăn miếng nào đâu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm