Truyện ngắn: Tiệm sách hy vọng

Việt Thu
02/04/2023 - 08:56
Truyện ngắn: Tiệm sách hy vọng
Chẳng hiểu sao Ân khẽ gật đầu. Ân chợt nhớ ra hình như đã quên khoe với Hoàng rằng cây phượng rừng Hoàng trồng trước cửa tiệm đã hé những nụ bé xinh...

Tiệm sách của Ân luôn là nơi mở cửa sớm nhất thị trấn. Tiệm nằm ngay dưới chân đồi, đối diện với ngôi trường dạy chung cả ba cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông. Ngôi trường nằm trên một quả đồi rộng, được bao quanh bởi những cây hoa phượng vàng. 

Mỗi năm, vào dịp tháng Tám, từ dưới chân dốc ngước mắt nhìn lên thấy ngôi trường như được bao phủ bởi những vạt nắng lung linh, vàng óng. Vạt đồi phía sau tiệm sách của Ân lại bạt ngàn bằng lăng tím, hoa bung những cánh buồn đến nao lòng.

Mỗi sớm, Ân mở cửa từ lúc sương còn chưa tan hết, buông những vạt lửng lơ, mỏng mảnh dọc con phố nhỏ. Một lúc thì vài đứa học sinh quen của tiệm tới, bé có, lớn có. Chúng cầm cái bánh mì hoặc ly sữa đậu nành ấm, chọn một cuốn truyện tranh hay cuốn sách dành cho tuổi mới lớn, ngồi xuống băng ghế kê sát cửa sổ dưới hiên, vừa ăn vừa tranh thủ đọc trước giờ vào học. 

Mùi bánh, mùi sữa ngọt ngào xua bớt hơi sương lạnh giá. Ân nhìn chúng, tự nhủ nếu không có gì xảy đến, có lẽ con của cô và Thành cũng đã bằng con bé đang say sưa đọc cuốn truyện cổ tích kia. Có lẽ, con bé cũng sẽ xinh xắn, thông minh và ham đọc sách giống Thành.

- Cô ơi cô!

Truyện ngắn: Tiệm sách hy vọng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tiếng gọi của đứa nhỏ bứt Ân ra khỏi dòng hồi ức. Sắp đến giờ vào học rồi, những vị khách nhí tiếc nuối bỏ cuốn sách, tờ báo vào vị trí cũ, bỏ những tờ tiền lẻ năm trăm, một ngàn vào chiếc hộp trên bàn rồi ríu rít gọi nhau đi học. Đứa nhỏ gọi Ân rụt rè đưa hai chiếc vỏ lon và mấy tấm bìa carton cũ, ngập ngừng:

- Cô ơi con muốn mua cuốn truyện Đô-rê-mon về nhà tặng sinh nhật em, em con sắp tròn 6 tuổi, nhưng con không có tiền. Chiều qua, con đi nhặt ve chai được chừng này. Cô cho con đổi thành tiền thuê sách được không ạ? Con đi bán mà ít quá người ta không mua.

Thằng bé ăn mặc bộ đồng phục đã cũ, ngắn tũn trên cả mắt cá chân nhưng sạch sẽ. Ánh mắt nó ngập tràn nỗi mong chờ. Ân chống nạng, đứng dậy:

- Con vào đây và chọn lấy cuốn mà con muốn tặng em. Đưa ve chai con nhặt được đây, cô sẽ đổi cho con.

Khuôn mặt thằng bé bừng sáng. Nó đặt hai vỏ lon và mấy tấm bìa thật gọn gàng vào một góc rồi bước lại chọn sách. Bước chân nó như nhảy nhót trong tiếng trống báo vào học và cả vạt nắng sớm đậu trên tán lá. 

Ân lấy cuộn len, ngồi xuống chiếc ghế kê dưới tán cây trước cửa hoàn thiện nốt chiếc áo len đang đan dở. Ngày mai cuối tháng, Hoàng sẽ đến lấy cùng với những bộ đồ cũ Ân gom được để mang vào cho bọn trẻ trong bon.

Ân về thị trấn vào một ngày mùa mưa. Những cơn mưa xứ núi chóng đến, chóng đi gieo vào lòng người những hoài niệm, đồng thời cũng làm dịu bớt những vết thương nhức nhối. Cô đưa Thành về cạnh mẹ và hoàn thiện ước mơ dang dở của anh. 

Vụ tai nạn khiến anh ra đi mãi mãi, đứa bé trong bụng cô cũng bỏ cô mà đi. Một bên chân bị cưa đến gối. Ra viện, cô gom số tiền hai vợ chồng dành dụm được cùng với số tiền bồi thường của người gây tai nạn, tìm về thị trấn nhỏ, mua một căn nhà dưới chân dốc đối diện trường học mở tiệm bán và cho thuê sách báo cũ, bán vài món đồ dùng học tập. Cô cũng mua một mảnh rẫy cho người ta thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. 

Cuộc sống đơn giản, ngày ba bữa cơm, ngắm nhìn những đứa học sinh ríu rít cho vơi bớt nỗi buồn và sự mặc cảm. Ân học đan len. Ngồi vùi mình trong chiếc ghế, tỉ mẩn theo từng mũi đan giúp cô vơi đi nỗi buồn, bớt suy nghĩ lung tung. 

Cửa tiệm, mảnh vườn và những món đồ xinh xinh đan bằng len khiến cô có động lực sống tiếp khi chẳng còn ai bên cạnh. Cùng phận mồ côi, chung chỗ làm rồi yêu nhau và về chung một nhà, Thành với Ân cũng đã từng là tất cả, gia đình, người thân, những mong ước tương lai. Ước mơ dang dở của anh trở thành sợi dây níu Ân ở với cuộc đời. 

Một ngày thấy trên mạng xã hội có người xin quần áo cũ, đồ ấm cho những đứa trẻ nghèo, cô chống nạng đi xin hàng xóm xung quanh. Sau quen dần, cô dán tờ giấy lên cửa tiệm, mọi người thương cô đi lại vất vả nên gấp vào túi mang đến tận nơi. Cô soạn lại, giặt sạch sẽ, thơm tho rồi gấp gọn chờ người đến lấy. 

Cô đan thêm những chiếc khăn và áo ấm để gửi tặng, tưởng tượng ra cảnh những đứa trẻ vui mừng nâng niu chiếc khăn len rực rỡ, tấm áo mới, con đường đến trường mỗi sớm như bớt lạnh giá hơn rồi tự mỉm cười. Cũng từ đó, cô gặp Hoàng.

Một sớm mùa hè, Hoàng chở đứa con gái đến tiệm cô mua sách. Con bé hoàn thành năm học với thành tích xuất sắc và đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh, được tuyển thẳng vào trường chuyên. Nó muốn được bố tặng một cuốn sách. 

Cuốn sách văn học từ khá lâu rồi nên không còn bản mới. Hoàng đành chở con bé đi tìm ở tiệm sách cũ. May sao tiệm của Ân lại có một cuốn. Ít lâu sau, Ân liên lạc với người xin quần áo cũ, bất ngờ, người ấy lại là Hoàng. Nhà hai người lại chỉ cách nhau có một đoạn đường.

 Cứ thế thi thoảng, Hoàng ghé khi thì lấy quần áo cũ, lúc lại cầm ít truyện tranh, chút bánh kẹo cho bọn trẻ con trong bon. Ngày trước, Hoàng là giáo viên tăng cường xóa mù chữ cho đồng bào tại vùng biên giới. Sau gần chục năm, anh được phân về làm chuyên viên ở phòng giáo dục huyện. 

Dẫu vậy, hình ảnh những đứa trẻ nghèo không đủ áo quần, đi chân đất trong những ngày hun hút gió khiến anh không thể yên lòng. "Lá rách ít đùm lá rách nhiều", anh bảo ngoài thị trấn cũng nghèo nhưng vẫn còn những người có thể sẻ chia tấm áo cũ, cuốn sách đã đọc xong cho các em trong ấy. Mình chẳng làm được gì, chỉ là bỏ ra chút công sức chạy vào để chia sẻ cùng bọn nhỏ thôi thì ngại gì.

Câu chuyện về những đứa trẻ đã kéo Ân và Hoàng lại gần nhau hơn, chia sẻ cho nhau nghe nhiều hơn những điều trong cuộc sống. Mỗi lần ghé qua, Hoàng đều giúp Ân một việc gì đó, lúc thì sửa lại cái mái tôn bị gió lật, lúc đóng lại cánh cửa gỗ xộc xệch. 

Có bữa, Hoàng gửi cho Ân một hũ hoa đu đủ đực ngâm mật ong khi nghe cô húng hắng ho. Bằng trái tim nhạy cảm của một người phụ nữ, Ân biết Hoàng có cảm tình với mình. Anh một mình nuôi con gần chục năm nay, từ lúc con bé Hoài còn nhỏ xíu. 

Vợ anh không chịu nổi cuộc sống buồn tẻ, lặng lẽ nơi thị trấn nghèo đã quyết định chia tay để đi tìm chân trời mới. Hoàng bảo anh không trách vợ cũ, ai cũng mong muốn mình được sung sướng, hạnh phúc, nào có ai muốn chịu khổ.

Ân chẳng biết tình cảm mình dành cho Hoàng là gì. Hoàng tốt bụng, hiền lành và tử tế. Con bé Hoài cũng ngoan ngoãn, dễ thương. Cuối tuần về nhà, nó vẫn ghé qua tiệm sách nhờ Ân dạy đan len hoặc mượn vài cuốn sách mang lên trường đọc. 

Ân cũng mong có một mái ấm, có người chia sẻ lúc sớm tối. Ở chốn xa xôi nào đấy, có lẽ Thành cũng mong Ân được hạnh phúc. Nhưng Ân mặc cảm. Ân không thể đi lại bình thường, chỉ sợ lại trở thành gánh nặng cho người khác.

Con bé Hoài hớt hải chạy lại. Thi học kỳ xong nó được nghỉ mấy ngày. Chưa vào đến nhà, nó đã gọi Ân:

- Cô Ân ơi cô Ân, cô sang nhà cháu xem bố cháu với. Bố cháu sốt từ tối qua đến giờ chưa đỡ cô ạ. Mà bố cháu không chịu đi viện.

Ân vội vớ lấy cây nạng đứng lên. Con bé Hoài giữ cái xe đạp:

- Cô ngồi lên đây cháu đèo cho nhanh. Từ hôm qua đến giờ, bố cháu chẳng chịu ăn gì.

Đưa Ân về đến nhà, nó chạy ngay vào bếp, mang ra một tô cháo, đưa cho Ân. Nó bảo, giờ chắc chỉ có cô là dỗ được bố cháu ăn thôi. Rồi vội vàng, nó kêu toáng lên. Hình như Ân chưa đóng cửa tiệm sách, nó phải chạy xuống trông giúp cô kẻo mất hết đồ đạc thì nguy. 

Rồi cứ thế, nhanh như một cơn gió, nó phóng lên chiếc xe đạp sau khi dành cho bố một cái nháy mắt tinh nghịch.

Tô cháo nóng trên tay Ân. Mặt Ân cũng đỏ bừng. Cô lúng túng ngồi xuống khi nghe Hoàng khẽ bảo:

- Thấy bố bị ốm, con bé cứ bảo sang nhờ cô Ân chăm bố. Nó quý em lắm đấy.

Không thấy Ân đáp, Hoàng đỡ bát cháo trên tay Ân đặt xuống rồi nắm lấy bàn tay cô:

- Mấy hôm nữa, em cho anh ra thắp hương cho mẹ và anh Thành, em nhé!

Chẳng hiểu sao Ân khẽ gật đầu. Ân chợt nhớ ra hình như đã quên khoe với Hoàng rằng cây phượng rừng Hoàng trồng trước cửa tiệm đã hé những nụ bé xinh...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm