pnvnonline@phunuvietnam.vn
T&T Group hợp tác với Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) phát triển công viên dược tại Việt Nam
Ngày 31/7, tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ, ngành hai nước, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) đã trao thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Theo đó, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Ramky (Công ty TNHH Hạ tầng Ramky) sẽ hợp tác cùng nghiên cứu và phát triển một Khu công nghiệp dược định hướng công nghệ cao, hiện đại và đồng bộ, đạt tiêu chuẩn quốc tế gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và năng lượng tại Việt Nam.
Tập đoàn T&T Group (bên phải) và Tập đoàn Ramky trao các thỏa thuận hợp tác
Chia sẻ về hợp tác này, ông Nguyễn Ngọc Nghị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết, dự án công viên dược sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, khu công nghiệp dược sẽ giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu đối với các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng. Bên cạnh đó, các công viên dược cũng góp phần đa dạng hóa các chuỗi sản xuất, thu hút dòng vốn FDI lớn vào đất nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp dược, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp dược tại Việt Nam.
"Với kinh nghiệm triển khai thành công các Khu công nghiệp dược (trong đó có Khu công nghiệp dược đầu tiên trên thế giới) của Ramky Group, cùng uy tín và tiềm lực vững mạnh của T&T Group, trong tương lai, công viên dược sẽ trở thành địa điểm thu hút nhiều công ty dược nổi tiếng trên thế giới. Các sản phẩm dược phẩm được sản xuất ra không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu ra khu vực; từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới", đại diện Tập đoàn T&T Group khẳng định.
Theo đại diện Tập đoàn Ramky, việc thành lập một khu công nghiệp dược chuyên dụng tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo tự chủ nguồn cung cấp dược phẩm và phát triển các nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của quốc gia. Với kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực của Ramky Group trong việc phát triển, duy trì cơ sở hạ tầng công nghiệp và môi trường cần thiết cho một dự án công viên dược, Ramky Group mong muốn được hợp tác cùng T&T Group để thực hiện một dự án như vậy tại Việt Nam.
Tại Ấn Độ, phát triển khu công nghiệp dược chuyên biệt là một trong những thế mạnh của quốc gia này, góp phần đưa Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất thuốc hàng đầu thế giới. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ 20, Ấn Độ đã nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp dược, công viên dược để quy tụ các doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ và thế giới tập trung sản xuất tại các khu chuyên biệt.
Jawaharlal Nehuru Pharma City (JNPC) - Trung tâm dược đầu tiên của nước này được thành lập tại bang Andhra Pradesh, phía Nam Ấn Độ, bởi Visakha Pharmacity Ltd - công ty liên doanh giữa Tập đoàn Ramky & Andhra Pradesh Industrial Infrastructure Corporation (APIIC). JNPC có diện tích rộng 2400 mẫu Anh, tập trung vào việc cung cấp các cơ sở vật chất và tiện nghi đẳng cấp thế giới để thuận lợi cho việc thành lập và vận hành liên tục các ngành công nghiệp dược phẩm. JNPC phục vụ hơn 104 ngành công nghiệp bao gồm một số tập đoàn dược phẩm quốc tế hàng đầu thế giới như Pfizer (Mỹ), Mylan Laboratories (Hà Lan), Eisai Pharma Technology (I) Pvt Ltd (Nhật Bản), M/s PharmaZell Pvt Ltd (Đức), SNF (I) Ltd (liên doanh với Pháp), M/s Aptuit Laurus Labs (liên doanh với Mỹ) và nhiều công ty khác.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Tập đoàn T&T Group và Công ty TNHH Hạ tầng Ramky đã trao thỏa thuận hợp tác nguyên tắc để cùng góp vốn phát triển, xây dựng và vận hành dự án Nhà máy xử lý chất thải tại Việt Nam. Thỏa thuận này là kết quả của quá trình tích cực tìm hiểu, nghiên cứu về dự án; đồng thời cũng là khuôn khổ cho các hợp tác khác của hai doanh nghiệp để phát triển Nhà máy xử lý chất thải.
Theo đó, hai bên sẽ cùng góp vốn để thực hiện dự án theo tỷ lệ cổ phần sở hữu, tương đương 50% mỗi bên; đồng thời tìm kiếm nguồn vốn vay trong nước và quốc tế phù hợp với nhu cầu của dự án để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất. Trong thời gian tới, T&T Group và Ramky sẽ hoàn thành nốt các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện dự án.
Tập đoàn Ramky
Ramky Group được thành lập vào năm 1994, tại Hyderabad, Ấn Độ và đã trở thành một trong những công ty hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý môi trường. Với mục tiêu phát triển các dự án có tác động tích cực đến cả môi trường và nền kinh tế nói chung, Ramky tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng chính bao gồm: Nước & Nước thải, Giao thông vận tải, Cơ sở hạ tầng công nghiệp, Cơ sở hạ tầng thương mại, dân cư, xã hội, thể chế và thủy lợi, Quản lý môi trường, Quản lý chất thải và nước, Sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng và nhiều lĩnh vực khác.
Ramky Group là đối tác của cả chính phủ và các đối tác tư nhân. Tất cả các công ty của Tập đoàn được quản lý chuyên nghiệp, đã triển khai các hệ thống chất lượng ISO 9000, ISO 14000, ISO 17025 và OHSAS 18000 với cam kết rõ ràng về chất lượng.
Ramky Group có đanh mục dự án đa dạng với hơn 80 dự án PPP. Một số dự án tiêu biểu mà Ramky Group đã thực hiện, bao gồm: Dự án đường cao tốc lớn nhất Tiểu bang, Telangana & Andhra Pradesh; Cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng lớn nhất ở Nam Ấn Độ, Hyderabad, Telangana; Khu công nghiệp dược phẩm đặc thù theo ngành Jawaharlal Nehru Pharmacity, Visakhapatnam, Andhra Pradesh; Nhà máy xử lý nước lớn thứ 2 công suất 410 MLD Telangana; Nhà máy STP lớn nhất trên công nghệ UASB ở Nam Ấn Độ, công suất 172 MLD; Lắp đặt SBR quy mô lớn nhất ở Ấn Độ.
Ramky Group hiện có 6500 nhân viên, với hệ thống mạng lưới văn phòng hiện diện trên khắp Ấn Độ và đang hoạt động tại một số thị trường quốc tế nổi bật như UAE, Singapore, Hoa Kỳ, Peru, Nigeria, Ai Cập, Jordan, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Gabon, Việt Nam…