pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội: Hãy sống trách nhiệm với cộng đồng
Đêm 6/3, tại Hà Nội (Việt Nam) ghi nhận ca nhiễm Sars-CoV-2 thứ 17. Bệnh nhân được xác định là một cô gái tên N.H.N, 26 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch quận Ba Đình, Hà Nội. N. đi du lịch qua các nước Anh, Italy, Pháp về Việt Nam ngày 1/3 trên một chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam Airlines.
Bệnh nhân không khai báo y tế khi nhập cảnh qua sân bay Nội Bài vào ngày 2/3. Chiều 5/3, cô đã vào bệnh viện khám và sau 2 lần xét nghiệm cho kết quả dương tính với Sars-CoV-2. Trước đó, chị gái của cô ở Anh đã được xác nhận dương tính với Sars-CoV-2. Ca bệnh thứ 17 này đã phá vỡ chuỗi 22 ngày Việt Nam không ghi nhận có thêm ca nhiễm mới nào.
Ngay trong đêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các ban ngành đã họp khẩn cấp các phương án và không loại trừ phương án cách ly cục bộ một số tuyến phố ở Hà Nội. Thậm chí, Ban chỉ đạo phòng chống dịch không loại trừ cách ly toàn bộ thành phố Hà Nội nếu tình trạng diễn biến phức tạp.
Bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam đang khiến những nỗ lực chống dịch tốn bao công sức của Nhà nước, của quân đội, của ngành Y tế trước nguy cơ đổ xuống sông, xuống biển. Hà Nội đang trước một nguy cơ, thử thách lớn có thể trở thành vùng dịch thứ 2 sau Sơn Lôi - xã vừa mới dỡ bỏ lệnh cách ly được 2 ngày. Bước đầu đã xác định 223 người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 này. Điều này cho thấy nguy cơ bệnh dịch có thể sẽ lan rộng.
Bệnh nhân N. không khai báo y tế khi qua sân bay Nội Bài, dù trước đó đi du lịch các nước đang có dịch. Trước khi trở về Việt Nam, ngày 29/2, N. đã có dấu hiệu ho, không rõ sốt, đau mỏi người. Mặc dù vậy, khi về Việt Nam, bệnh nhân không thực hiện khai báo y tế. Theo bệnh nhân, mấy ngày sau đó đã tự cách ly tại nhà. Từ chuyện một cô gái đi về từ vùng dịch Hàn Quốc trốn tránh kiểm dịch trước đó cho đến bệnh nhân thứ 17 này đều có một điểm giống nhau, đó là thái độ vô trách nhiệm trước cộng đồng, khiến ai ai cũng bất bình và lên án. Sự thiếu trách nhiệm đó đã đẩy cuộc chiến chống Covid-19 sang một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, đặc biệt là với một thành phố đông dân, trái tim của cả nước - Thủ đô Hà Nội.
Đêm qua và sáng nay, tại Hà Nội cũng như một số địa bàn, người dân đã lũ lượt kéo nhau đi các siêu thị tích trữ đồ ăn, nhu yếu phẩm. Điều đó cho thấy sự hoang mang, náo loạn của đại đa số người dân trước nguy cơ Covid-19 có thể quay lại. Tuy nhiên, trong thời điểm này, mỗi một người dân cần nêu cao trách nhiệm công dân và hành động có tính toán, có ý thức. Bởi lẽ mỗi cá nhân sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo khi bỗng nhiên di chuyển, tập trung đông người nơi công cộng, vơ vét hàng hóa gây khan hiếm giả tạo và càng gia tăng tình trạng khó kiểm soát dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đang lan rộng ra hơn 90 quốc gia trên thế giới và ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam đã quy định, kể từ 0h ngày 7/3, tất cả mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế bắt buộc. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam cũng sẽ là nước đầu tiên thực hiện khai báo y tế điện tử hình thức này. Cũng trong đêm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những kế hoạch hết sức mạnh mẽ như: Các đô thị lớn, đông dân cư, đặc biệt là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cách ly trên diện rộng. Thông tin đến nhân dân, đến cộng đồng quốc tế phải minh bạch, chính xác, công khai, kịp thời; đề xuất thực hiện chế độ visa phù hợp với tinh thần hạn chế tối đa người từ vùng dịch đến Việt Nam; nhân dân tiếp tục ủng hộ, chủ động và chung tay cùng các cơ quan chức năng. mọi người tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
"Nước lụt thì lút cả làng". Thiên tai, địch họa, dịch giã… là thảm họa không loại trừ một ai. Nếu như trong chiến tranh, biết được ai là dũng cảm, ai là hèn hạ, trong thiên tai, biết được ai vô cảm, ai giàu lòng nhân ái, thì trong dịch giã, ta cũng sẽ biết được ai hành xử đúng đắn, có trách nhiệm, hy sinh, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, ai là người vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Sự bĩnh tĩnh lúc này là hết sức cần thiết. Thay vì trách móc, chì chiết, chúng ta hãy hành động có ý thức. Còn nhiều con em của chúng ta chưa thể trở lại trường học. Kinh tế đình trệ. Thiệt hại do Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến tất cả người dân Việt Nam, không chừa một ai… Thay vì loan và chia sẻ các thông tin thiếu kiểm chứng, hãy theo dõi báo chí chính thống. Đừng làm loạn thêm thông tin bởi sự thiếu sáng suốt, thiếu bình tĩnh. Hiện tại, sự minh bạch, tự giác chính là biện pháp sống còn để nêu cao trách nhiệm công dân của mỗi người trước khó khăn chung của đất nước. Mỗi một công dân phải có ý thức khai báo, cách ly khi phát hiện mầm bệnh, góp phần loại trừ dịch bệnh ngay khi còn trong trứng nước.
Chúng ta hãy tin tưởng vào mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu là kiên quyết phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, kể cả phải chấp nhận tiếp tục hi sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
Với phương châm phòng, chống dịch là khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan; thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 36 là gắn kết và chủ động thích ứng. Hãy xem việc chống Covid-19 là một cuộc chiến đấu không chỉ chống loại virus mới mà còn là cuộc chiến chống lại virus của thói cá nhân, thiếu trách nhiệm công dân của mỗi người. Trong lợi ích cộng đồng, chúng ta có lợi ích cá nhân. "Con người là một phần của tổng thể của xã hội. Như nhà thơ Anh John Done đã viết "Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt/ Vì tôi là một phần của loài người. Cho nên đừng hỏi/ Chuông nguyện hồn ai/ Chuông nguyện hồn anh đấy".