Từ chiến dịch 'Mẹ ơi! Đừng giết con': Đừng nhân danh cái THIỆN để tạo tiền đề cái ÁC

Đinh Thu Hiền
16/12/2018 - 09:18
Từ chiến dịch 'Mẹ ơi! Đừng giết con': Đừng nhân danh cái THIỆN để tạo tiền đề cái ÁC
Chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con” gây xôn xao mạng xã hội mấy ngày qua vì sự phân hóa tư duy. Người phụ nữ bỗng trở thành tâm điểm bị lên án - đó là điều rất bất công và không thể chấp nhận được.

Quỹ từ thiện HTBC Foundation do 2 admin khởi xướng: Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1988) sống tại TPHCM và Lê Huỳnh Hà (sinh năm 1990) sống tại Phú Yên, đã đưa ra chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con” - với slogan tiếng Anh “Mama! Don’t kill me” đã tạo sự phân hóa gay gắt trên các diễn đàn mạng mấy ngày gần đây. Chiến dịch phát đi lời kêu gọi 100 ngàn chữ ký để kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành “Luật cấm nạo phá thai” tại Việt Nam. Hàng chục ngàn bình luận cùng nhiều ngàn lượt chia sẻ trái chiều khiến cho 2 admin này phải nhận sự chỉ trích của dư luận.

 

me.jpg
Ảnh minh họa

 

Một video phát động chiến dịch, được coi là tâm điểm của Quỹ này, đã minh họa cho tình trạng nạo phá thai đáng báo động tại Việt Nam. Con số minh chứng cho thấy 300 ngàn sinh mạng mỗi năm bị buộc phải chết yểu là “thảm họa nhân đạo” và đó cũng là “tội ác man rợ”. 2 admin Lê Huỳnh Hà và Lê Hoàng Thạch đã khẳng định sẽ đi đến cùng với chiến dịch “Mẹ ơi! Đừng giết con”.

 

Lê Huỳnh Hà cho biết, sở dĩ cậu sáng lập ra chiến dịch để kêu gọi ủng hộ “Luật cấm nạo phá thai” vì “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ cần được chấm dứt”. Bên cạnh đó, đất nước sẽ thiếu hụt dân số trầm trọng trong tương lai, sức khỏe sinh sản của phụ nữ bị ảnh hưởng, phụ nữ được yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục...

 

Tuy nhiên, ngay từ tên gọi của chiến dịch đã bị nhiều người phản bác bởi thiếu tính nhân văn. Bạn đọc tên Hán Minh Hằng cho biết: “Tại sao lại dùng từ “giết”? Tôi biết có những người mẹ đi siêu âm và phát hiện ra não của thai nhi có vấn đề nghiêm trọng. Nếu đứa bé đó được sinh ra thì bản thân bé và có thêm nhiều mảnh đời bất hạnh đi cùng. Còn người mẹ, khi bỏ đứa con trong nước mắt, sao lại mang tội “giết con”? Ngay từ cái tên của chiến dịch nếu thể hiện sự coi thường phụ nữ thì đã là 1 chiến dịch không nhân văn. Đàn ông không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào trong chuyện phải bỏ đứa con sao?”.

 

Kể ra 1 câu chuyện được chứng kiến, bạn đọc tên Chu Hạnh ở Hà Nội cho biết, cô từng nhìn thấy 1 bà mẹ hớt hải xin vô khám thai trước mọi người vì việc riêng. Khi người mẹ ấy đi ra, chị mang bộ mặt thất thần khiến ai nấy đều rất thương cảm. Chị nói rằng, bác sĩ cho chỉ định phải bỏ thai nhi trong bụng vì nhiều yếu tố. Nếu như chị ấy đọc phải thông tin về chiến dịch thiếu nhân văn này, thì còn như thêm lưỡi dao đâm thẳng vào tim. Nữ bạn đọc này cho biết đã “report” (thể hiện sự không ủng hộ) chiến dịch trên, vì nhân danh sự nhân văn để khắc họa sự thiếu nhân văn, đó là hành động ngụy quân tử!

 

48084054_591607997940483_5852848450764275712_n_2.jpg
Hình ảnh trong video phát động chiến dịch. Ảnh chụp màn hình

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, video phát động chiến dịch của Quỹ từ thiện HTBC Foundation được đăng tải trên 1 trang tin điện tử dành cho giới trẻ. Việc nâng cao nhận thức về quan hệ tình dục không an toàn dẫn tới mang thai của 1 bộ phận giới trẻ không thể đánh đồng với quyền quyết định sinh con hay không của phụ nữ. Sẽ vô cùng bất công khi việc duy trì nòi giống loài người thuộc về cả giống cái và giống đực - phụ nữ và nam giới -  nhưng mọi sự hứng chịu rủi ro, cũng như trách nhiệm, đều đổ lên vai người mẹ.

 

Việc tạo ra 1 sinh linh đều có sự tham gia cả 2 giới. Tùy theo từng hoàn cảnh phù hợp, người phụ nữ CÓ QUYỀN quyết định với chính cơ thể mình. Chính vì vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 đã khẳng định: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế”.

 

“Khi dự luật được chính thức thành luật, sẽ có một lộ trình thực hiện, trong lộ trình thực hiện sẽ có việc đánh giá, xét lại các tiêu chuẩn của các phòng khám để cấp phép lại một số ít nơi được phép phá thai trong các trường hợp loại trừ. Còn lại, tất cả các nơi sẽ không được phép phá thai, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm với pháp luật”, Lê Hoàng Thạch, người sáng lập chiến dịch, cho biết. Tuy nhiên, phản bác lại “ý tưởng” này, rất nhiều người cho rằng sẽ rộ lên nhiều cơ sở nạo phá thai chui, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người phụ nữ.

 

pha-thai-love-of-mom-5-1024x512.jpg
Ảnh minh họa

 

Chĩa mũi dùi vào phụ nữ một cách không khoan nhượng và cực kỳ ác ý, mang sự bất bình đẳng giới vào chiến dịch tưởng như nhân đạo, đặt tên cho chiến dịch với sự hằn học, đó chính là toàn cảnh của “Mẹ ơi! Đừng giết con”. Cho dù, sau khi hứng mọi “gạch đá” chỉ trích, 2 admin sáng lập đã thay đổi nội dung chiến dịch. Trong đề xuất kiến nghị với Quốc hội, nhóm sẽ loại trừ các đối tượng gồm những phụ nữ trong các trường hợp ngặt nghèo như bị hãm hiếp, hôn nhân cùng huyết thống, gặp các vấn đề cấp bách phải bỏ thai... Tuy nhiên, các vấn đề cơ bản Quyền được quyết định việc sinh hay không sinh con của người phụ nữ vẫn bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.

Xóa bỏ tư duy lạc hậu mất nhiều thời gian nhưng để thay đổi được tư duy lệch lạc thì còn mất nhiều thời gian hơn nữa. Người phụ nữ cần được nhìn nhận với sự tôn trọng và yêu thương trong cuộc đời, chứ không phải là công cụ duy trì nòi giống và hứng chịu đủ thứ bất công vì giới tính.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm