‘Tự chủ đại học không phải là tự ý tăng thu rồi lấy tiền chia nhau’

19/03/2019 - 13:55
"Tự chủ đại học được cho là xu thế tất yếu, nó bao hàm nhiều vấn đề chứ không chỉ là tự chủ về tài chính và tự chủ tài chính cũng cần được các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) hiểu đúng, làm đúng chứ không phải thu chi thế nào tùy ý".
Đó là nhận xét của TS Trần Tú Khánh, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức, diễn ra sáng 19/3 ở Hà Nội.
 
Theo ông Khánh, tính đến cuối năm 2017, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 theo NQ77 cho 23 cơ sở GDĐH công lập trực thuộc các bộ, ngành Trung ương. Trong đó, 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 3 trường có thời gian tự chủ từ 1 - 2 năm, 5 trường có thời gian tự chủ dưới 1 năm và 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017.
 
hoithao.jpg
Qua thảo luận, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tự chủ đại học nhằm nâng cao nhận thức về cơ chế này và tạo điều kiện để các trường triển khai thực hiện tự chủ một cách thực chất, đồng bộ và thống nhất.

 

Khảo sát của Bộ GD&ĐT cho thấy, phần lớn các trường đã đảm bảo tương đối tốt toàn bộ hoạt động chi thường xuyên, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học thông qua việc miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích học bổng khuyến khích theo quy định và có chênh lệch thu lớn hơn chi, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên so với giai đoạn trước. Tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 7.765 tỷ đồng (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.660 tỷ đồng (tăng 16,6%).
 
Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho GDĐH còn hạn hẹp thì thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập (ĐHCL) là tất yếu, để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển GDĐH. Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục ĐHCL đã mở ra, tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐHCL nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng NSNN được giao tiết kiệm, hiệu quả hơn.
 
Tuy nhiên, TS Trần Tú Khánh cho rằng, nguồn tăng thu của các trường đại học hiện nay vẫn là tăng quy mô đào tạo chưa huy động được các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo theo hợp đồng cho các tổ chức và cá nhân trong nước. Thêm vào đó, một số trường còn nhận thức chưa đúng về tự chủ tài chính.
 
“Tự chủ đại học được cho là xu thế tất yếu, nó bao hàm nhiều vấn đề chứ không chỉ là tự chủ về tài chính, và tự chủ tài chính cùng cần được các cơ sở GDĐH hiểu đúng, làm đúng chứ không phải thu chi thế nào tùy ý. Tự chủ đại học không phải là tự ý tăng thu để lấy tiền chia nhau. Nếu lấy tiền từ nguồn thu học phí rồi chuyển sang các quỹ phúc lợi để chia nhau là không được, cơ quan kiểm toán nhà nước sẽ làm rất chặt chẽ vấn đề này”, ông Khánh khẳng định.
 
Trong khi đó, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, tự chủ đại học của ta hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song nhìn chung nhận thức về vấn đề này của cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn của các cơ sở GDĐH còn chưa đầy đủ, thống nhất. Đặc biệt, cơ chế tài chính còn nhiều hạn chế.
 
“Nguồn tài chính cho GDĐH chưa được đa dạng hóa, các cơ sở GDĐH còn chưa chủ động về nguồn thu. Hiện nay, cơ cấu nguồn thu của cơ sở GDĐH chủ yếu là từ học phí. Thêm vào đó, các trường chỉ được tự chủ xác định mức học phí trong khung định mức do nhà nước quy định. Trong khi đó, khung này chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo”, TS Thắng nêu thực trạng.
 
TS Thắng kiến nghị, cần phải xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn. “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo đại học, cần tạo cơ chế để các trường được tự chủ xác định mức học phí hợp lý, tương xứng với chất lượng đào tạo”, ông Thắng nói. 
 
Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong 3 năm 2015-2018, chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học giảm từ 8% xuống còn 4% do các trường đã tăng được đáng kể nguồn thu. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp nhiều trường đại học công lập chủ động tiếp cận các nguồn vốn ngoài ngân sách, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục như vay vốn của các ngân hàng thương mại, quỹ kích cầu (các đơn vị thuộc TP Hồ Chí Minh), sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng cao của người dân…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập còn bộc lộ không ít những tồn tại, vướng mắc như: hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để các trường thực hiện chưa được ban hành kịp thời. Ngoài ra, việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại ngân sách, chưa khuyến khích tăng mức độ tự bảo đảm nguồn kinh phí, hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao, nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục chưa được chú trọng. Đáng lưu ý, do cơ chế lồng ghép học phí với an sinh xã hội nên các trường không thể tăng thu học phí ở mức tương ứng, dẫn đến không thể bù đắp chi phí hoạt động. Cũng do không tự chủ được giá dịch vụ đào tạo nên nhiều trường ĐH mở rộng mã ngành để thu hút số lượng tuyển sinh với mục đích tăng thu thay vì mở mã ngành đào tạo theo nhu cầu thực tiễn…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm