Từ dịch Covid -19, ĐBQH đề xuất linh hoạt việc họp Quốc hội

D.H
26/05/2020 - 15:31
Từ dịch Covid -19, ĐBQH đề xuất linh hoạt việc họp Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị bổ sung vào quy định trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội về việc linh hoạt hơn các cuộc họp Quốc hội nhằm phù hợp với điiều kiện thực tiễn. Bà dẫn chứng về việc Quốc hội tổ chức họp trực tuyến do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Sáng nay (26/5), tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về việc bổ sung một số điều thuộc dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội. ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, để phù hợp với những điều kiện như trong hiện tại cả nước đang đối mặt với dịch Covid, Quốc hội cần linh hoạt có những hình thức họp khác nhau.

Nữ đại biểu đề nghị  bổ sung thêm nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Điều 47, khoản 7 này đó là: "Quyết định hình thức họp phiên toàn thể Quốc hội và đại biểu chuyên trách phù hợp với điều kiện thực tiễn". 

Từ dịch Covid -19, ĐBQH đề xuất linh hoạt việc họp Quốc hội - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

Theo đó, cũng giao cho thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thêm một nhiệm vụ đó là ngoài việc giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, của Ủy ban trong thời gian Hội đồng và Ủy Ban không họp thì còn thêm nhiệm vụ là quyết định hình thức họp phiên toàn thể của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Liên quan đến các tiêu chuẩn đặt ra đối với ĐBQH chuyên trách, theo đại biểu Mai Hoa, chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giàu kinh nghiệm vào Quốc hội và trở thành ĐB chuyên trách được bà đồng tình cao, tuy nhiên lại không đưa vào dự thảo Luật lần này.

"Tôi vẫn hiểu Quốc hội là cơ quan đại biểu và chúng ta đang bầu đại biểu Quốc hội dựa trên tính đại diện và trong những năm qua, Quốc hội của chúng ta đã thể hiện rất tốt tính đại diện. Trong khi đó, chúng ta cũng đang đặt ra vấn đề là nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu. Ở đây sẽ có một mâu thuẫn giữa vấn đề vừa bảo đảm được tính đại diện, nhưng vừa mong muốn có những đại biểu có chất lượng cao hay là những đại biểu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, để góp phần cho các đại biểu Quốc hội tiếp cận một cách đúng đắn hơn hay tiếp cận sâu hơn vào các dự thảo luật, những vấn đề là chuyên sâu" – đại biểu Hoa phân tích.

Về lâu dài, nữ đại biểu đề nghị vẫn cần nghiên cứu vấn đề này một cách thấu đáo để có thể đặt ra và giải quyết vấn đề này khi tiến hành sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào một thời điểm thích hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm