Quốc hội họp trực tuyến nhưng biểu quyết, tranh luận vẫn diễn ra bình thường

PV
18/05/2020 - 16:34
Quốc hội họp trực tuyến nhưng biểu quyết, tranh luận vẫn diễn ra bình thường

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 18/5, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức Họp báo dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp này được chia 2 giai đoạn bằng hình thức trực tuyến và họp tại hội trường tòa nhà Quốc hội; đặc biệt, kỳ họp sẽ không có phiên chất vấn tại hội trường như các kỳ họp trước.

Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 20/5/2020. Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18/6/2020.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày, không kể ngày nghỉ; Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt:

Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020.

Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020.

Trao đổi tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nên kỳ họp này chia 2 giai đoạn. Trong đó, Quốc hội họp trực tuyến là hình thức rất mới, chưa từng thực hiện trong các kỳ họp trước đây. Bên cạnh đó, các hoạt động, chương trình cũng được bố trí giãn cách hơn để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, việc họp trực tuyến nhưng các hoạt động vẫn diễn ra bình thường như các kỳ họp trước, cụ thể như việc biểu quyết vẫn thực hiện như bình thường qua ipad. Đại biểu đăng ký phát biểu ngay cả khi đang ngồi ở các đầu cầu tỉnh, thành; việc tranh luận vẫn diễn ra bình thường…

Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, họp trực tuyến là điểm mới, qua đó Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức cho các kỳ họp sau như rút ngắn thời gian kỳ họp trực tiếp tại Hội trường tòa nhà Quốc hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đem lại hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội họp trực tuyến nhưng biểu quyết, tranh luận vẫn diễn ra bình thường - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội tổ chức Họp báo dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ dành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết. Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác, cụ thể gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian nghe, xem xét Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em". Theo Văn phòng Quốc hội, nội dung báo cáo này có 5 phần, trong đó đánh giá tình hình chung, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện chính sách, pháp luật, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; những giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, đến nay, tất cả trẻ em dưới 06 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo;

Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học tại các trường công lập; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội…

Theo nội dung báo cáo, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, như: Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn, phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản pháp luật chưa kịp thời, còn thiếu những văn bản chuyên ngành; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hình thức tuyên truyền chưa đổi mới, các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thi hành pháp luật bảo vệ trẻ em như: môi trường xã hội, nhà trường chưa được bảo đảm đúng mức. Công tác hỗ trợ, bảo vệ trẻ em khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại chưa phản ứng kịp thời. Từ đó, báo cáo chỉ ra những nhóm nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm; đồng thời đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới...

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự thảo Nghị quyết như: Dự thảo Nghị quyết, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm