Tự do cho tương lai: Chìa khóa nào cho khác biệt thế hệ?

PV
15/04/2022 - 08:00
“Tôi khác với bố mẹ tôi! Tôi sẽ không sống kiểu ki cóp cả đời chỉ để cho con cái. Tôi hướng đến cuộc sống phải là trải nghiệm, chứ của nả lúc già rồi cũng chẳng làm gì”.

Bạn có suy nghĩ như mình vậy không? Mình từng rất áp lực với việc bố mẹ luôn dặn dò phải tiết kiệm, phải biết "tính xa", phải có "chút của" để chính thức sống "trưởng thành và trách nhiệm",… Để mình kể cho các bạn nghe câu chuyện này làm minh chứng:

Mẹ con mình hay có thói quen thủ thỉ tâm sự với nhau mọi lúc có thể. Có một lần, đang lúc tâm sự, bà "buột miệng" nói với mình rằng: "Tự nhiên đến năm 50 tuổi muốn chu du khắp nơi mà lại khó". Mình hỏi lại vì sao, bà nói rằng bởi vì ngày xưa để ra được ít tiền nhưng là cho gia đình, con cái hết, chẳng chuẩn bị cho bản thân cái gì, bây giờ sức cũng chẳng có mà tiêu vào tiền đấy cũng không được, còn những dự định đã rồi. Mình nhớ mãi câu nói "Tính gì thì tính, nhưng nhất định phải tính cho cả bản thân mình nữa." Đó là lần hiếm hoi bà chia sẻ chút mong muốn cá nhân.

Tự do cho tương lai: Chìa khoá nào cho khác biệt thế hệ? - Ảnh 1.

Chúng ta, nhất là phụ nữ mình luôn nghĩ cho gia đình trước tiên, nghĩ xong cho gia đình là quên luôn cả mình.

Thế nên khi thu nhập bắt đầu khởi sắc, mình "bung" hết cỡ với tiêu chí như trên đó. Mình nghĩ sẽ sống kiểu… "Tây": sẽ làm việc chứ không "nghỉ hưu" ở tuổi 45 - 50 rồi chỉ ở nhà quanh quẩn, sẽ để con cái tự lao động từ 16 tuổi và để chúng tự lo chứ không "bao nuôi" tới tận hai mấy ba mươi, sẽ dành tiền dưỡng lão sau chứ không để lại tài sản thừa kế gì hết…

Cho tới ngày mình có cơ hội đầu tư đầu tiên, nhưng không đủ tiền để theo đuổi, để rồi sau đó nhìn bạn bè "thu hoạch" còn mình cứ phải tự an ủi: "Mình cũng chưa cần tài sản, cứ trải nghiệm thêm đã" dù trong lòng cũng rất khát khao có tài sản sinh sôi chứ không chỉ phụ thuộc vào đồng lương được trả. Sau đó, mình bắt đầu biết gửi tiết kiệm để "có lãi" đơn giản nhất.

Cho tới ngày mình bất ngờ bị cho thôi việc. Đang ở mức lương rất cao so với mặt bằng nhưng mình gặp khó khăn khi nhảy việc tiếp theo vì thị trường biến động, tiền quỹ thất nghiệp chẳng thấm tháp vào đâu. Sau đó mình bắt buộc phải tính tới việc phải có nhiều nguồn thu khác nhau, có thu nhập thụ động.

Cho tới ngày mình nhập viện cấp cứu lần đầu tiên và chi phí điều trị tiêu tốn sạch chỗ tiền để dành, lại không đi làm được, thế là "tay trắng". Sau đó mình biết tới mua bảo hiểm sức khoẻ.

Cho tới ngày mình chuẩn bị có con, nhìn thấy mình cũng muốn dành hết cho con như bố mẹ mình ngày xưa thôi, bỗng giật mình: "Thế còn mình sau này khi con lớn bay đi thì sao?". Nói "để con tự lo, mình lo cho mình" thì dễ, làm thì chẳng dễ tí nào… Sau đó mình thật sự mới nghĩ về "Tự do tuổi 50" và hiểu rằng mình đã "Tây nửa mùa" ra sao…

Vậy đấy, mình đi từ thái cực "truyền thống" tới thái cực "phản đối" rồi mới nhận ra rằng cả hai đều không thực sự cho mình "Tự do tuổi 50" nếu mình không có sự chuẩn bị ĐÚNG!

Tự do cho tương lai: Chìa khoá nào cho khác biệt thế hệ? - Ảnh 2.

Đôi khi, chúng ta đánh mất chính bản thân và những điều cần chuẩn bị cho cuộc sống riêng khi về già.

 Lối mòn trong suy nghĩ của người Việt "sống vì gia đình" làm cho họ quên mất chính bản thân và những điều cần chuẩn bị cho cuộc sống riêng khi về già. Chỉ có 4 trên 10 người thực sự có kế hoạch cho bản thân khi bước vào tuổi "bên kia ngọn đồi". Trong khi đó, xu hướng sống "ra riêng" ngày càng phổ biến nhưng mô hình nhà dưỡng lão lại vẫn chưa thực sự phát triển đồng nhất. Viễn cảnh hoặc là bạn đặt gánh nặng "phải chịu trách nhiệm về bố mẹ" lên con cái; hoặc phải chấp nhận "nước mắt chảy xuôi", con cái quá vất vả mưu sinh nên rồi bạn cũng chỉ còn tuổi hưu "qua ngày" sẽ sớm trở thành thực tế hiển hiện. Liệu bạn có thực sự nghĩ ở tuổi 50 bạn cam tâm trói mình vào "thú điền viên" như hình mẫu xã hội vẫn vẽ nên, hay thực chất rằng bạn không có sự lựa chọn nào khác?

Thế nhưng, lối sống "Tây nửa mùa" thiên về hưởng thụ ngắn, không có kế hoạch lâu dài, không phù hợp với bối cảnh hệ thống xã hội Việt Nam, cũng chỉ đem lại một chút "tự do ảo tưởng" chứ không thể bền vững. Sự thật đáng buồn là nghiên cứu cho thấy người Việt Nam CHỈ KHI trên 40 tuổi mới bắt đầu có kế hoạch cho cuộc sống về già. Trong khi đối với phương Tây, việc quản lý tài chính cá nhân và kế hoạch cuộc đời vẫn được coi trọng ngay từ những năm tuổi trẻ, thường được thực hiện trong 15 – 20 năm và họ đã có hệ thống chăm sóc xã hội cộng đồng phát triển. Vậy nên, ngay cả lối sống FIRE hay "Bỏ phố về rừng" cũng chưa hẳn tối ưu, nếu như bạn không xét tới các yếu tố y tế, xã hội và biến động.

Tự do cho tương lai: Chìa khoá nào cho khác biệt thế hệ? - Ảnh 3.

Quãng thời gian 20 năm tưởng dài nhưng cũng như là chớp mắt nếu "nước đến chân mới nhảy"? Làm sao để có được tỉ lệ 85% người Việt có kế hoạch làm chủ cuộc đời từ những năm 30 để chuẩn bị cho tuổi 50? Làm sao để tuổi 50 là cột mốc tự do chứ không phải giai đoạn khủng hoảng?

Câu trả lời chuẩn xác nhất là 4 yếu tố kết hợp: Tự do về sức khỏe, Tự do về tài chính, Tự do tinh thần và Tự do với các mối quan hệ.

 Tự do về sức khỏe - Hạnh phúc bắt đầu bằng sức khỏe tốt

Rõ ràng một điều rằng không có sức khoẻ thì không làm được gì. Thế nhưng nếu như thế hệ trước thì không có đủ tiền bạc hay dịch vụ sức khoẻ đa dạng để thật sự chăm sóc bản thân, thì thế hệ hiện nay quá thừa mứa nhưng lại theo chủ nghĩa "làm việc vô độ" và giao phó sức khoẻ cho những giải pháp ngắn hạn, không mang tính bền vững. Nếu ta cân bằng được giữa bổ sung (suplement, dịch vụ …) – luyện tập (thể dục thể thao mỗi ngày) – chăm sóc (y tế) thì ta mới thật sự có tự do sức khoẻ lâu dài.

Tự do cho tương lai: Chìa khoá nào cho khác biệt thế hệ? - Ảnh 4.

Tự do về tài chính – Nguồn "chống lưng" cho sự tự do

"Trả cho mình đầu tiên" – Tuyên ngôn quá quen thuộc và thông thái từ ông chủ đầu tiên của 7Eleven, có trong cuốn sách "Cha giàu cha nghèo" kinh điển. "Trả cho mình trước" để 30 tuổi mình tự chủ với những gì mình đang có, để duy trì sự tự chủ đó trong những năm 50 tuổi và để cho tới khi 70 tuổi, mình vẫn có mọi quyền lựa chọn trong những năm cuối đời thay vì trả cho mọi người trước, tới lượt mình không còn gì.

Thế nhưng, ngoài cá nhân thì đồng thời mình cũng cần có sự phân bổ nguồn tiền vào các biện pháp bảo vệ tài chính (bảo hiểm, quỹ dự phòng…) cho gia đình, cha mẹ, con cái. Vì rõ ràng bạn thực sự tự do nếu như không có ai làm gánh nặng bắt bạn phải lựa chọn, đúng không?

Tự do cho tương lai: Chìa khoá nào cho khác biệt thế hệ? - Ảnh 5.

Tự do tinh thần – Điều mà phần lớn chúng ta đều thiếu và lơ là nhất

Tới nay xã hội mới dần ý thức được tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần. Cho dù thể chất hay vật chất bạn dồi dào đến đâu nhưng bạn bị rối loạn tâm lý hoặc các vấn đề về tâm trí thì bạn cũng sẽ không bao giờ có được sự tự do.

Không ai trong chúng ta là hoàn hảo và có cuộc đời không bao giờ gặp biến cố. Càng nhận diện sớm "hạt giống" trong tinh thần cần được chăm sóc, giúp đỡ thì chúng ta càng sớm giải phóng và tiệm cận tới sự tự do tinh thần, không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh.

Cho người thân yêu sự tự do cũng chính là cho chúng ta sự tự do và ngược lại. Chúng ta dù ở vai trò bố mẹ, ông bà hay con cái, cháu chắt đều luôn muốn được chăm sóc yêu thương nhau nhưng không trở thành gánh nặng hay rào cản cho nhau.

Tự do cho tương lai: Chìa khoá nào cho khác biệt thế hệ? - Ảnh 6.

 Nếu bạn thực sự muốn ở nhà chăm cháu, hãy cứ làm vậy, nhưng nếu bạn muốn dành thời gian cho những đam mê còn dang dở, hãy đừng ngại ngần theo đuổi, vì "không bây giờ thì bao giờ". Sự chuẩn bị từ sức khoẻ tới tài chính và tinh thần chính là để bạn được thực sự tự do chọn cách yêu thương vừa cho bản thân mà vừa cho gia đình đấy thôi.

Còn nếu bạn muốn phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái nhưng cũng không muốn mình chỉ tồn tại làm "nguồn cung" cho tới khi thanh xuân cạn kiệt mới được nghĩ đến bản thân, thì bạn cần chuẩn bị tư tưởng cho người thân từ giai đoạn bắt đầu, cũng như có kế hoạch cho các thành viên trong gia đình có sự tự do riêng. Như vậy ai cũng đều hạnh phúc và càng hỗ trợ được nhau, đúng không?

Tự do tuổi 50 chính là tự do ngay ngày hôm nay, chúng ta nhận ra còn rất nhiều điều đang ở phía trước, bắt đầu từ một cái nhìn mới về bản thân, những thách thức và cả tiềm năng to lớn trong tương lai. Hãy chủ động kiến tạo tự do của riêng bạn nhé!



Nguồn: Prudential Việt Nam
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm