Ngày 20/2, bác sĩ Trần Văn Học, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Đa khoa Hà Giang, cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bé V.M.L (7 tuổi, huyện Đồng Văn, Hà Giang), bị bỏng lửa do nấu mỳ tôm.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi được đưa vào BV Đa khoa tỉnh ngày 6/2 trong tình trạng kích thích vật vã, lơ mơ, tiểu ít. Bé không nhận biết được người thân, niêm mạc nhợt, phù nhẹ toàn thân, bỏng vùng đầu, mặt, cổ, hai đùi, lưng, mông và mu bàn tay hai bên, da vùng mặt bị bỏng cháy sạm đen. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng, nhiễm độc do bỏng nhiệt khô độ I, II với diện tích khoảng 40%.
Gia đình cho biết, trước đó dây ống dẫn gas trong bếp bị hở nhưng không ai để ý. Vì vậy, khi bé L. bật bếp tự nấu mỳ tôm ăn thì ngọn lửa bùng lên khiến bé bị bỏng nặng. Nghe tiếng kêu thét của con, người thân chỉ kịp lấy chậu nước gần đó dội lên người cháu rồi đưa đến BV Đa khoa Đồng Văn cấp cứu, sau đó chuyển xuống BV Đa khoa tỉnh cấp cứu.
Bé L. được người thân chăm sóc tại BV Đa khoa Hà Giang |
Sau một thời gian điều trị, đến nay sức khỏe của bé Lý đã qua giai đoạn sốc bỏng. Tuy nhiên, bé vẫn đang ở giai đoạn nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, nguy cơ tử vong cao vì cháu bị bỏng với diện tích rộng và sâu. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định chuyển bé xuống Viện Bỏng Quốc gia.
Theo bác sĩ Học, bỏng là một tai nạn trong cuộc sống hằng ngày mà ai cũng có thể gặp phải nhưng nhiều nhất là ở trẻ. Hằng năm, số lượng bệnh nhi phải nhập viện cấp cứu, điều trị, thậm chí tử vong do bỏng ngày càng gia tăng, nhất là vào thời gian nghỉ hè. Tuy nhiên, nếu biết xứ trí đúng cách ngay từ ban đầu sẽ hạn chế tổn thương thậm chí tránh được tử vong.
Sơ cứu khi bị bỏng lửa
- Ngay lập tức phải dập tắt lửa đang cháy trên quần áo và các tác nhân gây cháy xung quanh.
- Dùng nước hoặc cát để dập tắt lửa hoặc có thể dùng áo khoác, chǎn càng dày càng tốt, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (không dùng vải nhựa, ni lông để dập lửa).
- Cởi (xé, cắt) nhẹ nhàng để bỏ phần quần áo đang mặc trên người nạn nhân, tránh tình trạng mạnh bạo trong động tác có thể là trầy xước và loét, tổn thương sâu những vùng da bị cháy.
- Không ủ kín bệnh nhân mà nên che đậy vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. Nếu bỏng khắp người thì làm ướt cả toàn thân liên tục nhưng cố gắng dội nước chảy nhẹ.
- Với những vết bỏng ở tay có thể để cho nước từ vòi nước máy chảy nhẹ trực tiếp lên vùng bỏng hoặc ngâm phần chi bị bỏng trong nước lạnh lên vùng bỏng nhưng phải thay thường xuyên 3-4 phút một lần cho đến khi nào nạn nhân thấy đỡ đau rát.
- Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, ủng, vòng nhẫn trước khi vết bỏng sưng nề.
- Che phủ vùng bỏng bằng gạc, vải vô khuẩn nếu có hoặc bằng gạc hay vải sạch để tránh nhiễm trùng tại vị trí tổn thương.
- Ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất (trong tư thế nằm) để tiếp tục sơ cứu phòng chống sốc. Cho nạn nhân uống nhiều nước trên đường đi cấp cứu.
Một vài lưu ý
- Không bôi nước mắm hay kem đánh răng lên vết bỏng.
- Không dùng nước đá để làm mát vết bỏng hoặc ngâm toàn bộ cơ thể vào trong nước.
- Không tháo bỏ quần áo bị cháy đã được làm mát.
- Không trực tiếp sờ mó hay dùng thủ thuật gì vào vết bỏng.
|