Từ niềm tự hào, người chồng lên tiếng cầu cứu vì vợ nghiện mua sắm

22/08/2018 - 07:25
Tôi hiểu niềm vui mua sắm, mặc đẹp, trưng diện của vợ nhưng nếu cứ tiếp tục để mua sắm chi phối và dẫn dắt mình đi như vợ tôi, thì làm sao hôn nhân của chúng tôi bền vững được đây?
Chị Thanh Tâm yêu quý!
Mỗi lần đưa người yêu đi tụ tập cùng đám bạn trai thân, tôi có phần tự hào vì cô ấy luôn làm mọi người - nhất là bạn gái của họ - kinh ngạc với những bộ trang phục đẹp và phụ trang độc lạ. Nhưng đến khi cô ấy trở thành vợ rồi thì mỗi năm tôi lại thêm khiếp với tủ đồ của cô ấy.

Không gian căn hộ mi ni của chúng tôi quá nhỏ cho 3 cái tủ 4 ngăn, 6 ngăn đồ sộ của cô ấy. Việc giặt là cũng rất phức tạp. Cái thì phải dùng dầu gội. Cái phải giặt tay mà chỉ được bóp, không được vò. Cái thì phơi trong bóng mát. Cái thì phải là khi đã rút bàn là ra khỏi ổ điện...
1.jpg
Mua sắm nhiều về đồ vứt bừa bộn - Ảnh minh họa

 

Khiếp hơn là cuối tuần hiếm khi cô ấy có mặt ở nhà. Lúc còn son, cả hai bên nội ngoại đều thắc mắc sao bọn tôi ham chơi thế, chẳng mấy khi về thăm bố mẹ cuối tuần. Đến lúc có con, cuối tuần bố con hay phải chơi với nhau mà không có mẹ ở bên. Việc nhà, chăm con nghiễm nhiên trở thành “việc của tôi”. Thực tình, một đầu bếp như tôi không ngại gì nhưng nếu có cô ấy cổ vũ, chia sẻ thì mọi việc trở nên thoải mái, nhẹ nhõm hơn nhiều.

Tài chính của chúng tôi cũng luôn trong tình trạng báo động đỏ. Nếu phát sinh việc hiếu, hỉ, con ốm đau là y như rằng cả nhà náo loạn như vỡ phích nước.

Tôi hiểu niềm vui mua sắm, mặc đẹp, trưng diện của vợ. Tôi cũng thích cô ấy có khoảng thời gian thư giãn, tận hưởng. Nhưng nếu cứ tiếp tục để mua sắm chi phối và dẫn dắt mình đi như vợ tôi, thì làm sao hôn nhân của chúng tôi bền vững được đây? Có phải vợ tôi mắc chứng nghiện mua sắm và làm cách nào để cai được?
Nguyễn Văn Minh (Lạng Sơn)
Anh Minh thân mến!
Có nhiều lý do phụ nữ nổi cơn mua sắm khó kiềm chế. Lúc là vì sự cạnh tranh với đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè. Lúc là vì những cái đẹp, cái mới cứ bày ra trước mắt. Mà việc thu xếp thời gian đi mua sắm thì luôn không là vấn đề gì đối với các “con nghiện”... Thực tế, nhiều ông chồng bị dồn vào tình cảnh như anh!

Có một số tác động khách quan, anh thử xem có thể vận dụng vào trường hợp của mình không nhé.

Chồng say mê cùng vợ. Không phải tôi định khuyên anh lao vào mua sắm như cô ấy. Nhưng anh có thể tìm những trang mua sắm thú vị để cùng cô ấy thảo luận ở nhà. Cách này vừa khiến cô ấy thấy chồng quan tâm đến mình một cách thực tế, lại vừa hạn chế thời gian cô ấy thỏa sức vùng vẫy dạo phố. Mà hai người cùng “nghiên cứu” thì quyết định chọn cái gì, thích cái gì cũng thông minh hơn, được phân tích kỹ càng hơn và ở nhà thì cũng có thời gian suy nghĩ, hạ nhiệt bớt lòng ham mê nên đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

Cùng vợ lên kế hoạch chi tiêu hợp lý. Các khoản ăn uống, sinh hoạt cố định rồi, muốn mua bán thêm cái gì cô ấy phải tiết chế trong số tiền còn lại. Vợ chồng vạch sẵn các danh mục phải chi tiêu trong tháng như các ngày lễ Tết, giỗ chạp, sinh nhật... để khỏi quên và luôn chủ động.
 
tai-chinh-gia-dinh-1.jpg
Cùng vợ lên kế hoạch chi tiêu hợp lý - Ảnh minh họa

 

Nhờ cậy những người bạn sáng suốt trong việc mua bán ghìm cơn mua sắm của vợ. Họ có một kho chuyện kể về những món đồ vô ích. Họ có thể cùng mua sắm với vợ anh với những lời bình luận sắc sảo khiến cô ấy nhụt chí. Họ có thể chiêm ngưỡng những món mới của vợ anh với các ý kiến đánh giá xác đáng khiến cô ấy phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước các quyết định mua sắm. Quan trọng là, sự góp ý của bạn bè bao giờ cũng tác động tích cực hơn những cằn nhằn của người nhà.

Cuối cùng là thỉnh thoảng giục vợ dọn tủ. Cô ấy sẽ thấy tiếc khi có quá nhiều món đồ chưa được sờ đến. Anh hãy hỏi những kỷ niệm khi mua món đồ, giá tiền của nó bao nhiêu... sẽ làm cô ấy càng tiếc hơn nữa. Tôi tin, dần dần cô ấy sẽ bớt mua sắm.

Chúc anh luôn được tự hào về cô vợ mặc đẹp mà hôn nhân vẫn không hề bị lung lay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm