Tú Sương đầy mưu lược trong 'Ngai vàng và tội ác'

19/06/2018 - 09:14
NSƯT Tú Sương cùng các nghệ sĩ: Võ Minh Lâm, Điền Trung, Minh Hòa, Hoàng Quốc Thanh, Thanh Thảo, Hoài Nhung, Ngọc Nga, Hoàng Hải... vừa có buổi công diễn thành công vở tuồng cổ nổi tiếng "Ngai vàng và tội ác" tại sân khấu Lê Hoàng (TPHCM).
Vở cải lương "Ngai vàng và tội ác" của cố nghệ sĩ - soạn giả Bửu Truyện vừa được đạo diễn Lê Trung Thảo dàn dựng và công diễn tại sân khấu Lê Hoàng (số 144 Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
vo-minh-lam_03.JPG
Vở diễn được đầu tư công phu, trang phục của các diễn viên được thay đổi liên tục, thiết kế đẹp mắt

Vở diễn đã kể câu chuyện thời loạn lạc của một triều đại phong kiến, khi các gian thần cấu kết muốn lật đổ ngai vàng của vua và tự xưng vương. Đứng trước cơn binh đao loạn lạc, triều đình mới thấu rõ giữa chốn quần thần cũng có những tấm gương kiên trung, yêu nước thương dân, cam lòng hi sinh ngay cả những người mình thương yêu nhất vì sự bình yên của xã tắc.

vo-minh-lam_04.JPG
Vở diễn mở đầu với cảnh Tống Kim Long Hoàng Đế (nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh đóng) bị các gian thần bức tử
 
vo-minh-lam_05.JPG
Hoàng Hậu Huyền Nga (nghệ sĩ Hoài Nhung) phải đối diện với tù ngục khi nhà vua băng hà

Chi tiết diễn biến của sự kiện đau lòng là trong một buổi thiết triều mừng công, Tổng Binh Lưu Kế Xương (NS Minh Hòa) đã bất ngờ bày mưu, đem cả đội quân hùng mạnh về bức tử Tống Kim Long Hoàng Đế (NS Hoàng Quốc Thanh) và tôn xưng Tể Tướng Lý Thiết Hổ (NS Trường Oanh) làm tân vương. Lý Thiết Hổ liền ra lệnh hành hình Hoàng Hậu Huyền Nga (NS Hoài Nhung) và Đông Cung Thái Tử vừa mới chào đời. Lục Long Hội (NS Võ Minh Lâm) vốn là nghĩa tế của Lý Thiết Hổ giả vờ quy thuận để xin tha chết cho Hoàng Hậu và Thái Tử, tâu nhạc gia giam cả hai vào ngục thất.

vo-minh-lam_06.JPG
Lục Long Hội (nghệ sĩ Võ Minh Lâm) xuất hiện, dùng kế hoãn binh để cứu lấy sinh mạng của hoàng hậu cùng hoàng tử

Nam Bình Hầu Ngũ Phụng Giao (NS Điền Trung) cùng Lục Long Hội vốn là bằng hữu, sinh tử chi giao. Nay đứng trước thời buổi loạn lạc, quốc gia nguy biến, cả hai đã tìm được tiếng nói chung là lòng yêu nước, tận trung với hoàng hậu và hoàng tử. Họ đã cùng nhau vờ quy phục tân triều, tìm cách cứu vãn cơ đồ.

vo-minh-lam_11.JPG
Tình bằng hữu chi giao giữa Lục Long Hội và Nam Bình Hầu Ngũ Phụng Giao (NS Điền Trung)

Hoàng hậu Huyền Nga là người đàn bà có "thất mao mi bạch", là bảy sợi lông mi màu trắng. Thật trùng hợp là Lệ Thi (NS Thanh Thảo), phu nhân của Nam Bình Hầu cũng có đặc điểm y như thế nên đã chấp nhận mưu đồ của chồng, nguyện hi sinh thân mình thế mạng cho Hoàng Hậu. Riêng Hoàng Tử cũng được thay thế bởi đứa trẻ sơ sinh con của hai vợ chồng cai ngục trung thành Lỗ Tấn (NS Hoàng Hải) Phi Phi (NS Ngọc Nga) thay thế.

vo-minh-lam_25.JPG
Lệ Thi được đưa vào ngục thất thế mạng cho Hoàng Hậu
vo-minh-lam_22.JPG
Nghệ sĩ Hoàng Hải vai Lỗ Tấn và nghệ sĩ Ngọc Nga vào vai người mẹ can trường Phi Phi

Thuyết phục mãi Hoàng hậu không chịu ký vào tờ thoái vị nhường ngôi (sở dĩ có việc này là do Lục Long Hội bày mưu, khuyên Lưu Kế Xương nên để tân vương Lý Thiết Hổ lên ngôi một cách đường đường chính chính, không bị dân chúng oán than để thực hiện kế hoãn binh), Lưu Kế Xương ra lệnh cho Ngũ Phụng Giao hành hình Hoàng hậu (bây giờ là Lệ Thi giả dạng thay thế). Phụng Giao rơi vào cảnh phải tự tay tước đi sinh mạng của hiền thê, nhưng vì buộc phải thể hiện chữ trung trước mặt tân vương nên nén lòng thi hành án lệnh.

vo-minh-lam_26.JPG
Lệ Thi trong lúc bị hành hình

May thay, đúng lúc chồng đang hành xác vợ thì Lý Phi Yến (NSƯT Tú Sương), hiền thê của Lục Long Hội, đã kịp thời trộm lệnh tiễn của cha, vào ngục cứu được Lệ Thi. Ở bản dựng này, đứa trẻ thế thân Hoàng tử bị phát hiện là bé gái nên đã bị Lưu Kế Xương giết chết ngay khi bị lộ thân phận. Chứng kiến cái chết của con diễn ra trước mắt nhưng Lỗ Tân đã vì đại sự mà câm lặng. Tình cảnh đã càng đẩy mạnh kịch tính, tạo xúc cảm mạnh cho vở diễn.

 

vo-minh-lam_20.JPG
Lý Phi Yến của NSƯT Tú Sương mưu lược hơn người, biết phân rõ đúng sai nên đã ra tay giúp chồng, khiến âm mưu đoạt ngôi của cha nàng thất bại

Khi Lý Thiết Hổ hay tin, đến nơi hỏi tội con gái và con rể. Trong lúc giao chiến với Lục Long Hội, khi Lý Thiết Hổ bị dồn vào cử tử, Phi Yến hi sinh thân mình, đỡ thay cha mũi giáo chí mạng. Trong hơi thờ cuối cùng, Phi Yến hết lòng xin quần thần tha thứ tội cho cha. Quá ân hận trước tội lỗi của mình, Lý Thiết Hổ cũng lấy kiếm tự sát. Lục Long Hội đau khổ không nguôi ôm mãi xác của người hiền thê trung nghĩa.

vo-minh-lam_29.JPG
Lý Phi Yến đỡ những mũi giáo cuối cùng thay cha nàng, nhận về mình cái chết
vo-minh-lam_31.JPG
Lý Phi Yến trong vòng tay của Lục Long Hội ở đoạn kết vở tuồng khiến khán giả không khỏi xót thương

Tác giả vở "Ngai vàng và tội ác" là cố NS Bửu Truyện, đạo diễn Lê Trung Thảo, âm nhạc Thanh Dũng, cảnh trí Lê Hoàng, phục trang Công Minh, Yến Phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm