Tư tưởng Phật giáo có điểm tương đồng với cách mạng 4.0

13/05/2019 - 20:16
Theo cách nghĩ thông thường, tôn giáo và khoa học là hai lĩnh vực trái ngược, luôn phủ định nhau. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, chúng lại kết hợp với nhau giúp con người có cái nhìn toàn diện hơn về thế giới. Có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ giữa tư tưởng Phật giáo với những thành tựu của khoa học hiện đại trong cách mạng 4.0.

Bên cạnh những tác động tích cực không thể phủ nhận, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng hàm chứa trong nó những hệ lụy cần khắc phục, đó là tình trạng thất nghiệp, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo…, đặc biệt là nguy cơ robot hóa con người. Có những điều tự thân khoa học không thể giải quyết nổi. Phật giáo, với sự tương đồng kỳ lạ, song không đồng nhất với khoa học sẽ góp phần quan trọng khắc phục một phần mặt trái của cuộc cách mạng này.

 

Phật giáo với cách mạng công nghiệp 4.0 là 1 trong 5 diễn đàn xoay quanh chủ đề chính "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững" tại Đại lễ Vesak 2019 

 

Giảm bớt áp lực công việc bằng chánh niệm

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, quyền lực đích thực không phải là quyền lực kinh tế hay quyền lực chính trị mà chánh niệm mới là nền tảng cho những hành động phản ảnh quyền lực đích thực.

Chánh niệm là sự đầu tư căn bản, là chìa khóa giúp ta nhìn vào đời sống nghề nghiệp, giúp ta thoát khỏi căng thẳng và chán chường. Chánh niệm là một trong những nguồn năng lượng tâm linh - năng lượng của sự tập trung tâm ý, là khả năng có mặt 100% cho những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta, giúp ta sống trọn vẹn từng giây phút và cũng là yếu tố căn bản để chữa lành, chuyển hóa và tạo an hòa trong gia đình, nơi làm việc và trong xã hội. Bởi vậy, cần tạo nên một môi trường chánh niệm ở trong gia đình và nơi làm việc.

An lạc và hạnh phúc là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, thế mà gần cả cuộc đời, con người chỉ biết gặm nhấm nỗi đau khổ, chạy theo tham dục, mải miết đi tìm kiếm hạnh phúc nơi quá khứ hay trong tương lai mà quên mất hiện tại. Khắc phục tình trạng phân tán năng lượng do làm nhiều việc cùng một lúc, tu tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc, hết lòng và đầu tư 100% tâm ý vào giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, đó là tinh thần thiền chánh niệm của Phật giáo.

Thực tập chánh niệm để thấy được bản thân, chú ý tới gia đình bằng khả năng có mặt 100%. Công việc bận rộn và áp lực cuộc sống khiến con người lãng quên chính bản thân mình, không biết cách chăm sóc cơ thể mình. Để cơ thể được nghỉ ngơi, tự chữa lành vết thương, đó là điều cần thiết đối với mỗi con người trước áp lực của cuộc sống và công việc.

Năng lượng của chánh niệm giúp con người nhận diện được chính mình, hạnh phúc khổ đau của chính mình, những gì đang có mặt xung quanh mình, để yêu thương cơ thể mình, yêu thương gia đình mình, yêu thương cuộc sống, để giúp mình và giúp người cùng thành công trong công việc.

 

Luyện tập chánh niệm là cách các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết việc suy nghĩ chậm chạp và tiêu cực do áp lực công việc

 

Kết nối yêu thương bằng Tâm từ bi và Trí tuệ Bát nhã

Phật giáo giúp con người từ bỏ ý tưởng tìm hạnh phúc chỉ dựa trên vật chất. Cách thức sống hạnh phúc dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau. Tuy nhiên, “Nhìn sâu, ta thấy rằng vẫn có cách tham dự vào thế giới kinh doanh, đồng thời đem lại hạnh phúc cho ta và những người khác. Công việc của ta có ý nghĩa khi nó đem lại lợi lạc cho nhân loại và môi trường. Cũng là kiếm tiền nhưng kiếm tiền một cách có ý nghĩa, bởi vì nó đem lại an vui cho thế giới”.

Một điều không thể phủ nhận là những thành tựu của khoa học hiện đại đã mang lại những tiến bộ vật chất kì diệu. Tuy nhiên, vẫn không thể khẳng định, trong thế giới đầy ắp những tiện nghi vật chất, con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, an toàn hơn. Những tiến bộ của khoa học công nghệ không giúp giảm bớt tham, sân và si - gốc rễ độc hại trong đời sống.

Khát vọng về hòa bình, hòa hợp, bình an và hạnh phúc vẫn thường trực trong mỗi con người. Con người khác với các động vật khác ở khát khao đó. Nhưng khoa học hiện đại không giúp nhiều cho con người những hiểu biết về đúng sai, thiện ác trên phương diện đạo đức. Những vấn đề của xã hội hiện đại là hệ quả của sự tách rời giữa khoa học công nghệ và đạo đức.

Dưới góc nhìn của một nền khoa học vật chất, chỉ có những dữ kiện được thực nghiệm mới mang tính khách quan, còn đạo đức mang giá trị tương đối và chủ quan; hành vi của con người chủ yếu do những điều kiện bên ngoài quyết định, còn khả năng nội tại trong việc hiểu biết và kiểm soát động cơ bên trong rất ít được đề cập tới. Nguyên nhân những khiếm khuyết về đạo đức của con người được quy vào hoàn cảnh khách quan, còn con người chỉ được coi là một bộ máy đáp ứng các kích thích.

 

Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế chào mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại sân khấu quảng trường Tam quan chùa Tam Chúc. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

 

Theo Giáo sư Phật học Premarisi, “một quan điểm như thế về bản chất hành động của con người khuyến khích việc từ bỏ trách nhiệm cá nhân trước mọi hành động của mọi người”. Khủng hoảng đạo đức trong xã hội hiện đại có gốc rễ từ tham - sân - si phát triển tỉ lệ thuận với sự phát triển của khoa học và đời sống vật chất. Vô cảm, ích kỉ, thiếu sự quan tâm tới người khác đã trở thành căn bệnh thời đại.

Khắc phục điều này, Phật giáo chỉ ra con đường tự thân khai mở Tâm từ bi và Trí tuệ Bát nhã để chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc. Triệt tiêu khát ái, sân hận và ảo tưởng, thanh tịnh hóa tâm thức, hoàn thiện đạo đức - đó là mục tiêu tối hậu của Phật giáo. Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức bởi vì đạo đức Phật giáo là đạo đức xuất thế, thiên về nội tâm, phản tỉnh hơn là xử lí các quan hệ bên ngoài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm