Báo chí, truyền thông vẫn hot?
Với sự có mặt tư vấn của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), lượng câu hỏi từ phía học sinh tham dự luôn dồn dập, đặc biệt là các ngành về báo chí – truyền thông, tâm lý học, đông phương học…
Điều được thí sinh quan tâm chính là môi trường làm việc, các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngành học… Chia sẻ với báo chí, thầy Tuấn cho rằng, đã lâu lắm rồi những ngành học của trường mới được thu hút trở lại, thậm chí với cả ngành Tôn giáo. Thầy hi vọng nhiều ngành của trường sẽ thoát khỏi tình trạng “thất sủng” như thời gian dài vừa qua.
Trong khi đó, ngành marketing cũng là điểm nóng của thí sinh, được nhiều bạn quan tâm và muốn hiểu hơn về những thế mạnh cần có của sinh viên khi theo học ngành này cũng như sự trang bị kỹ năng sau khi ra trường để đáp ứng công việc.
Về điều này, TS Nguyễn Đào Tùng - trưởng Ban Đào tạo Học viện Tài chính, cho biết ngành makerting là một phận của ngành quản trị kinh doanh. “Ngành này được ví như trạng thái trong tình yêu vậy, nghĩa là làm gì thì làm, phải để người ta nhớ đến mình, yêu mình. Không có makerting thì doanh nghiệp giống như người bày tỏ tình yêu mà không có hoa hồng. Đó chính là các kỹ năng, biện pháp, thống kê, điều tra để tìm ra cách để khách hàng mua hàng của mình nhiều nhất”.
Ngành y – luôn được quan tâm hàng đầu
Bên cạnh khối nhân văn, quản trị marketing thì y cũng là ngành học được nhiều thí sinh đặc biệt quan tâm. Đại diện ĐH Y Hà Nội cho rằng, cả 9 ngành học của trường đều rất “hot” khi được thí sinh hỏi rằng, ngành nào là... thời thượng nhất.
TS Lê Đình Tùng, trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Y Hà Nội cho biết, cơ hội việc làm ngành cử nhân và ngành bác sĩ đều như nhau, vấn đề phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, khả năng đáp ứng công việc của sinh viên sau tốt nghiệp.
90% sinh viên ngành y tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn là thống kê của trường trong nhiều năm qua. Đặc biệt, điều dưỡng cũng là ngành đang có xu hướng nóng trong vài năm trở lại đây khi nhu cầu nhân lực cho ngành này tăng cao.
Dự kiến từ nay đến năm 2020 riêng khu vực đồng bằng sông Hồng phải bổ sung thêm 12.000 bác sĩ, 25.000 điều dưỡng. Rộng ra cả nước, trong vòng 2 năm tới sẽ cần bổ sung đến hơn 55.000 bác sĩ và gần 84.000 điều dưỡng.
Một nam sinh đặt câu hỏi khiến nhiều người cảm thấy thú vị đối với khối ngành này là: Nam có được học ngành hộ sinh? Về điều này, TS Lê Đình Tùng khẳng định, không có quy định nào cấm thí sinh nam vào học ngành này. Việc lựa chọn ngành đào tạo phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của thí sinh.