Từ vụ chồng cắt gân vợ ở Quảng Ninh: Phụ nữ cần làm gì để bảo vệ bản thân?

21/09/2018 - 11:38
Dù bị bạo hành nhiều lần với các mức độ khác nhau, nhưng vì nghĩ đến các con chị H. không ít lần nín nhịn, chấp nhận cho qua, để rồi bị chồng lừa đưa lên đồi vắng đánh đập tàn nhẫn khiến chị nhập viện. Câu chuyện bạo lực gia đình dường như càng ngày càng nhức nhối. Vậy chị em phải làm gì khi bị bạo lực gia đình?
bao-hanh.jpg
Những vết thương trên cơ thể chị H. do chồng bạo hành.

Trao đổi với PV về câu chuyện người vợ bị chồng lừa lên đồi vắng cắt gân chân gây chấn động dư luận, bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi nhận được thông tin về vụ việc, các cấp Hội địa phương đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên chị N.T.H (34 tuổi, hộ lý BV Bãi Cháy). Đồng thời, qua nắm bắt tình hình cán bộ Hội cũng đã có những tư vấn pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân.

Bà Vinh cũng bày tỏ quan điểm, cần xử lý nghiêm các đối tượng bạo hành với phụ nữ, trẻ em. Dù kẻ gây ra bạo hành là ai đi nữa (chồng, cha, mẹ…). Trong vụ việc này, bà Vinh cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cơ quan điều tra. Sau khi nhận được thông tin, công an đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra và ngày 18/9 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Dương Văn Tuyến (36 tuổi, kẻ bạo hành dã man vợ là chị N.T.H).

anh.jpg
Mẹ nạn nhân rớt nước mắt khi nhìn cảnh con gái bị bạo hành dã man.

Về công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ bản thân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, chị em phụ nữ cần có các kỹ năng nhận diện tình huống nguy cơ, nắm bắt để có những ứng xử phù hợp, hạn chế nguyên nhân gây bạo lực từ sự ứng xử của bản thân.

Bà Vinh lấy ví dụ: Kìm chế nóng giận, bực tức, nói năng tục tĩu, căng thẳng khi chồng đang trong nguy cơ bạo lực, đặc biệt tuyệt đối không thách đố, đối đầu với chồng, khi đang trong tình huống bạo lực. “Có kỹ năng, biết cách thoát khỏi tình trạng nguy hiểm như "chạy thoát ra ngoài, kêu mọi người ứng cứu, sử dụng các vật dụng làm lá chắn, tránh các tác động trực tiếp vào thân thể… Đặc biệt, trong trường hợp không thể hoà giải, không thể thay đổi tình hình và tính thô bạo của chồng thì với phụ nữ giải pháp ly hôn cũng là cách bảo vệ bản thân, cho mình cuộc sống bình yên”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến câu chuyện phụ nữ cần làm gì khi bị bạo hành, luật gia Nguyễn Thị Hương Lan (Hội Luật gia Việt Nam) tư vấn: Các quy định của pháp luật nêu rất rõ về vấn đề này, theo Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, trong trường hợp bị bạo hành, người phụ nữ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình cũng như yêu cầu các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc. Cụ thể, người bị bạo hành đến UBND xã, phường, thị trấn yêu cầu người chồng chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; Gửi đơn đến Tòa án cấp huyện yêu cầu áp dụng biện pháp cấm người chồng tiếp xúc trong thời gian tối đa 4 tháng. Đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, ứng xử trong gia đình, các vấn đề về pháp lý và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm