Từ 'vụ Gateway': Sao có thể quên hoàn toàn sự tồn tại của một đứa trẻ?

09/08/2019 - 10:02
Chỉ mất thêm ít phút thôi để kiểm tra và điểm danh lại một lượt những học sinh ở trên xe hôm ấy thì có lẽ người ta đã không thể bỏ quên một sinh mạng, một cuộc đời của cậu học trò mới vào lớp 1 được hai ngày.

Sáng 6/8, Lê Hoàng Long - cậu bé học lớp 1 mới được hai ngày tại trường Gateway (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), bước lên xe bus đưa đón của trường để bắt đầu ngày học mới. Đến chiều, khi không thấy Long đâu, giáo viên tá hỏa đi tìm thì phát hiện Long đã tử vong ngay trên chiếc xe bus đưa em đến trường.

 

Người thân của cháu Long đau đớn trong phút cuối tiễn đưa con Ảnh: N.Dương

 

Vụ việc lập tức gây ra sự chấn động từ chiều 6/8 cho đến cả đêm hôm ấy, nhiều người làm cha mẹ ám ảnh đến mức không thể ngủ. Họ không thể chấp nhận việc một học sinh của trường quốc tế nổi tiếng mà lại bị chính giáo viên đưa đón bỏ quên trên xe cả 1 ngày, khiến em phải chết oan uổng như vậy. Với sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng, tiến hành điều tra, giám định pháp y, ngay hôm sau (7/8), một cuộc họp báo đã diễn ra trước sự chờ đợi thông tin của tất cả những ai biết đến vụ việc.

 

Từ đây, hàng loạt sự thật đã lộ diện: Bé Long đã bị bỏ quên bởi một cô giám sinh mới đi làm ở trường này và chưa có hợp đồng. Đó là quy trình đưa đón quá tắc trách, không chặt chẽ, thiếu trách nhiệm của giáo viên ngày hôm ấy, khi không có mặt Long nhưng cô giáo chủ nhiệm không thông báo về gia đình. Có thông tin là quy trình liên lạc của trường Gateway với gia đình học sinh được thực hiện một cách quá máy móc và vô cảm: Mọi thông tin trao đổi được thực hiện qua một phần mềm nội bộ, giáo viên không được phép lấy số điện thoại của phụ huynh để liên lạc, và ngược lại.

 

Vụ việc gây rúng động này mới chỉ khởi tố vụ án với tội danh “vô ý gây chết người” và chưa có một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Tại cuộc họp báo, thật bất ngờ khi Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy - ông Phạm Ngọc Anh - cho biết: Trường Gateway tự xưng danh là “trường quốc tế”. Ông Ngọc Anh khẳng định, trong hệ thống quản lý không có khái niệm trường “tiểu học quốc tế” và cả quận Cầu Giấy chỉ 2 trường có yếu tố nước ngoài, trong đó không có Gateway. Khi được hỏi tại sao quận vẫn để vẫn để cho Gateway tự xưng danh như vậy, ông Ngọc Anh im lặng. Ông cũng không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng về việc kiểm soát quy trình vận hành xe bus tuyến của rất nhiều trường học trong địa bàn quận. Bởi hầu hết các xe bus đó đều do các trường tự làm hợp đồng thuê đơn vị bên ngoài.

 

Các phụ huynh lo cho sự an nguy của con

Đã 3 ngày sau vụ việc xảy ra, thế nhưng sự day dứt, ám ảnh của biết bao vị phụ huynh ở Hà Nội và nhiều tỉnh/thành khác vẫn đầy ắp trên các diễn đàn, hay ở đường phố, quán xá, công sở, chợ... Đi đâu cũng nghe thấy những tiếng thở dài xót xa. Họ lên án sự tắc trách của trường Gateway là một nhẽ, nhưng hơn cả là nỗi lo lắng về sự an toàn của con mình.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam )

 

Ngay sau khi vẫy tay chào bố mẹ, con tới trường. Tiếp đó là cả một ngày dài, sự an nguy của con mình đặt hết vào tay giáo viên, nhà trường. Đặc biệt, nhiều phụ huynh có con đi xe tuyến đến trường đã vô cùng lo lắng. Một số đã nghĩ ngay đến việc chấm dứt đi xe tuyến cho con, thay vào đó sẽ tìm nhà ở gần trường của con để thuê. Số khác thì vội vã tìm đến cô giáo phụ trách để nhắc nhở, dặn dò việc quan tâm hơn đến con, tránh việc bỏ quên trò trên xe. Nhiều mẹ thì mua ngay đồng hồ định vị cho con để có thể liên lạc với con bất cứ lúc nào.

 

Nhiều trường ở Hà Nội đã “báo động đỏ” về quy trình đi xe tuyến. Họ công bố quy trình kiểm soát trên xe tuyến cho phụ huynh rõ - điều mà trước nay họ chưa làm. Những lá thư ngỏ được gửi đến email phụ huynh để khẳng định rằng vấn đề kiểm soát xe tuyến sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, giáo viên sẽ được tập huấn kỹ hơn, trấn an cha mẹ yên tâm về trách nhiệm của nhà trường với học sinh.

Xe đưa đón học sinh trường Gateway sáng 7/8/2019. Ảnh minh họa: D.H

 

Rất nhiều biện pháp đã được lập tức triển khai. Nhưng sự thật là, bé trai đáng thương ấy đã không thể quay về được nữa. Những gì cần làm, lẽ ra phải làm từ trước đó kia. Điều mà dư luận mong muốn nhất bây giờ là cơ quan chức năng cần làm việc công tâm, khẩn trương, như chỉ đạo vào ngày 7/8 của Thủ tướng Chính phủ, để sự việc sớm được rõ ngọn ngành. Và đây cũng là lúc ngành giáo dục cần nhìn lại cách quản lý của mình, trước sự phát triển quá “nóng” của không ít cơ sở giáo dục tư thục hiện nay.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)

Các gia đình cần tham gia giám sát các quy trình, đừng chỉ chú trọng đến thành tích học tập. Nhà trường cần tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng an toàn cho trẻ, cho phụ huynh. Không chỉ an toàn về thể chất mà còn cả tinh thần nữa. Cần phải cùng nhau quản lý chứ không giao phó cho một bên nào. Nghĩa là, nhà trường cũng cần giám sát, yêu cầu gia đình thực hiện đúng phương pháp giáo dục, nội dung giáo dục và đương nhiên, các gia đình cần thực sự là người cùng nhà trường quyết định các quy trình nghiệp vụ trong mọi hoạt động của con ở trường, chứ không thờ ơ hoặc phó mặc.

 

Biên tập viên - MC Diệp Chi (VTV)

Gửi con tới trường là gửi báu vật cha mẹ giữ gìn, là trao niềm tin cho các thầy cô, cho những người phụ trách. Mỗi sáng con đi học rồi thì cha mẹ cũng lao ra đường, vất vả mưu sinh, không tiếc tiền cho con vào trường tốt, mong cho con có được tuổi thơ đỡ lấm lem, bớt thiếu thốn hơn mình. Không dạy được văn hay chữ tốt thì ít nhất cũng phải mang trả con khỏe mạnh, nguyên vẹn trở về, đấy là yêu cầu tối thiểu. Sáng đi con vẫn líu lo cười nói, vui vẻ vẫy tay chào ba mẹ, chiều về đã thành cái xác tím tái, lạnh ngắt. Ai chịu nổi đây...

Chỉ một hành động thờ ơ, vô tâm cũng có thể cướp đi cái quyền cơ bản nhất của một đứa trẻ, khiến một đại gia đình lâm vào cảnh tang tóc và hàng triệu ông bố bà mẹ sợ hãi, hoang mang. Mình đang nơm nớp cực độ vì con hàng ngày đi học bằng xe bus và đường xa nên 10 chuyến thì cũng có 6,7 chuyến gà gật trên xe.

Hôm qua, người ta nói một câu thế này: các trường học chưa bao giờ quên thu học phí nhưng có thể quên hoàn toàn sự tồn tại của một đứa trẻ. Điều ấy đau, nhưng là thật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm