Vụ kẹo Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục: Danh tiếng không phải là bảo chứng cho sự trung thực

Văn Long
13/04/2025 - 13:46
Vụ kẹo Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục: Danh tiếng không phải là bảo chứng cho sự trung thực

Luật sư Trương Anh Tú

Sau khi vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo Kera bị phanh phui, nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ sự thất vọng và phản ứng mạnh mẽ trước việc bị lừa dối. Họ cảm thấy bị tổn thương khi sản phẩm được quảng cáo bởi những người nổi tiếng mà họ từng tin tưởng.

"Tôi mua kẹo Kera vì Quang Linh Vlogs từng đào giếng cho người nghèo"

Những ngày qua thông tin Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng du mục) cùng 3 người khác bị khởi tố và bắt tạm giam khiến mạng xã hội "dậy sóng". Không chỉ vì Linh và Hằng nổi tiếng trên mạng xã hội, mà còn bởi tính chất của vụ việc quảng cáo sai sự thật và sản xuất thực phẩm giả.

Theo thông tin từ Bộ Công an, Quang Linh Vlogs và Hằng du mục, cùng 3 người khác, bị điều tra vì hành vi "lừa dối khách hàng" và "sản xuất hàng giả là thực phẩm". Nhóm này liên quan đến việc quảng cáo và phân phối kẹo rau củ Kera - sản phẩm được tung hô như một giải pháp thay thế rau xanh trong khẩu phần ăn. Trên mạng xã hội, các video quảng bá liên tục nhấn mạnh công dụng: "chỉ cần vài viên kẹo mỗi ngày là đủ lượng chất xơ cần thiết", "một viên kẹo Kera tương đương 1 đĩa rau".

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy một sự thật hoàn toàn trái ngược, hàm lượng chất xơ trong 30 viên kẹo chỉ đạt 0,51 gram - một con số quá thấp, không đủ thay thế bất kỳ loại rau nào. Nói cách khác, sản phẩm này không chỉ vô dụng mà còn đánh lừa người tiêu dùng một cách có hệ thống.

Trước khi bị khởi tố, nhóm này từng bị xử phạt hành chính vì hành vi tương tự. Nhưng bất chấp cảnh báo, họ tiếp tục quảng cáo và bán sản phẩm, thu lợi từ sự cả tin của công chúng. Khi bị bắt, cả Quang Linh Vlogs và Hằng du mục thừa nhận đã cố ý thổi phồng công dụng kẹo để tăng doanh thu.

Từ vụ Quang Linh Vlog, Hằng du mục bán kẹo Kera: Danh tiếng không phải là bảo chứng cho sự trung thực- Ảnh 1.

Quang Linh Vlogs và Hằng du mục trước khi bị bắt.

Quang Linh Vlogs từng nổi tiếng với các chiến dịch nhân ái, với hình ảnh giản dị, chân thành và luôn đồng hành cùng người dân Châu Phi. Chính sự mộc mạc đó là "vốn liếng" để anh tạo dựng lòng tin từ hàng triệu người Việt Nam. Thế nhưng, cũng chính lòng tin ấy lại bị biến thành bàn đạp để quảng bá một sản phẩm dối trá. Ở vai trò người nổi tiếng, liệu họ có thực sự tin vào sản phẩm mình bán? Hay đơn giản chỉ là đang "bán niềm tin" đã được tích lũy suốt nhiều năm cho những hợp đồng quảng cáo ngắn hạn?

Khi một người nổi tiếng cầm sản phẩm lên và nói "tôi dùng thấy tốt", người tiêu dùng không chỉ nghe họ nói mà họ tin rằng, với danh tiếng đang có, họ sẽ không nói sai. Nhưng vụ việc lần này cho thấy danh tiếng không phải là bảo chứng cho sự trung thực.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định đã có 135.325 hộp kẹo Kera được bán ra. Bộ Công an thông báo những ai đã mua sản phẩm này thì liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để được hướng dẫn giải quyết theo quy định. Hiện vụ việc đang được tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an

Sau khi vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo Kera bị phanh phui, nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ sự thất vọng và phản ứng mạnh mẽ trước việc bị lừa dối. Họ cảm thấy bị tổn thương niềm tin khi sản phẩm được quảng cáo bởi những người nổi tiếng mà họ từng tin tưởng.

Bà Nguyễn Thị G. (TP Hà Nội) cho biết, bà từng rất mến mộ Quang Linh Vlogs, bởi cậu thanh niên này tuy trẻ tuổi nhưng đã làm được rất nhiều việc có ích. "Từ vài năm trước, tôi đã bắt đầu theo dõi Quang Linh Vlogs trên Youtube, thấy Linh từng tự bỏ tiền túi ra để đào giếng cho người nghèo ở Châu Phi… tôi tin tưởng Linh là người tốt nên mới mua kẹo Kera của cậu ta, thật không ngờ đây chỉ là cách họ tạo hình ảnh để bán hàng…", bà G. tỏ ra thất vọng.

Bà G. cho biết, bà đặt mua 1 lọ kẹo Kera với giá 150.000 đồng, đến nay đã sử dụng hết. Điều khiến bà lo lắng nhất là sau khi dùng sản phẩm được xác định là giả này thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Ngoài ra, bà cũng mong muốn được hoàn lại số tiền đã mua kẹo Kera.

Bài học cảnh giác cho người tiêu dùng trước "thương hiệu cá nhân"

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TAT, người có nhiều năm kinh nghiệm trong các vụ việc hình sự - kinh tế, đặc biệt là các tranh chấp liên quan không gian mạng, cho biết, vụ việc kẹo Kera là lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng về việc cần thận trọng khi mua các sản phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội.

Người tiêu dùng nên tìm kiểu kỹ thông tin sản phẩm, kiếm tra nguồn gốc và thành phần trước khi mua, đặt biệt là các sản phẩm được quảng bá bởi người nổi tiếng. Người tiêu dùng có quyền tự mình thuê tổ chức có chức năng kiểm định, giám định chất lượng sản phẩm nếu nghi ngờ về chất lượng. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của chính họ và góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận trong kinh doanh.

Vụ việc kẹo Kera đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của người nổi tiếng trong việc quảng bá sản phẩm và sự cần thiết của việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội. Người tiêu dùng cần tỉnh táo và chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.

Theo ông Tú, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hành chính theo Điều 8 Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghiêm trọng hơn - như quảng cáo gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng thì trách nhiệm hình sự hoàn toàn có thể được đặt ra.

Cụ thể, hành vi này có thể bị xem xét dưới các tội danh như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thực phẩm chức năng; hoặc Tội lừa dối khách hàng theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Điều đáng lo ngại là người bị xử lý không nhất thiết phải là nhà sản xuất, phân phối sản phẩm, mà có thể là cá nhân trực tiếp quảng cáo - kể cả khi họ chỉ "chia sẻ" thông tin theo hợp đồng.

Trong kỷ nguyên số, bất cứ ai cũng có thể trở thành người làm truyền thông. Một bài đăng, một video, một lời kêu gọi dùng thử sản phẩm - tưởng chừng vô hại - có thể trở thành căn cứ buộc tội trong quá trình điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhiều người cho rằng mình "không biết", "bị gài", "chỉ chia sẻ theo hợp đồng". Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản trong pháp luật là: không ai được miễn trách nhiệm chỉ vì không biết luật. Việc nhận tiền quảng cáo mà không kiểm chứng thông tin sản phẩm, không xác minh giấy phép, hoặc bỏ qua cảnh báo từ cơ quan chuyên môn có thể bị xem là hành vi thiếu trách nhiệm nghiêm trọng, thậm chí cấu thành lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.

Hiện nay, mức xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật dao động từ 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hành vi tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có tổ chức có thể bị khởi tố hình sự. Đây là ngưỡng rủi ro mà không ít cá nhân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ.

Theo ông Tú, để phòng ngừa rủi ro pháp lý, cả bên thuê quảng cáo và người nhận quảng cáo cần có hợp đồng rõ ràng, trong đó quy định trách nhiệm kiểm chứng nội dung, nghĩa vụ kiểm tra giấy tờ pháp lý của sản phẩm, cũng như xử lý hậu quả nếu có sai phạm.

Đặc biệt, các KOLs với lượng người theo dõi lớn - cần ý thức rằng ảnh hưởng truyền thông càng lớn thì trách nhiệm pháp lý càng cao. Trong nhiều vụ việc, chỉ cần một phát ngôn sai lệch cũng đủ để trở thành đầu mối điều tra hình sự nếu sản phẩm được quảng bá là hàng hóa cấm, không rõ nguồn gốc, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài nguy cơ. Việc sử dụng KOLs để quảng bá sản phẩm đang là xu hướng tất yếu trong thương mại hiện đại. Tuy nhiên, nếu thiếu sự kiểm soát nội dung và quy trình pháp lý chặt chẽ, doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm liên đới trong các vụ việc hình sự.

Từ vụ việc của một số nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội, có thể thấy rõ rằng mạng xã hội đã trở thành một không gian có độ rủi ro pháp lý cao. Đây không còn là "sân chơi tự do tuyệt đối" mà đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ hệ thống pháp luật.

Việc xây dựng một môi trường truyền thông lành mạnh đòi hỏi không chỉ từ phía cơ quan quản lý, mà còn từ chính người sử dụng mạng xã hội. Sự cẩn trọng trong lời nói, sự trung thực trong truyền thông và sự chủ động trong tìm hiểu pháp luật sẽ là rào chắn vững chắc giúp mỗi cá nhân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình khỏi những hệ lụy pháp lý không mong muốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm