pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ vụ thuê người thu thập thông tin về bạn gái: Coi chừng vướng lao lý
Thu thập, xử lý, sử dụng, cung cấp thông tin cũa người khác khi chưa được phép đều bị phạt. Ảnh minh họa
Việc bị người khác thu thập thông tin cá nhân, rồi chuyển qua lại khá phổ biến, đặc biệt khi các nền tảng mạng xã hội phát triển như hiện nay.
Phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, Đoàn Luật sư TPHCM, xoay quanh các nội dung này.
PV: Xin chào luật sư, với sự việc nhóm thanh niên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị xử lý vì hành vi Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý và hành vi Cung cấp thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp nhận cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân.
Mong luật sư phân tích về 2 hành vi này giống và khác nhau như thế nào, việc xử lý cũng khác nhau ra sao?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Hành vi thứ 1: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý: Đây là hành vi liên quan đến việc tự ý lấy hoặc xử lý thông tin cá nhân (như dữ liệu cá nhân, thông tin nhạy cảm) của người khác mà không được người đó cho phép. Việc này có thể xảy ra khi một tổ chức hoặc cá nhân tự ý thu thập thông tin qua các phương thức khác nhau mà chưa có sự đồng ý từ người cung cấp thông tin.
Hành vi thứ 2: Cung cấp thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp nhận cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân: Hành vi này xảy ra sau khi thông tin đã được thu thập và có trong cơ sở dữ liệu của người thu thập. Việc vi phạm ở đây là khi tổ chức, cá nhân sở hữu dữ liệu tự ý chia sẻ, bán, hoặc chuyển giao thông tin đó cho bên thứ ba mà không được sự chấp thuận của chủ thể thông tin.
Hai hành vi này có những điểm tương đồng nhưng thực chất là khác nhau về bản chất và phạm vi vi phạm Hành vi thứ nhất vi phạm ngay từ quá trình thu thập, xử lý thông tin mà chưa có sự đồng ý của chủ thể. Trong khi đó, hành vi thứ hai chỉ vi phạm khi thông tin đã có sẵn và bị cung cấp cho bên thứ ba mà không được phép. Cả hai hành vi đều vi phạm quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng vi phạm ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý và sử dụng thông tin.
PV: Hiện các hành vi này gặp rất nhiều trên không gian mạng và trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, trước đó, luật pháp đã có những điều khoản nào để xử lý các hành vi tương tự, thưa luật sư?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã ban hành và chính thức có hiệu lực, đưa ra những quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân. Dù chưa có quá nhiều vụ việc được áp dụng xử phạt theo nghị định này nhưng trước đó, pháp luật Việt Nam đã có một số Nghị định liên quan để xử lý các hành vi xâm phạm quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân như Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác trên mạng.
Ngoài ra nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289); Tội vu khống (Điều 156); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331) …
Xâm phạm quyền riêng tư là hành vi vi phạm pháp luật mà trong đó một người có các hành vi tiết lộ, phát tán… những thông tin riêng tư của cá nhân khi không được người đó đồng ý trừ trường hợp được phép của luật quy định thì đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ chịu trách nhiệm về hành vi đó. Theo Điều 21 Hiến pháp Việt Nam, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; danh dự, uy tín cũng như thư tín, điện thoại, điện tử, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác đều được pháp luật bảo vệ, không ai được xâm phạm trái luật.
Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật cũng bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân và không ai được phép xâm phạm một cách trái luật, khoản 2 Điều này cũng nêu cụ thể không ai được phép thu thập, sử dụng, công khai các thông tin liên quan đến quyền riêng tư của người khác mà không được người đó đồng ý trừ các trường hợp được cho phép gồm:
- Về hình ảnh: Các hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc lấy từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, thi đấu… mà không tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người sở hữu hình ảnh (căn cứ Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Về dữ liệu cá nhân: Phải được xử lý trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của chủ thể hoặc của người khác (theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)…
Như vậy, có thể thấy, quyền riêng tư của cá nhân là tất cả các thông tin cá nhân của người đó bao gồm: Quyền hình ảnh; nhân phẩm, uy tín, danh dự; thư tín… của cá nhân đó. Và việc xâm phạm quyền riêng tư là hành vi vi phạm pháp luật trừ một số trường hợp được pháp luật cho phép.
PV: Tình trạng bị "hack" trang cá nhân, việc mất quyền truy cập của các trang cá nhân cũng thường xuyên xảy ra. Kẻ xấu có thể sử dụng các tài khoản của người khác để đánh cắp thông tin rồi truyền tải, lừa đảo mượn tiền hoặc dùng các tài khoản ảo để đưa các thông tin cá nhân của ai đó lên không gian mạng. Việc này cần nhìn nhận như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Tình trạng bị "hack" trang cá nhân và mất quyền truy cập là vấn đề rất đáng lo ngại khi mạng xã hội ngày càng phổ biến và nhiều thông tin quan trọng được lưu trữ. Việc này không chỉ vi phạm quyền riêng tư của cá nhân mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như đánh cắp thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng tiền đe doạ, làm nhục … Nhìn chung, các mục đích này đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài sản, uy tín, danh dự và sự an toàn của cá nhân.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hành vi này có thể vi phạm các quy định về quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư và bí mật cá nhân của công dân theo Luật An ninh mạng năm 2018. Ngoài ra, hành vi "hack" tài khoản và sử dụng thông tin cá nhân của người khác với mục đích lừa đảo, truyền bá thông tin với những nội dung sai lệch còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: "Sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông"tội; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc các tội danh liên quan khác tùy theo tính chất mức độ hành vi và hậu quả gây ra.
Để nâng cao cảnh giác thì người dùng mạng xã hội cần thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin như sử dụng mật khẩu mạnh, kích hoạt xác thực hai yếu tố, và hạn chế công khai các thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội. Nếu xảy ra tình huống bị "hack" hoặc mất quyền truy cập, nên báo cáo ngay cho đơn vị quản lý mạng xã hội và trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ.
Để xử lý và phòng ngừa tình trạng này, cần sự vào cuộc của cả người dùng và các cơ quan chức năng. Việc nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin cá nhân là vô cùng quan trọng để hạn chế các rủi ro trên không gian mạng, không chỉ giúp mỗi người tránh được nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin mà còn góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn lành mạnh văn minh hơn.
PV: Xin cảm ơn luật sư!