pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từng Vô địch World Cup, đội tuyển bóng đá nữ nước này vẫn bị khán giả quê nhà "ngó lơ" và phải tự gây quỹ phát sóng
Haruna Takata, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá nữ nhà nghề Nhật Bản cho biết sự ủng hộ dành cho các môn thể thao của phụ nữ tại đất nước này vẫn thua xa các quốc gia khác, ngay cả khi sự quan tâm trên toàn cầu đang gia tăng.
Bà Takata, Chủ tịch của WE League (Giải Vô địch Quốc gia nữ Nhật Bản) non trẻ, gần đây đã gây chú ý khi đưa ra ý tưởng bắt đầu một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng để tài trợ cho bản quyền phát sóng nhằm tránh việc đội tuyển nữ nước này không được lên sóng tại quê nhà vào giải World Cup năm nay.
Đài Truyền hình công NHK cuối cùng đã can thiệp vào phút chót để phát sóng giải đấu. World Cup nữ kỳ này sẽ bắt đầu ở Úc và New Zealand vào 20/7. Takata cho biết câu chuyện đã giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề mà bóng đá nữ ở Nhật Bản đang phải đối mặt.
Takata cũng là Phó Chủ tịch của Hiệp hội bóng đá Nhật Bản và trước đây là Chủ tịch của câu lạc bộ giải đấu nam hạng hai V-Varen Nagasaki. Bà cho biết mặc dù ĐT nữ Nhật Bản đã giành được danh hiệu Vô địch thế giới vào năm 2011, nhưng hình ảnh của các vận động viên nữ ở Nhật vẫn không được cải thiện.
Bà chia sẻ: "Ở Nhật Bản, xu hướng tập trung vào vẻ ngoài hấp dẫn và dễ thương của các nữ vận động viên thể thao đặc biệt mạnh mẽ. Cho dù tính cạnh tranh của bóng đá có cải thiện đến mức nào đi chăng nữa, thật khó để khiến mọi người cảm thấy hứng thú với khía cạnh đó của môn thể thao này.
Tôi nghĩ rằng mọi người trên khắp thế giới không thực sự nhận thức được mức độ ảnh hưởng của chỉ số khoảng cách giới tính ở Nhật Bản trong các vấn đề hiện tại xung quanh thể thao nữ ở Nhật. Tôi cho là thật đáng kinh ngạc khi mọi quốc gia đều đi trước thời đại rất nhiều về khoảng cách giới".
Nhật Bản xếp thứ 116 trong Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới và là quốc gia duy nhất thuộc G7 nằm ngoài Top 100.
Takata nói thêm: "Nếu xã hội Nhật Bản không có khoảng cách giới tính lớn như vậy và nếu họ hiểu rõ hơn về phụ nữ, tôi nghĩ bóng đá nữ cũng sẽ dễ tiếp cận hơn".
Chiến thắng năm 2011 dành cho "Nadeshiko" ("Hoa cẩm chướng" - biệt danh của đội) đặc biệt quan trọng vì nó diễn ra chỉ vài tháng sau trận động đất và sóng thần lớn tấn công vùng Đông Bắc Nhật Bản.
"Họ đã quyết tâm tiếp thêm dũng khí cho người dân Nhật Bản bằng cách nỗ lực hết mình sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản", Takata nhận xét về kỳ tích năm đó.
Đội đứng thứ hai sau khi thua ĐT Mỹ vào năm 2015. Tuy nhiên, đà phát triển của bóng đá nữ ở Nhật Bản đã chững lại kể từ đó, ngay cả khi mối quan tâm toàn cầu đối với môn thể thao nữ tăng lên. Doanh số bán vé cho Giải Vô địch Bóng đá nữ Thế giới đã đạt kỷ lục 1,25 triệu lượt, trong khi lượng người xem và số lượng nhà tài trợ đã đạt đến một tầm cao mới trong những năm gần đây.
"Tôi ước chúng tôi đã nắm bắt cơ hội khi vô địch World Cup và đầu tư nhiều hơn vào khía cạnh kinh doanh của nó", người đứng đầu bóng đá nữ Nhật bản chia sẻ.
Vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng lớn về tiền lương và tiền thưởng, mà chúng lại phụ thuộc vào tiềm năng truyền hình của bóng đá nữ.
Các đài truyền hình Nhật Bản đã chiếu nhiều giải đấu World Cup dành cho nữ trước đây, nhưng năm nay là lần đầu tiên bản quyền được bán độc lập và không đi kèm với sự kiện dành cho nam. Các đài truyền hình châu Âu ban đầu cũng miễn cưỡng trả tiền bản quyền truyền hình, đặt giá thầu thấp tới mức chưa đến 1% so với giá thắng thầu cho Qatar World Cup năm ngoái, theo Bloomberg. Một thỏa thuận phát sóng ở châu Âu cuối cùng đã đạt được vào giữa tháng Sáu.
Nền tảng trực tuyến Abema của Nhật Bản đã phát trực tuyến miễn phí Qatar World Cup vào tháng 11, với việc đội tuyển quốc gia vượt qua vòng bảng một cách bất ngờ khiến họ phải hạn chế quyền truy cập do nhu cầu quá lớn.
Nadeshiko sẽ chơi trận đầu tiên với Zambia vào ngày 22/7 tại New Zealand. Hoa Kỳ, những người đang đặt mục tiêu giành chức vô địch thứ ba liên tiếp và danh hiệu thứ năm chung cuộc, là ứng cử viên số 1.
Dù Nhật Bản có lặp lại thành công năm 2011 hay không, Takata cho biết bà tin rằng điều quan trọng là phải nắm bắt cơ hội để nâng cao giá trị của bóng đá nữ nói chung với việc các cầu thủ trở thành nguồn cảm hứng cho các cô gái trẻ.
"Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể mở đường, chúng ta chắc chắn có thể tác động đến các môn thể thao khác của phụ nữ", bà nói.