Tỷ lệ lao động nữ Việt Nam cao thứ 2 thế giới nhưng nhiều bấp bênh

24/01/2018 - 15:32
Số liệu do Trung tâm phát triển và hội nhập (một tổ chức phí chính phủ) cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam hiện ở mức 72%, cao thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Campuchia là 81%.

Số liệu này được dẫn từ Báo cáo tổng quan về lao động nữ tại Việt Nam: Phụ nữ, việc làm và tiền lương do Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (Mnet) công bố, căn cứ trên nhiều khảo sát, nghiên cứu khác nhau do Mạng lưới hành động vì lao động di cư vừa tiến hành trong thời gian gần đây.

1.jpg
Có tới 72% phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động, cao thứ 2 thế giới

 

Theo báo cáo này, lao động nữ tại Việt Nam chiếm 48,4% tổng lực lượng lao động – con số khá trùng khớp với số liệu do Bộ LĐ-TB&XH công bố. Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến 72% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam hiện đang đi làm nhiều hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Tỷ lệ này cũng cao hơn mức trung bình thế giới (49%), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (59%) và nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (39%).

Chiếm trên 70% lực lượng lao động của các ngành xuất khẩu chính như dệt may, da giày, điện tử, và 64% lao động trong các khu công nghiệp nhưng lao động nữ chỉ được hưởng một phần rất nhỏ bé trong toàn bộ giá trị của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ví dụ, trong ngành may, chi phí lao động chỉ chiếm 2% giá bán buôn của một sản phẩm, bằng 12,5% lợi nhuận của các nhãn hàng, và còn có thể thấp hơn nữa.

3.jpg
Mặc dù đóng vai trò chính yếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nhưng lao động nữ lại được thụ hưởng chỉ một phần rất nhỏ bé

 

Bên cạnh đó, có tới 7,8 triệu lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức, với điều kiện lao động không đảm bảo. Đây cũng chính là nơi thể hiện rõ sự bất bình đẳng giới, khi tỷ lệ lao động nữ trong khu vực này phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam.

Trong cơ cấu việc làm, lao động nữ cũng đang ở vị thế thấp hơn so với nam giới, khi chỉ chiếm 26,1% các vị trí lãnh đạo, nhưng lại chiếm tới 52,1% nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình. 

Ngoài ra, chỉ có gần 50% lao động nữ trong nhóm lao động làm công ăn lương có ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, trong khi đó tỉ lệ ký hợp đồng lao động của nam là gần 60%. Nếu chỉ tính riêng trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nếu như lao động nam có tỉ lệ ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn lên tới 73,91%, thì với lao động nữ chỉ là 67,67%. Có nghĩa, lao động nữ ít được bảo vệ hơn, và tính chất ổn định của công việc cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới.

2.jpg
Lao động nữ hiện vẫn đang vấp phải không ít rào cản trong quá trình phát triển

 

Đặc biệt, trong vấn đề tiền lương, tiền công, với công việc có cùng trình độ, vị trí, thu nhập trung bình của lao động nữ Việt Nam luôn thấp hơn nam giới 10,7%. Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao: Nếu như thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1% thì ở nhóm trình độ đại học trở lên, mức chênh lệch lên tới 19,7%.

Bên cạnh đó, một vấn đề rất đáng lo ngại là lao động nữ cũng chiếm đa số trong nhóm lao động thất nghiệp. Cụ thể, số này chiếm tới 57,3% số người thất nghiệp ở nhóm lao động chưa qua đào tạo, và 50,2% trong nhóm đã được đào tạo nghề/chuyên nghiệp. Đặc biệt, tỷ trọng lao động nữ trong nhóm thất nghiệp có trình độ đại học lên tới 55,4%. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận việc làm đối với lao động nữ khó khăn hơn nam ở hầu hết mọi nhóm trình độ, đặc biệt ở nhóm thấp nhất và nhóm cao nhất.

4.gif
Lao động nữ thất nghiệp nhiều, tỷ lệ tham gia khu vực phi chính thức rất cao, là vấn đề rất đáng lo ngại

 

Sự bất bình đẳng gia tăng có thể ảnh hưởng tới nhiều gia đình và cả xã hội. Bởi thu nhập thấp tác động tiêu cực tới điều kiện sống và làm việc của lao động nữ và gia đình.

Nhu cầu làm thêm giờ của lao động nữ nhằm đảm bảo đủ khả năng tài chính trang trải các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Do phải lo làm thêm quá nhiều mà không ít lao động nữ không dám mang thai, ít nhiều ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Với nhiều phụ nữ đã có con, thu nhập quá thấp khiến họ không đủ tiền trang trải các nhu cầu thiết yếu, bao gồm chi phí giáo dục và y tế cho con cái.

Những số liệu trên một lần nữa cho thấy yêu cầu xóa bỏ những rào cản đối với lao động nữ, thu hẹp khoảng cách về giới ở nơi làm việc cần phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm