pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV đã giảm mạnh
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS
Tại Việt Nam, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh. Dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ là cách dự phòng từ xa, giúp tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con. PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đã có trao đổi với PNVN xung quanh vấn đề này.
PV: Xin bà cho biết, xu hướng lây nhiễm HIV/AIDS trong nữ giới tại Việt Nam?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Người nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1990, là một phụ nữ sống tại TPHCM. Từ đó đến nay, Việt Nam có gần 250 nghìn người nhiễm HIV đang sống và hơn 112 nghìn người nhiễm HIV đã tử vong. Quá trình xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV những năm đầu chủ yếu là nam giới, lây qua tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm. Sau đó, nữ giới nhiễm HIV tăng dần và đỉnh điểm là giai đoạn 2010 – 2015, với tỷ lệ 30%-34%. Giai đoạn này lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn ở người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV đã giảm mạnh do mở rộng công tác điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) và ý thức dự phòng của nữ giới đã tăng lên. Việc sử dụng bao cao su thường xuyên trong các lần quan hệ tình dục đã cải thiện.
PV: Làm thế nào để dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ, thưa bà?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ là cách dự phòng từ xa để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con vì nếu phụ nữ không nhiễm HIV thì sẽ không lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, giải pháp dự phòng sớm còn giúp đạt được mục tiêu phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Lời khuyên cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV cho mình và con là nên xác định tình trạng nhiễm HIV của mình và người chồng tương lai trước khi kết hôn. Nếu chồng nhiễm HIV thì cần được điều trị bằng thuốc ARV sớm để kiểm soát tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Như vậy sẽ không có khả năng lây truyền HIV qua đường tình dục. Nếu người phụ nữ nhiễm HIV sẽ cần xác định thời điểm có con an toàn. Tốt nhất là điều trị bằng thuốc ARV để tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì khả năng lây cho con còn rất thấp.
HIV/AIDS vẫn đang là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2022, trên thế giới có khoảng 38 triệu người nhiễm HIV. Trong đó, khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV, trong số đó 1,5 triệu trẻ em nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2012- 2022, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh, từ 1.500 trẻ xuống còn hơn 600 trẻ mỗi năm. Tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV giảm mạnh, từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1% năm 2022. Trong đó mục tiêu của Chương trình phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai từ năm 1999 là giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
PV: Xin bà cho biết những điểm mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV tại Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện, tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh, thành phố với 230 phòng xét nghiệm. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện và cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Phương thức xét nghiệm đã đơn giản và thuận lợi hơn so với trước đây. Trước đây, xét nghiệm HIV phải lấy máu tĩnh mạch, giờ hầu hết là lấy máu đầu ngón tay. Đặc biệt ở một số tỉnh đã triển khai xét nghiệm bằng dịch miệng và khách hàng tự làm xét nghiệm tại nhà. Trước đây, xét nghiệm khẳng định phải được tiến hành trong các phòng xét nghiệm bằng máy móc hiện đại thì nay chỉ cần sử dụng 3 test nhanh. Vì vậy, việc chẩn đoán 1 người nhiễm HIV đã thuận lợi hơn rất nhiều và hạn chế được việc phát hiện muộn người nhiễm HIV.
Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, Việt Nam tập trung vào chủ đề "Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".