Tỷ lệ nữ lãnh đạo: Đạt ở địa phương, "tiệm cận đạt" ở trung ương

PVH
21/05/2024 - 10:47
Tỷ lệ nữ lãnh đạo: Đạt ở địa phương, "tiệm cận đạt" ở trung ương

Tính đến thời điểm 31/12/2023, có hơn 17.800 nữ lãnh đạo, quản lý ở cả 3 cấp của địa phương, đạt 22,2%.

Theo báo cáo của Chính phủ, riêng mục tiêu binh đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, kết quả đạt được đang vượt kế hoạch đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh; tiệm cận đạt đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, tuy nhiên hầu hết lãnh đạo nữ mới chỉ giữ các vị trí cấp phó.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày mai (22/5), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 trước Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về nội dung này tại phiên họp tại tổ sáng 23/5.

Riêng về mục tiêu trong lĩnh vực chính trị, theo báo cáo, trong năm 2023, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp tiếp tục quan tâm đôn đốc và phối hợp triển khai công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; tham mưu đề xuất, xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù nhằm tăng cường sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ trên các lĩnh vực, ở cả phạm vi quốc gia và của ngành, đơn vị, địa phương.

Trong đó, tiến hành rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý để đề xuất xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ theo lộ trình phù hợp. Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trong diện quy hoạch chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Mục tiêu 1 trong lĩnh vực chính trị đặt ra chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2023, chỉ tiêu này đạt được như sau:

Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 14/30 cơ quan, đạt 46,67% (tỷ lệ này của năm 2022 là 15/30 đạt 50%) như vậy so với năm 2022 thì năm 2023 giảm 3,33%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18/126 (đạt 14,29%). Trong đó:

Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là nữ là 13/22 (đạt 59%) và không thay đổi so với năm 2022. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ là 15/98 (đạt 15,31%).

Tỷ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 1/8 cơ quan (đạt 12,5%). Trong đó, số lãnh đạo chủ chốt là nữ trong tổng số lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan thuộc Chính phủ là 3/28 người (đạt 10,71%).

Có 04/30 nữ Bộ trưởng và tương đương, đạt 13,3% và 14/108 nữ Thứ trưởng và tương đương, đạt 13%.

Có 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, bao gồm Chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đạt 74,6%.

Tỷ lệ nữ lãnh đạo: Đạt ở địa phương, "tiệm cận đạt" ở trung ương- Ảnh 1.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo số 952/BC-BNV ngày 26/2/2024 của Bộ Nội vụ, riêng với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, hiện có 4.279/30.686 nữ Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, đạt 13,9% (năm 2022 có 4.243 nữ).

Như vậy, so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, kết quả này đang "vượt kế hoạch đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh", "tiệm cận đạt đối với các bộ, cơ quan ngang bộ", tuy nhiên hầu hết lãnh đạo nữ mới chỉ giữ các vị trí cấp phó, chủ yếu theo dõi, phụ trách các lĩnh vực về xã hội, y tế, giáo dục… Điều này cho thấy cần sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành cùng với các giải pháp căn cơ hơn nữa để có thể đạt chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm