pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn tăng đặt ra thách thức về dân số

Tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng tăng
Vất vả hành trình "tìm con"
Mặc dù không sử dụng các biện pháp tránh thai suốt 2 năm nay nhưng vợ chồng anh N.V.K (26 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang) vẫn chưa có con. Khi đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám, anh K. phát hiện mình có số lượng tinh trùng rất ít, chất lượng tinh trùng yếu, hình dạng tinh trùng bất thường.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số nội tiết tố nam của anh K. yếu, độ phân mảnh ADN lớn hơn bình thường (tinh trùng không giữ được ADN sau khi thụ thai, dễ chết lưu). Các bác sĩ bổ sung nội tiết tố nam cho anh K., sau đó sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ tinh trùng. Sau điều trị khoảng 7 tháng, cả hai vợ chồng đã đón nhận tin vui có con.
Một trường hợp khác tại Hà Nội, hai vợ chồng chị M.T (34 tuổi) đã có con đầu lòng 5 tuổi và mong muốn sinh con thứ hai. Tuy nhiên, sau 3 năm mòn mỏi đợi chờ, chị T. vẫn chưa có thai. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm thì chị T. được chẩn đoán suy buồng trứng sớm khiến việc mang thai khó khăn hơn. Chị T. phải thực hiện các biện pháp để kích thích sinh sản.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, cho biết, mỗi năm bệnh viện khám và điều trị hàng nghìn trường hợp vô sinh hiếm muộn, cả vô sinh nguyên phát và thứ phát. "Có những cặp vợ chồng hiếm muộn tới 10 - 15 năm, rất vất vả trên hành trình tìm con".
Vô sinh, hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất một năm không áp dụng biện pháp ngừa thai. Nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nam giới là do bất thường về chất lượng và số lượng tinh trùng; thiếu hụt nội tiết do suy tuyến sinh dục; xuất tinh sớm; xuất tinh ngược dòng.
Còn ở nữ giới thường do tổn thương vòi trứng; nhiễm trùng vùng chậu; dinh dưỡng kém; lớn tuổi; rối loạn rụng trứng hay không rụng trứng; lạc nội mạc tử cung; khối u buồng trứng.
"Lối sống, môi trường, yếu tố di truyền... dẫn đến tỉ lệ vô sinh tăng. Bên cạnh các yếu tố bệnh lý, những thói quen xấu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, như lối sống thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, lạm dụng bia, rượu, hút thuốc lá, ăn uống không khoa học...
Cùng với đó là môi trường làm việc áp lực, thường xuyên bị căng thẳng, công việc phải tiếp cận với bức xạ, sóng điện tử cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh, quá trình nuôi dưỡng tinh trùng, chất lượng buồng trứng.
Ngoài ra, việc quan hệ tình dục không lành mạnh, không an toàn, quan hệ tình dục khi còn quá trẻ cũng gây ra những tổn thương cho cơ thể và các cơ quan sinh sản, dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn", bác sĩ Hiền nhấn mạnh.
Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị vô sinh
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, một nguyên nhân nữa dẫn tới sự gia tăng tình trạng hiếm muộn là việc lập gia đình muộn, có con muộn. "Áp lực cuộc sống khiến nhiều người lo kinh tế đầy đủ mới sinh con.
Lúc này, người phụ nữ có tuổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh con dẫn đến tình trạng hiếm muộn. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thanh niên lập gia đình sớm hơn, có con sớm hơn", ông Tiến phân tích.
GS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, hiện nay vấn đề khó khăn của các cặp vợ chồng hiếm muộn là kinh phí điều trị. "Kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam phát triển rất nhanh.
Nước ta có hơn 50 trung tâm có thể thụ tinh trong ống nghiệm, đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn. Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đạt mức thành công cao, tới 60% số ca chu kỳ có thai lâm sàng.
Tuy nhiên, giá dịch vụ của các kỹ thuật này cao so với thu nhập của hầu hết người dân. Quỹ bảo hiểm y tế lại không chi trả cho dịch vụ này nên nhiều gia đình khao khát có con nhưng đành lực bất tòng tâm".
Do đó, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam đề xuất cần có chính sách bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị vô sinh, hiếm muộn. "Việc này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai do Quỹ bảo hiểm y tế chỉ có mức độ, vì vậy, nên làm từng bước.
Đơn cử, các cặp vô sinh, hiếm muộn có bệnh liên quan như mổ u xơ tử cung, u buồng trứng hay các bệnh lý bất thường nhưng chưa cần can thiệp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì bảo hiểm y tế có thể thanh toán. Khi quỹ bảo hiểm đạt mức tốt hơn thì thanh toán cả những kỹ thuật điều trị vô sinh", GS Tiến chia sẻ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 6/2023, trung bình mỗi phụ nữ ở TPHCM sinh 1,32 con, trong khi ở Hà Nội là 1,88 con/phụ nữ. Trên cả nước, con số này là 1,96 con/phụ nữ, không đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số...
Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) tại Việt Nam tăng 15%-20% mỗi năm và chiếm hơn 50% tổng số trường hợp vô sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3 ở thế kỷ 21, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch.