Ứng dụng công nghệ 4.0 vào thu gom, đổi rác thành quà tặng cho người dân

11/07/2019 - 13:40
Cử người đến tận nhà thu gom rác miễn phí, lại được nhận thêm quà tặng, tích điểm khi đi mua sắm, đó là ý tưởng khởi nghiệp của Trần Thị Thoa để thu gom, xử lý rác tái chế thông qua ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh.
Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi bên lề lễ trao giải thưởng cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” 2019 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) tổ chức, Trần Thị Thoa đã truyền lửa cho những người đối diện bằng những tâm huyết của mình dành cho dự án xã hội MGreen, nhằm xây dựng thói quen văn minh trong phân loại rác tại nhà, bảo vệ môi trường.
 
thoa-mgreen-2.jpg
Trần Thị Thoa tại lễ trao giải thưởng cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” 2019

 

Hình thành từ những trăn trở
 
Thoa “bén duyên” với rác khi hàng ngày được chứng kiến công việc của mẹ một người bạn làm nghề ve chai, vất vả mà thu nhập rất bấp bênh. “Tôi đã nghĩ: Làm thế nào để giúp họ? Tôi lại nghĩ đến nạn rác thải hiện nay, nếu biết phân loại đúng cách, rác có thể trở thành một nguồn tài nguyên quốc gia. Ai cũng biết phân loại rác thải để xử lý là cách để giảm thiểu các tác hại cho môi trường. Thế giới làm nhiều, nhưng sao các đô thị Việt Nam mãi chưa làm được”. Câu hỏi này luôn trở đi trở lại trong suy nghĩ của cô gái luôn nhiệt tình với các hoạt động xã hội này.
 
Nhận được sự đồng cảm của bạn bè, đặc biệt là những du học sinh Việt Nam ở nhiều nước, Thoa bắt tay vào nghiên cứu các các giải pháp xử lý rác thải đô thị. Nuôi nấng ý tưởng và xây dựng hệ thống trong 2 năm, đến tháng 1/2018, Trần Thị Thoa thành lập ứng dụng (app) mGreen nhằm xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân, hỗ trợ thu gom, xử lý rác tái chế thông qua ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh (smartphone).
 
thoa-mgreen.jpg
mGreen, ứng dụng 4.0 phân loại tác tại nguồn được tích điểm, tặng quà

 

Ứng dụng thí điểm triển khai đầu tiên tại 2 tòa chung cư trên phố Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội) và 7 tòa chung cư ở khu đô thị Nam Cường, Dương Nội, Hà Đông. Cư dân tại các tòa nhà được cung cấp túi, sọt đựng rác, 1 thẻ tích điểm và ứng dụng phân loại rác. Người dân sẽ được hướng dẫn cách phân loại rác tái chế. Khi có nhu cầu thu gom rác tái chế, người dân chỉ cần mở ứng dụng và nhấn nút, sẽ có người thu gom rác tại nhà miễn phí. Tại đây, người thu gom cân rác, nhập số lượng vào ứng dụng của mình để chuyển tới người dân, người dân xác nhận số lượng rác. Dựa trên lượng rác, người dân sẽ được tích điểm vào thẻ của hộ gia đình, để đổi quà tặng hoặc sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí…
 
Hiệu quả lớn hơn mà mGreen mang lại chính là tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu nguồn - một trong những bài toán khó trong giải quyết vấn đề rác thải đô thị. Từ đó, giảm thiểu chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải.
 
Giải bài toán về thói quen và nguồn vốn
 
Lúc bắt tay vào thực hiện, cả mình và các thành viên trong dự án đều rất phấn khởi, vì mGreen được kỳ vọng là một trong những chìa khóa mở các nút thắt trong khó khăn của việc thu gom, xử lý rác thải đô thị hiện nay. Nhưng thực tế khó khăn hơn rất nhiều.
 
thoa-mgreen-4.jpg
Trần Thị Thoa và các thành viên tham gia dự án

 

Đầu tiên là khó khăn trong việc thuyết phục cộng đồng tham gia dự án, bởi người dân chưa có thói quen phân loại rác thải. Các loại rác mGreen thu gom là rác tái chế như: giấy, nhựa, nylon, có thể có thêm kim loại, pin, thủy tinh… đã được làm sạch và khô để những người trong dự án đỡ mất công phân loại, làm sạch, giảm chi phí xử lý rác tái chế. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân loại đúng. Có lúc, các bạn tình nguyện viên, sau 3 tiếng đi thu gom, về lại phải phân loại lại, loại bỏ đi rất nhiều, các bạn cũng buồn và nản. Nhưng để thay đổi thói quen cần phải một quá trình dài, Thoa luôn động viên các bạn kiên trì và sự quan tâm của cộng đồng cũng là động lực để dự án tiếp tục.
 
Ngoài ra, việc thu gom rác trên ứng dụng smartphone cũng là một trở ngại. Dù điện thoại thông minh đã phổ biến tới từng người trong các hộ gia đình ở đô thị, nhưng để thuyết phục họ sử dụng app cũng là cả một vấn đề.
 
thoa-mgreen-1.jpg
Hiệu quả lớn hơn mà mGreen mang lại chính là tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu nguồn

 

Khó khăn thứ hai, cũng là khó khăn lớn nhất Trần Thị Thoa gặp phải, đó là về nguồn vốn. Xác định doanh nghiệp của mình là doanh nghiệp xã hội, ban đầu dự án triển khai dựa vào nguồn vốn tài trợ và xã hội hoá, nên khá bấp bênh và khó chủ động trong phát triển. Mà để dự án vận hành thì cần đến nhiều khoản kinh phí để mua phương tiện cho cư dân: (sọt, túi đựng rác), cung cấp phương tiện cho người thu gom rác tái chế: (xe đẩy, cân tay, đồng phục, hỗ trợ lương giai đoạn đầu) và để tặng quà đổi điểm phân loại rác cho cư dân…
 
Hiện nay, Thoa đang đi theo hướng lâu dài, mở rộng đối tác, trở thành một kênh bán hàng cho các đối tác Evoucher, quảng bá thương hiệu tiếp cận khách hàng, vừa tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp, vừa mang đến thêm nhiều tiện ích cho những người sử dụng app của mình.  
 
Dù còn không ít trở ngại, nhưng ứng dụng thu gom rác tái chế mGreen đã được triển khai tại các thành phố lớn: hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng Trần Thị Thoa mong muốn trong thới gian tới, sẽ mở rộng ra cả nước, phát triển tối thiếu được 200.000 người sử dụng, tạo việc làm cho 1000 người và nhân rộng mô hình thu gom rác tái chế ra cả nước, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường.
 

mGreen, ứng dụng 4.0 phân loại tác tại nguồn được tích điểm, tặng quà đã được nhận giải thưởng tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” 2019.

 

Để sử dụng mGreen, tải ứng dụng mGreen - thu gom rác trên smartphone trên kho App Store hoặc Google Play. Nếu có nhu cầu tham gia chương trình, bạn nhắn tin trên App mGreen, sẽ có nhân viên mGreen liên hệ và hướng dẫn cùng tham gia dự án.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm