pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp: Còn chênh lệch giữa các vùng

Mô hình ứng dụng công nghệ hiệu quả đã giúp hộ nghèo vươn lên, các sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng cao và hình thức đẹp
Từ công nghệ canh tác thông minh đến số hóa chuỗi cung ứng, thương mại điện tử… công nghệ không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, kết nối thị trường. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ đến gần hơn với người nông dân, đặc biệt là phụ nữ, hộ nghèo vẫn còn nhiều thách thức.

Ông Đỗ Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ - người đã có nhiều năm gắn bó với các mô hình chuyển đổi số, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
+ Thưa ông, hiện nay việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đang được triển khai như thế nào tại các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi - nơi còn nhiều hộ nghèo?
Hiện nay, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt tại nhiều địa phương, kể cả vùng nông thôn, miền núi. Một số địa phương đã triển khai mô hình nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc hoặc theo dõi sự sinh trưởng của cây trồng. Ngoài ra, chuyển đổi số trong quản lý nông trại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối thị trường qua sàn thương mại điện tử cũng bắt đầu được thử nghiệm.
Tuy nhiên, mức độ ứng dụng còn chênh lệch giữa các vùng. Nơi có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và hỗ trợ từ doanh nghiệp thì mô hình công nghệ triển khai tốt hơn. Còn ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận công nghệ vẫn còn gặp nhiều rào cản do điều kiện kinh tế, hạ tầng và trình độ dân trí.

"Công nghệ đóng vai trò then chốt trong hiện đại hóa nông nghiệp" - ông Thành chia sẻ
+ Ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ (từ thiết bị canh tác đến chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử…) trong việc giúp nông dân tăng năng suất, nâng cao chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm?
Công nghệ đóng vai trò then chốt trong hiện đại hóa nông nghiệp. Việc áp dụng thiết bị canh tác tiên tiến sẽ giúp giảm công lao động, tiết kiệm nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chuyển đổi số cho phép người nông dân quản lý đồng ruộng hiệu quả hơn, từ theo dõi thời tiết, dịch bệnh đến điều chỉnh quy trình sản xuất. Hệ thống truy xuất nguồn gốc tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp sản phẩm có giá trị cao hơn. Đặc biệt, thương mại điện tử mở ra thị trường mới, giảm phụ thuộc vào thương lái, tạo ra kênh tiêu thụ ổn định.
+ Khó khăn lớn nhất của người dân khi tiếp cận và ứng dụng công nghệ là gì và giải pháp then chốt là gì?
Theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay bao gồm:
- Thiếu vốn đầu tư ban đầu: Các thiết bị công nghệ cao có chi phí lớn, trong khi hộ nghèo ít có khả năng vay hoặc đầu tư.
- Thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ: Đặc biệt ở người lớn tuổi, phụ nữ hoặc vùng dân tộc thiểu số.
- Thiếu kết nối đầu ra: Người dân lo ngại "làm ra mà không bán được", do thiếu liên kết thị trường.
Giải pháp then chốt là xây dựng mô hình mẫu tại địa phương, đi kèm với chính sách hỗ trợ tài chính (tín dụng ưu đãi, cho thuê thiết bị), và đào tạo kỹ năng theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Bên cạnh đó, vai trò của hợp tác xã, tổ chức nông dân, doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng để làm cầu nối công nghệ - thị trường.
+ Ông có thể chia sẻ một vài mô hình ứng dụng công nghệ hiệu quả đã giúp hộ nghèo vươn lên?
Một số mô hình nổi bật có thể kể đến như: Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng với hệ thống tưới, chiếu sáng và kiểm soát dinh dưỡng tự động, có thể sản xuất rau sạch, đạt chuẩn VietGAP, bán cho siêu thị với giá cao.
Hay việc ứng dụng sổ tay điện tử trong chăn nuôi heo, hộ nghèo được tập huấn sử dụng điện thoại thông minh để quản lý thức ăn, dịch bệnh, truy xuất lô hàng. Từ đó nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô. Việc phát triển sàn thương mại điện tử giúp nông dân vùng cao bán đặc sản địa phương như chè Shan tuyết, mật ong rừng, măng khô… tiếp cận thị trường toàn quốc.
Những mô hình này khi thành công đã tạo hiệu ứng lan tỏa, nhiều hộ học theo, thậm chí hình thành chuỗi sản xuất liên kết.
+ Để công nghệ trở thành "đòn bẩy" giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ cần tập trung vào những yếu tố nào, đặc biệt với phụ nữ và người dân ở vùng khó khăn?
Chính sách cần tập trung vào 5 yếu tố sau:
1. Hỗ trợ tiếp cận tài chính: Cho vay ưu đãi, hỗ trợ mua hoặc thuê thiết bị công nghệ, nhất là cho phụ nữ và hộ nghèo.
2. Đào tạo kỹ năng công nghệ thực tiễn: Ưu tiên các chương trình học dễ hiểu, gắn với thực tế, chú trọng phụ nữ, người dân tộc.
3. Phát triển hạ tầng số và kết nối internet: Cần đầu tư mạnh cho vùng sâu, vùng xa để người dân có điều kiện tiếp cận nền tảng số.
4. Hỗ trợ tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm: Kết nối với doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc.
5. Khuyến khích mô hình HTX công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp: Tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với người dân địa phương.
+ Cảm ơn ông đã chia sẻ!