pnvnonline@phunuvietnam.vn
Yên Bái: Nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

Phát triển mô hình chăn nuôi để giảm nghèo bền vững
Các kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ xuống tất cả 9/9 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo. Từ đó, các địa phương đã rà soát, đánh giá các hộ nghèo trong danh sách theo các nhóm nguyên nhân nghèo, các tiêu chí thiếu hụt để xác định số lượng, danh sách các hộ dự kiến thoát nghèo tại từng xã, phường, thị trấn; đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, các xã, phường, thị trấn trong việc hỗ trợ các hộ thoát nghèo. Sau đó, các xã, phường, thị trấn khảo sát, đánh giá đặc điểm, nhu cầu trợ giúp của từng hộ và xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể của chính quyền, đoàn thể, cộng đồng dân cư đối với các hộ cần trợ giúp để thoát nghèo.
Đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện, giáo dục, bảo trợ xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được các địa phương ưu tiên chú trọng.

Các hội viên phụ nữ ở Yên Bái chủ động tiếp cận thông tin thị trường để ứng dụng phát triển kinh tế hộ gia đình
Ngoài ra, Yên Bái đã quyết liệt triển khai Kế hoạch số 45/KH-UBND, ngày 20/2/2024 của UBND tỉnh về hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo Kế hoạch số 45/KH-UBND, có 5 huyện, thị xã được hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đến tháng 9/2024 đã khởi công xây dựng 1.286/1.424 nhà, đạt 90,3% kế hoạch.
Đồng thời, tỉnh quan tâm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 với 7 dự án. Các sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của tỉnh đã chủ động phối hợp với các xã được giao phụ trách để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ thoát nghèo với tổng kinh phí thực hiện trong 8 tháng ước đạt hơn 10 tỷ đồng.
Các cơ quan, đơn vị cấp huyện đã huy động nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo ước đạt trên 5 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2024, qua đánh giá sơ bộ, toàn tỉnh có 7.143/7.219 hộ có chuyển biến về kinh tế, cải thiện về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có đủ điều kiện để thoát nghèo, đạt 98,9% kế hoạch. Trong đó, thành phố Yên Bái đạt 170%, huyện Mù Cang Chải đạt 109,9%, huyện Trấn Yên đạt 105,4%, huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ đạt 100%.
Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn 4,18%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,69%; tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 giảm 2,57% so với năm 2024. Duy trì 19 xã, phường không có hộ nghèo đã hoàn thành năm 2024. Xây dựng thêm 6 xã, phường, thị trấn không có hộ nghèo để cuối năm 2025 Yên Bái có 25 xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ 14,88% tổng số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh).
Cho đến nay, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Trong đó, tiếp tục phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho 52 ban, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 843 hộ nghèo tại 64 xã khó khăn thoát nghèo trong năm 2025 (gồm: 21 xã đặc biệt khó khăn; 28 xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới trong các năm 2022 và 2023 và 5 xã có nhiều thôn đặc biệt khó khăn).
Cùng với đó, nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo thông qua đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gồm: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoạt động cho vay vốn tín dụng đối với hộ nghèo..., nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, việc làm và thông tin; lựa chọn, xây dựng thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn không có hộ nghèo; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động giảm nghèo.