pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ứng dụng rtChatGPT giúp nông dân vượt rào cản ngôn ngữ để kinh doanh trên thị trường toàn cầu
Đội ngũ RTA thảo luận tích hợp ChatGPT vào nền tảng cộng nghệ rtWork, đây là nền tảng công nghệ số "tất cả trong một" giúp SMEs và nông dân chuyển đổi số
Theo Tiến sĩ Lê Đặng Trung, người sáng lập và điều hành Real-Time Analytics (RTA), một start-up về công nghệ khoa học dữ liệu tại Việt Nam, ChatGPT có thể giúp SMEs sáng tạo nội dung, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và kiến thức về các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Nhờ vào khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khả năng học tập liên tục, ChatGPT có thể truy xuất thông tin từ các nguồn khác nhau và cung cấp cho SMEs những kiến thức cần thiết để phát triển kinh doanh.
Vừa qua, đơn vị này đã tạo chatbot rtChatGPT dựa trên ChatGPT, có những "kỹ năng" hỗ trợ tối đa dành riêng cho SMEs là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục đích của rtChatGPT là giúp mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực tiếp cận nền tảng kinh doanh AI (trí tuệ nhân tạo)
Ông Lê Đặng Trung cho biết, với khả năng xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên "siêu phàm", rtChatGPT có thể giúp SMEs tạo nhiều nội dung khác nhau như viết email, viết bài đăng mạng xã hội, tóm lược nội dung bài viết. Chatbot này cũng có khả năng tư vấn, cung cấp kiến thức về các ngành công nghiệp khác nhau và hoạt động kinh doanh; Cung cấp câu trả lời nhanh chóng và chính xác cho các câu hỏi về kiến thức chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau như quản trị, pháp lý, tuân thủ tiêu chuẩn; Tư vấn và đề xuất giải pháp cụ thể theo ngành, phân tích và khuyến nghị tiết kiệm chi phí, xác định các xu hướng và cơ hội trên thị trường.
"Với khả năng đa ngôn ngữ, rtChatGPT có thể dịch văn bản giữa nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khả năng này giúp SMEs và nông dân vượt qua rào cản ngôn ngữ để kinh doanh trên thị trường toàn cầu", ông Lê Đặng Trung nhấn mạnh.
Có thể thấy, phần lớn trong số 800 nghìn doanh nghiệp SME và 16 triệu nông dân Việt Nam chưa có cơ hội truy cập, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và chatbot tại Việt Nam. Việc phát triển một công cụ AI dễ sử dụng và tiện lợi như rtChatGPT có thể hỗ trợ đáng kể cho những nhóm này bằng cách cung cấp cho họ các câu trả lời nhanh chóng và chính xác cho các yêu cầu, tự động hóa các tác vụ (nội dung công việc) lặp đi lặp lại và sáng tạo nội dung.
Theo ông Trung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những người nông dân đôi khi có kiến thức hạn chế khi đến với việc áp dụng công nghệ. Họ có thể chưa nhận thấy được những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo và chatbot có thể mang lại cho doanh nghiệp của họ. Bằng cách phát triển một công cụ được thiết kế đặc biệt, họ sẽ dễ dàng hơn để áp dụng và thu được lợi ích từ nó.
Hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những người nông dân ở Việt Nam đối mặt với những thách thức riêng so với các tập đoàn lớn hơn. Những thách thức này bao gồm nguồn lực tài chính hạn chế, gián đoạn chuỗi cung ứng và khó khăn trong việc điều hướng các quy định phức tạp. Việc phát triển rtChatGPT có thể giúp nhóm này xác định các khu vực tiềm năng để tiết kiệm chi phí, tuân thủ các yêu cầu quy định và truy cập vào các cơ hội tài chính.
"RTA chọn phát triển rtChatGPT cho SMEs, nông dân, sinh viên là nhằm "bình dân hóa" các công nghệ cao cấp mà thông thường chỉ có các doanh nghiệp lớn, nhiều tiềm lực mới có khả năng tiếp cận ứng dụng", ông Trung khẳng định.
Là đơn vị đi trước, đón đầu ở mảng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho lĩnh vực kinh tế vi mô ứng dụng, kinh tế lượng, kinh tế lao động và kinh tế phát triển, RTA tạo ra rtChatGPT với chi phí "dễ chịu". Hiện nay, rtChatGPT đang miễn phí cho 10 câu hỏi và giảm 80% chi phí cho SMEs, nông dân và sinh viên (chi phí chưa giảm là 250 nghìn đồng/tháng)
Được biết, RTA đã bắt đầu đầu tư phát triển nền tảng rtWork từ 2016. Đây là nền tảng công nghệ số "all in one" giúp SMEs và nông dân chuyển đổi số. Nền tảng này có hệ thống chat và có thể kết nối với các hệ thống chatbot khác thông qua giao diện lập trình API. Nhờ đó, chỉ trong vòng 10 ngày từ khi OpenAI công bố ChatGPT API, RTA đã tích hợp thành công vào hệ thống chat và cho ra đời rtChatGPT.
"Tiếp theo, chúng tôi sẽ tích hợp thêm nhiều chatbot AI nữa như Bard AI của Google. Ngoài ra, chúng tôi sẽ mở nhiều lớp đào tạo để truyền bá kiến thức và kinh nghiệm khai thác chatbot do doanh nghiệp và nông dân Việt Nam", CEO của RTA cho biết. Đồng thời, ông Trung cũng kỳ vọng sẽ có 1 triệu người có thể sử dụng ứng dụng chatbot AI rtChatGPT trong năm 2023.