Ứng phó tác động tiêu cực của Covid-19 tới phát hiện và điều trị HIV/AIDS

An Khê
01/12/2021 - 07:00
Ứng phó tác động tiêu cực của Covid-19 tới phát hiện và điều trị HIV/AIDS

Tư vấn, hướng dẫn để bảo đảm người nhiễm HIV được điều trị liên tục trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ngành Y tế cũng như các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết, tính từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp mới nhiễm HIV. Dịch Covid-19 đã làm cho nhiều khách hàng khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, Covid-19 đã tác động trực tiếp đến việc tiếp cận và duy trì điều trị cho người nhiễm HIV và người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.

"Giãn cách xã hội, sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa đã dẫn đến tình trạng người bệnh không thể đến được các cơ sở điều trị để khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ. Kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản dẫn đến việc nhiều người nhiễm HIV đã lựa chọn giải pháp đến các cơ sở xa nơi mình ở để điều trị, thậm chí là đến tỉnh/thành phố khác. Do đó, giãn cách xã hội do Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì điều trị ở những trường hợp này", ông Nguyễn Hoàng Long nhận định.

Song song với đó, tình trạng các doanh nghiệp bị đóng cửa do tác động của Covid-19 đã dẫn đến nhiều người nhiễm HIV thất nghiệp, thẻ BHYT bị gián đoạn, hết hiệu lực. Điều này đã dẫn đến việc người nhiễm HIV không thể tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có điều trị thuốc ARV.

Ứng phó tác động tiêu cực của Covid-19 tới phát hiện và điều trị HIV/AIDS - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Tăng cường phòng, chống HIV trong dịch Covid-19

Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19 như xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS...

Hiện nay, các tuyến trung ương đã lập kế hoạch triển khai hoạt động giám sát, báo cáo số liệu, tư vấn, xét nghiệm HIV phù hợp đáp ứng linh hoạt với diễn biến tình hình dịch Covid-19. Tại tuyến địa phương, hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế được duy trì ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV của người bệnh.

Theo Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, điểm mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV/AIDS tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đó là: Cục đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới triển khai cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử, hiện đang triển khai tại 4 tỉnh/thành phố: Cần Thơ (11/2020), Hà Nội, Nghệ An (4/2021) và Bình Dương (11/2021) bước đầu ghi nhận khoảng 10% người nhận sinh phẩm có phản hồi kết quả "có phản ứng" và được kết nối với dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV. Hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên "Hãy ở nhà và tự xét nghiệm" đã đưa ra phương án cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến. Hàng chục nghìn bộ tự xét nghiệm HIV được vận chuyển, chuyển phát qua đường bưu điện hoặc được giao tới cho những người có nhu cầu xét nghiệm. Điều này giúp người có nhu cầu dễ tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị hơn.

Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) khởi động chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam với chủ đề "Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì". Chiến dịch sẽ được triển khai từ nay đến ngày 15/12 cùng với các hoạt động khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (10/11 đến 10/12/2021) có chủ đề là: "Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm