Con bướng bỉnh, dạy thế nào?

Gia Linh
11/10/2021 - 14:00
Con bướng bỉnh, dạy thế nào?

Với trẻ bướng bỉnh cần có những hình thức kỉ luật phù hợp. Ảnh minh hoạ

Những ngày này, vấn đề “có nên giáo dục bằng việc phạt trẻ” đang gây tranh luận. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, việc phạt trẻ không phải là phương pháp giáo dục tốt vì như thế sẽ khiến cho tình trạng trầm trọng hơn. Thế nhưng, với nhiều cha mẹ, nếu không phạt trẻ, họ sẽ cảm thấy khó khăn khi dạy một đứa trẻ bướng bỉnh, khó bảo.

Kỷ luật không nước mắt có phải luôn tốt?

Áp dụng phương pháp "dạy con không nước mắt", chị Nguyễn Hoài Thu (Duy Tiên, Hà Nam) không bao giờ đánh, mắng cũng như phạt con. Con làm gì sai, chị cũng nói với con rất nhẹ nhàng "con làm như thế này là không được, lần sau con không được làm như thế"... Nhà có 2 cậu con trai thì cậu con lớn 8 tuổi rất nhớ lời mẹ dặn. Cậu con trai thứ hai 5 tuổi thì ngược lại, vô cùng bướng bỉnh, không nghe lời. Chỉ cần không đồng ý việc gì, chỉ cần người lớn trong nhà không đáp ứng nhu cầu là cậu ném mọi thứ trước mặt xuống đất. Cậu ném đồ chơi, ném bát, đĩa, ghế, thậm chí ném cả điều khiển làm hỏng ti vi. Những lần con nóng nảy như vậy, chị Hoài Thu vẫn nhẹ nhàng nói: "Lần sau con không được làm như vậy". Tuy nhiên, cái "lần sau" của cậu bé vẫn tiếp tục ném đồ.

Chị Thu ở cùng với bố mẹ nên ông ngoại không đồng ý với việc "không phạt" khi trẻ mắc lỗi của con gái. Sau một vài lần "quen tay" ném đồ, cậu bé đã bị ông phạt úp mặt vào tường 10 phút. Vậy mà chỉ sau 2 lần bị phạt như thế, cậu bé đã không dám ném đồ nữa. Sau sự việc này, chị Hoài Thu nhận thấy, với những đứa trẻ bướng bỉnh, cần có những biện pháp kỷ luật khi con mắc lỗi, miễn là các hình thức kỷ luật ấy phải tích cực chứ không dùng các hình phạt bạo hành ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của trẻ.

Giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc

Thực tế, nhiều cha mẹ đã không kiềm chế được cảm xúc khi trẻ bướng bỉnh, luôn chống đối cha mẹ. Họ thường phạt trẻ bằng việc quát tháo, đánh đòn. Điều này không khiến trẻ nghe lời mà chỉ khiến trẻ sợ hãi lúc đó và ương bướng hơn. Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), khi trẻ bướng bỉnh hay cáu giận, cha mẹ không nên đứng cao hơn hoặc ngồi thấp hơn và chỉ tay vào mặt trẻ bởi đó là tư thế không tốt để giải toả cảm xúc của trẻ. Tư thế được khuyên là cha mẹ và trẻ ngang tầm mắt nhau, khi đó năng lượng của cơn giận sẽ bị triệt tiêu và trẻ dễ lắng nghe cha mẹ hơn. Cha mẹ được khuyên là ngồi xuống hoặc bế trẻ ngồi trên ghế cao để cha mẹ và trẻ có thể giao tiếp mắt với nhau dễ dàng.

Khi gặp tình huống trẻ có những biểu hiện phản ứng lại cha mẹ, đã đến lúc cha mẹ cần cho trẻ thời gian suy ngẫm. Hãy ngừng tranh luận, giữ khuôn mặt nghiêm và đừng quan tâm đến hành vi của trẻ. Nếu trẻ nhỏ quá bướng và quấy khóc trên tay cha mẹ, hãy đặt trẻ nằm xuống giường hoặc để ai khác bế. Cha mẹ hãy nghỉ ngơi, sự kì diệu sẽ đến!

Đặc biệt, khi trẻ ném đồ, cha mẹ không đi nhặt những món đồ lên. Nếu mẹ cứ nhặt lên tại thời điểm trẻ ném, thì trẻ sẽ chuyển sang cảm xúc gọi là "thỏa mãn", tức là vui thích như 1 trò chơi với mẹ. Trẻ học được điều này và mỗi lần giận thì lại ném để mẹ nhặt lên. Cha mẹ hãy đợi cho đến khi trẻ bình tĩnh, sau đó cha mẹ mang 1 cái thùng giấy ra và bày trò chơi "phân loại đồ chơi trên sàn bỏ vào thùng". Vài lần cùng trẻ làm điều này thì trẻ dần bỏ được hành vi.

Khi trẻ nằm lăn ra sàn ăn vạ, cha mẹ đừng cố kéo trẻ lên bởi làm vậy trẻ thực sự phản ứng rất mạnh và cơn giận vẫn cháy âm ỉ. Hãy đợi tầm 1-2 phút tùy vào tình huống và mức độ giận dữ của trẻ. Trước việc học cách điều chỉnh cảm xúc, trẻ đôi lúc bối rối và ném cảm xúc đó xuống sàn nhà, trẻ cần những phút giây để cảm xúc được bộc lộ. Sau thời gian bộc lộ cảm xúc, cha mẹ nhẹ nhàng ngồi xuống thấp/tựa gối xuống sàn nhà và hỏi: Con có muốn đứng dậy, chúng ta sẽ nói chuyện?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm