Ước mơ bình dị của hai anh em bị xương thủy tinh đến trường bằng đôi chân của mẹ

06/09/2018 - 06:34
Không có thân hình mạnh khỏe như đôi bạn cùng lứa, cũng chưa từng tự bước đi lần nào, nên hai anh em ruột bị xương thủy tinh và não úng thủy ở Hà Tĩnh phải đến trường bằng đôi chân của mẹ.

Ngày 8 lần đến trường bằng đôi chân của mẹ

Đó là câu chuyện của hai anh em Lê Ngọc Bảo (13 tuổi) và Lê Nữ Yến Vy (8 tuổi) ở xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Năm nay Bảo Ngọc lên lớp 8 (trường THCS Hương Lâm), nhưng chàng trai này chỉ nặng có 11kg, cao 70cm. Với thân hình tí hon và cái đầu to nên chúng bạn thường trêu chọc Bảo Ngọc là người đầu to, người ngoài hành tinh…

anh-1.jpg
Hai anh em Ngọc và Vy cùng nhau ôn bài trước giờ đến lớp.

 Không khác gì anh trai, Yến Nhi năm nay cũng lên lớp hai (trường Tiểu học Hương Lâm), nhưng chỉ nặng 10kg, với cái đầu to và thân hình mềm nhũn.

Với ước mơ tìm con chữ, dù không thể đi lại được nhưng hai anh em Bảo Ngọc và Yến Vi vẫn đòi bố mẹ được đến trường như bao chúng bạn khác. Thương con, suốt nhiều năm nay chị Đinh Thị Thoa (SN 1982, mẹ hai cháu) không đi làm xa mà ngày ngày cõng hai con đến lớp.

“Hai đứa đòi đi học, tôi cũng lên xin cho con được đến lớp như các bạn. Ngày ngày cứ 8 lần cõng hai đứa đến trường, nhưng tôi vẫn luôn sợ con bị ngã và tự ti với các bạn trong lớp”, chị Thoa nói trong nước mắt.

anh-4.jpg
Dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng nỗ lực vươn lên của Ngọc và Vy khiến nhiều người khâm phục. Trong căn nhà nhỏ, những tờ giấy khen được bố mẹ các em treo trang trọng.

Chị Thoa kể, năm 2004 chị kết hôn cùng cùng anh Lê Văn Mạnh (SN 1979) người xóm bên. Sau khi có được một ít vốn, hai vợ chồng ra riêng dựng tạm một căn nhà nhỏ dưới chân núi Hương Lâm để làm nương rẫy.

Một năm sau, hai vợ chồng trẻ vỡ òa hạnh phúc khi đứa con trai đầu lòng Lê Bảo Ngọc chào đời nặng 3kg bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, chưa được hưởng trọn niềm hạnh phúc làm bố, làm mẹ thì sau vài tháng, các bác sĩ chẩn đoán Bảo Ngọc mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe rất yếu.

anh-2.jpg
Do đầu nặng nên Bảo Ngọc phải chèn dưới cằm để có thể viết được.

“Lúc đó tôi gần như tuyệt vọng. Mọi tài sản trong gia đình mà hai vợ chồng chắt góp đều mang đi chữa bệnh cho con nhưng vẫn không khỏi. Càng lớn lên, thân hình con trai lại thay đổi khác lạ với cái đầu càng to ra, chân tay thì cứ teo tóp, mềm nhũn”, chị Thao nhớ lại.

Bỏ mặc những lời khuyên răn từ mọi người rằng con bị bệnh xương thủy tinh không thể chữa khỏi, người mẹ trẻ vẫn quyết đưa con đi tìm thầy tìm thuốc nhưng mọi thứ dường như vô vọng.

anh-3.jpg
Chị Đinh Thị Thoa gạt nước mắt kể về 2 đứa con mang trọng bệnh.

Khi Bảo Ngọc lên 5 tuổi, vợ chồng chị Thao mong muốn có một đứa con lành lặn, khỏe mạnh để lấy đó làm động lực phấn đấu nên đã quyết tâm sinh thêm bé Yến Vy. Tuy nhiên, số phận như một lần nữa đày đọa gia đình khi cháu Yến Vy lại mắc bệnh giống anh trai.

 “Nghe bác sĩ thông báo kết quả cháu bị mắc chứng bệnh hiểm ác xương thủy tinh, tim tôi đau quặn thắt lại. Lúc đó tôi muốn chết đi vì thấy cuộc sống không có chút hi vọng gì cho mình”, chị Thoa nói trong đau xót.

Thích làm họa sĩ để vẽ nên ước mơ

Rồi khi hai con lớn lên, chúng hiểu được phần nào những thiệt thòi trong cuộc sống. Nhìn chúng bạn đến trường, được nhảy, được múa mà Bảo Ngọc và Yến Vy lại vô tư hỏi mẹ “sao con không đi được?”. Những câu hỏi vô tư lại khiến người mẹ lòng đau như dao cắt.

“Có những đêm hai con hỏi tôi sao con không thể đi được như các bạn mà tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Giờ lớn lên, hai đứa cũng ý thức được mọi việc, và cố gắng trong học tập. Năm nào Bảo Ngọc cũng đạt học sinh giỏi khiến tôi rất hạnh phúc”, chị Thao kể.

Kể về ước mơ của mình, Bảo Ngọc cho biết cậu rất thích vẽ. Cậu ước mơ sau này có thể trở thành một họa sĩ để có thể vẽ lên đôi chân biết đi và hoài bão tương lai phía trước.

anh-5.jpg
Một giờ học của Yến Vy trên lớp.

“Cháu rất thích vẽ vì có thể tự vẽ lên chính đôi chân cho bản thân mình. Cháu ước được như các bạn, nhạy múa vui chơi và có thể phụ giúp bố mẹ. Nhưng trái lại, người cháu không thể làm được điều đó”, Bảo Ngọc nói.

Nhắc đến 2 học sinh đặc biệt, thầy Đinh Hữu Song, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Lâm cho biết, khi các em nhập học, nhà trường rất lo vì sợ các em không theo được các bạn trong việc học tập.

anh-6.jpg
"Chàng trai" 13 tuổi chuẩn bị cặp sách đến trường, bắt đầu một năm học mới với nhiều khó khăn, vất vả. Hành trình đến trường của 2 em là một nỗ lực không ngừng nghỉ.

“Ngoài ra, do Bảo Ngọc và Yến Vy bị bệnh, thân hình mềm nhũn nên sợ va chạm cùng các bạn dẫn đến ảnh hưởng đến hoc tập. Dù Bảo Ngọc đã chuyển lên cấp 2, nhưng chúng tôi luôn lấy đó làm tấm gương cho các học sinh noi theo. Từ lớp 1 đến lớp 5, Bảo Ngọc luôn đạt học sinh giỏi, và cô em gái Yến Vy giờ cũng học rất tốt ”, ông Song nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm