pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ước vọng năm mới gửi trọn trong mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết là một phong tục đẹp của người Việt. Ảnh minh họa
Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, Tết có thể thiếu hoa đào, hoa mai, bánh chưng, bánh tét, nhưng không thể thiếu mâm ngũ quả.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, mâm ngũ quả truyền thống xưa là mâm gồm 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau .
Mâm ngũ quả được đặt trang trọng trên bàn thờ của mọi gia đình để dâng lên ông bà, tổ tiên thể hiện sự tôn kính của con cháu, để ban thờ đẹp và ấm cúng trong những ngày đầu năm.
Các loại quả bày trong mâm ngũ quả cũng thể hiện ước nguyện của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của các loại trái cây. Thông qua đó, người ta gửi gắm những ước vọng, cầu mong một năm may mắn, bình an, tài lộc.
Mâm ngũ quả thường được các gia đình chuẩn bị, bày biện trong khoảng từ 27 đến 30 Tết. Tùy theo từng vùng miền với các loại trái cây và nét văn hóa đặc trưng riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.
Cách bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp Tết nguyên đán. Tùy theo từng vùng, miền hay thói quen, sở thích của các gia đình, sẽ có cách bày mâm ngũ quả phù hợp.
Mâm ngũ quả của miền Bắc được bày theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: "Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên". Chính vì vậy, các loại quả chọn để bày biện thường có năm màu tương ứng: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng.
Mâm ngũ quả của miền Trung không quá câu nệ hình thức. Các loại quả thường có trong mâm ngũ quả miền Trung là: thanh long, chuối, dứa, dừa, mãng cầu, cam, dưa hấu,...
Mâm ngũ quả miền Nam thường có 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với mong muốn Cầu vừa đủ xài.
Cuộc sống hiện đại ngày nay, những loại trái cây bày trên mâm ngũ quả không nhất thiết phải là chuối, bưởi, xoài…
Số lượng quả trên mâm cũng không phải chỉ giới hạn ở 5 loại, mà có thể nhiều hơn hoặc ít hơn, tùy theo điều kiện từng gia đình. Điều quan trọng nhất là tấm lòng, sự thành tâm khi soạn sửa mâm ngũ quả.
Mỗi loại quả mang theo một mong muốn, ước vọng trong năm mới. Ảnh minh họa
Ý nghĩa của các loại quả trong mâm ngũ quả
Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, mỗi loại trái cây mang một ý nghĩa khác nhau, gửi gắm một ước nguyện khác nhau trong năm mới.
- Nải chuối uốn cong như bàn tay, ôm trọn các loại quả khác, tượng trưng cho sự quây quần, sum vầy ngày Tết, mang ý nghĩa đùm bọc, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
- Quả bưởi: tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng.
- Quả Phật thủ: tượng trưng cho bàn tay Phật bao bọc, che chở.
- Quả quất: tượng trưng cho sự sung túc, ăn nên làm ra.
- Quả lựu: tượng trưng cho hạnh phúc, đông con, nhiều cháu.
- Quả thanh long: tượng trưng cho rồng mây hội tụ, có ý nghĩa mang lại sự may mắn, phát tài phát lộc.
- Quả dưa hấu: có ruột đỏ, tượng trưng cho may mắn, ngọt ngào.
- Quả sung: mang biểu tượng sung mãn về cả sức khỏe và tiền bạc.
- Quả đu đủ: tượng trưng cho sự thịnh vượng, no đủ
- Quả xoài: tượng trưng cho sung túc, đủ "xài" gần như phát âm tên gọi của loại quả này (xoài – xài)
- Quả dừa: gửi gắm mong muốn một năm mới ngọt ngào, viên mãn
- Quả dứa: tượng trưng cho sự sự giàu có, may mắn và thịnh vượng.
Cách lựa chọn và bày biện mâm ngũ quả
- Chọn quả còn xanh hoặc vừa bắt đầu chín để mâm ngũ quả bày đến sau 3 ngày Tết vẫn có màu sắc tươi, đẹp.
- Chọn quả chắc tay, không bị dập, trầy xước, còn cuống và lá.
- Trước khi bày mâm ngũ quả, không nên rửa bằng nước sẽ làm quả nhanh hỏng. Nên dùng khăn tẩm rượu trắng hoặc khăn ẩm để lau sạch bề mặt quả, giúp quả bóng đẹp hơn.
- Khi sắp xếp mâm ngũ quả, nên xếp các quả to trước, sau đó xếp đến các quả nhỏ. Xếp xen kẽ màu sắc các loại quả để mâm ngũ quả đẹp mắt.