Uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Chi phí điều trị cực kỳ tốn kém

24/09/2016 - 06:00
“Với hơn 40 nghìn chai nước C2 và Rồng đỏ nhiễm chì mà người tiêu dùng đã uống, chi phí để lọc bỏ chì cực kỳ tốn kém. Con số đền bù dự kiến khoảng 3,9 tỷ đồng không thấm vào đâu”, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội) nói.

PGS.TS Trần Hồng Côn, cho biết: Chì là một loại kim loại nặng, khi vào cơ thể vượt ngưỡng đào thải thì sẽ tích tụ trong xương và tủy xương. Đến một hàm lượng nhất định thì tủy xương sẽ không sản xuất ra hồng cầu nữa, gây ra tình trạng thiếu máu, có thể dẫn đến tử vong.

Người tiêu dùng đã lỡ ăn, uống đồ có nhiễm chì thì sẽ phải đối mặt với những nguy cơ đó. Tác hại của nhiễm độc chì là rất lớn, không chỉ gây ra cụ thể một bệnh nào mà nó có thể là căn nguyên cho rất nhiều loại bệnh khác nhau.

ts-con.jpg
PGS.TS Trần Hồng Côn "Chi phí để lọc chì trong cơ thể rất tốn kém"


Hiện trên thị trường cũng có loại thuốc giải chì bằng cách tạo phức với chì trong môi trường huyết tương, làm tan chì để đào thải qua đường phân và nước tiểu. Tuy nhiên, để biết uống thuốc liều lượng thế nào thì phải tiến hành đo hàm lượng chì trong máu và nước tiểu. 

Thế giới cũng có công nghệ tẩy độc chì nhưng đó là công nghệ rất tinh vi và phức tạp. Bản thân chì khi vào cơ thể cũng đào thải rất khó. Trường hợp nhiễm nặng, sức đề kháng kém thì thậm chí không thể bài tiết được.

Với những người đã uống nước có chì, tốt nhất là nên đến bệnh viện kiểm tra về mức độ nhiễm độc của mình. Chì càng để lâu trong cơ thể càng có hại. Khi đã ở vào giai đoạn xuất hiện vàng da, thiếu máu, sốt vào buổi chiều thì cũng đồng nghĩa là không thể chữa trị nữa. Nên đi khám từ khi chưa có biểu hiện gì.

“Chì xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, hít thở, kiểm soát chất lượng thực phẩm càng lỏng lẻo thì nguy cơ nhiễm chì càng cao. Với hơn 40 nghìn chai nước nhiễm chì mà người tiêu dùng đã uống, chi phí để lọc bỏ chì sẽ là không nhỏ. Hơn nữa, nhiễm độc chì biểu hiện tổng hợp từ nhiều bệnh khác nhau, không chỉ riêng một bệnh nào, nên chi phí sẽ cực kỳ tốn kém. Vài ba tỉ đồng chắc không có nhiều ý nghĩa”, PGS.TS Trần Hồng Côn.

4.jpg
Các nhà khoa học cho biết, uống phải nước nhiễm chì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe

Cơ thể càng ít có khả năng đào thải thì khả năng tử vong càng cao. Người bị nhiễm chì có thể sử dụng thuốc để đào thải nhưng phải xem cụ thể mức độ nhiễm độc mới có thuốc đào thải phù hợp.

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế, chia sẻ: Chì ở hàm lượng cực nhỏ thì có thể tự đào thải khỏi cơ thể nhưng với thời gian rất dài và phụ thuộc vào từng thể trạng, lứa tuổi, môi trường. Càng lớn tuổi, lượng chì nhiễm càng nhiều, thì càng khó đào thải.

Chì khi đi vào cơ thể ẩn náu trong các tế bào sâu và phá hủy cấu trúc của tế bào. Việc loại bỏ chì ra khỏi cơ thể, hiện công nghệ trong nước chưa làm được. Các loại thuốc thải độc chì chỉ có tác dụng ở mức độ nhất định. Do đó, nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả uống 40 nghìn chai nước nhiễm chì sẽ phải vô cùng lớn. 

1.jpg
Có nhiều tranh cãi khi ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất URC bồi thường cho người tiêu dùng 3,9 tỷ đồng

Trước đó, trong buổi làm việc giữa Công ty URC (đơn vị sản xuất 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ) và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN (Vinastas), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Vinastas, đã đề nghị URC phải dành ra một khoản tài chính để bồi thường cho người tiêu dùng.  Mức bồi thường đề xuất dựa trên tổng số sản phẩm nhiễm chì đã bán ra thị trường nhưng không thu hồi được, tương đương số tiền gần 3,9 tỉ đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm