Ưu tiên sinh viên nghèo, diện chính sách làm thực tập sinh hộ lý tại Nhật Bản

17/07/2019 - 08:29
Hôm nay (16/7), Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác về đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật làm việc; trong đó sẽ ưu tiên sinh viên là con em các gia đình chính sách, sinh viên nghèo.

Ngày 16/7, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác về đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật làm việc. Tại lễ ký, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam về lĩnh vực lao động việc làm ngày càng phát triển. Đặc biệt, việc 2 bên ký thỏa thuận hợp tác này theo nguyên tắc phi lợi nhuận sẽ là cơ hội cho những sinh viên nghèo có ý chí phấn đấu, thực tập sinh hộ lý đã được đào tạo cơ bản tại Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập tốt.

Ông Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Trung tâm lao động ngoài nước và các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá chương trình này để thu hút lao động tham gia; trong đó có cần ưu tiên dành cho đối tượng sinh viên là con em các gia đình chính sách, sinh viên nghèo.

Đồng thời, ông Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ mong muốn Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka thường xuyên quan tâm đến quyền lợi, chế độ lương thưởng, điều kiện làm việc, ăn ở của sinh viên trong thời gian thực tập tại Nhật Bản, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

ho_ly_nhat_ban__1.jpg
Đào tạo hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh minh họa
 

Trước đó, như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa, vào đầu tháng 7/2019, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã ký với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế Lao động Phúc lợi xã hội và Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình lao động "kỹ năng đặc định”.

Bản ghi nhớ MOC được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm tăng cường bảo hộ lao động kỹ năng đặc định, tạo thuận lợi cho việc phái cử, tiếp nhận lao động trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của hai nước, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc lưu trú tại Nhật Bản, đặc biệt là loại trừ các cơ quan trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động “kỹ năng đặc định”.

MOC là cơ sở quan trọng để các đơn vị của 2 nước, là Trung tâm Lao động ngoài nước và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka ký thỏa thuận hợp tác về đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật làm việc.

Được biết, hộ lý là một trong 14 ngành nghề được chính phủ Nhật Bản xét visa tư cách đặc định. “Lao động kỹ năng đặc định” là chương trình tiếp nhận lao động có trình độ, tay nghề và tiếng Nhật nhất định sang làm việc với thời hạn 5 năm; có thể bão lãnh gia đình sang sống cùng trong suốt thời hạn lao động; được phép chuyển việc làm, chuyển công ty trong giới hạn ngành nghề mà visa quy định. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm