Vai bé bị lệch sang một bên, bác sĩ bảo bị bệnh hiếm gặp

Linh Trần
22/05/2020 - 16:47
Vai bé bị lệch sang một bên, bác sĩ bảo bị bệnh hiếm gặp

Bác sĩ Đức chăm sóc cho bé Phương Vy

Khi bé bắt đầu tập đi, gia đình phát hiện vai bé bị lệch hẳn sang một bên. Khi biết đi, cháu lại có biểu hiện như bị chân thấp, chân cao nên gia đình đã đưa vào viện thăm khám. Tại BV Nhi TƯ, bác sĩ kết luận bé bị trật khớp háng bẩm sinh.

Ngày 22/5, bác sĩ Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi (BV Nhi TƯ) cho biết, BV đang điều trị cho bé Phương Vy (30 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị trật khớp háng bẩm sinh. Điều đáng nói, bé có biểu hiện bệnh từ nhỏ nhưng gia đình không phát hiện ra.

Gia đình cho biết, từ khi sinh ra, bé ăn, ngủ bình thường những những trẻ khác. Tuy nhiên, khi bé bắt đầu tập đi, gia đình phát hiện vai bé bị lệch hẳn sang một bên. Khi bé biết đi hẳn cháu lại có biểu hiện như bị chân thấp, chân cao nên gia đình đã đưa vào viện thăm khám. Tại BV Nhi TƯ, bác sĩ kết luận bé bị trật khớp háng bẩm sinh. "Trước đây khi cháu còn nhỏ mỗi lần thay bỉm cho cháu hoặc cho cháu đi vệ sinh cháu rất hay khóc. Tôi tưởng bé ăn vạ, hóa ra đó là biểu hiện bệnh mà tôi không biết", chị Nguyễn Thị Phương, mẹ bé chia sẻ.

Theo bác sĩ Đức, trật khớp háng bẩm sinh là bệnh khá hiếm gặp ở trẻ. Tại Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc căn bệnh này là khoảng 1/1.000. Tại BV Nhi TƯ, mỗi năm Khoa Chỉnh hình nhi tiếp nhận khoảng 50 đến 70 bệnh nhi đến điều trị phẫu thuật vì bị trật khớp háng bẩm sinh. Nhiều trẻ được phát hiện và đưa đến điều trị khi đã lỡ thời gian vàng điều trị, hoặc trước đó điều trị chưa đúng cách dẫn đến không ít những hệ lụy đối với sức khỏe.

Hiện nay, trật khớp háng bẩm sinh chưa có nguyên nhân rõ ràng. Qua nghiên cứu, giới chuyên môn chỉ ra các yếu tố nguy cơ gây nên bao gồm: thai ngôi ngược, thiểu ối, gia đình có tiền sử bị trật khớp háng.

Bác sĩ Đức cho biết, trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh có một số biểu hiện như sự chênh lệch chiều dài của chân; Nếp lằn mông, đùi với bên bị trật khớp háng dài hơn bên lành; Bàn chân trẻ đổ ra ngoài khi bé nằm duỗi chân; Trẻ hạn chế việc dạng khớp háng nên khó khăn khi thay bỉm, tã, quần; Khi trẻ lớn bị lệch vai 1 bên, chân đi tập tễnh,…

Hiện nay, trật khớp háng là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Ví như, tại BV Nhi TƯ, từ năm 2016 đến nay đã điều trị cho gần 300 ca, tỷ lệ chữa khỏi đạt trên 98%, chỉ có 4/gần 300 ca bị trật khớp lại hoặc phải mổ lần 2. Hơn nữa, chi phí điều trị cũng không quá cao, chỉ trên dưới 10 triệu đồng/ca. Do đó, khi chăm sóc bé, cha mẹ cần để ý, nếu trẻ có những biểu hiện trên gia đình cần nhanh chóng đưa đến BV để được bác sĩ kiểm tra, điều trị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm