Vai trò của phụ nữ và các cấp Hội trong giáo dục con người

02/11/2017 - 09:00
Người phụ nữ có vị trí quan trọng trong gia đình với vai trò là người mẹ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Phụ nữ không chỉ là người “xây tổ ấm” trong mỗi gia đình mà họ còn cùng với nam giới “lo việc nước”.
Mẹ-người thầy đầu tiên của con người

Không phải ngẫu nhiên tại Chương trình Tự hào Phụ nữ Việt Nam và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 107 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, 1977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc hai câu thơ rất nổi tiếng của Macxim Gorki ca ngợi người phụ nữ: “Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?”.
Đó không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá vai trò của bản thân người phụ nữ mà còn đánh giá sự tác động, ảnh hưởng quan trọng của người phụ nữ đối với những nhân tài của đất nước, của nhân loại qua các thời đại.

Người phụ nữ có vị trí quan trọng trong gia đình với vai trò là người mẹ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Ở thời đại nào cũng vậy, người phụ nữ không chỉ là người “xây tổ ấm” trong mỗi gia đình mà họ còn cùng với nam giới “lo việc nước”.
me-thu-1.jpg
Mẹ Việt nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ


Nhìn lại lịch sử dân tộc, trong thời kỳ chống Bắc thuộc, người đầu tiên đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc và xưng vương chính là Hai Bà Trưng. Khi Việt Nam giành lại quyền tự chủ, Hoàng thái Hậu Ỷ Lan đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, giúp đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh. Những đóng góp cho hoàng triều Lý, nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương.

Còn thời hiện đại, ngay từ khi Đảng thành lập, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Hơn 8 tháng sau ngày Đảng ra đời, ngày 20/10/1930, Hội phụ nữ chính thức được thành lập. Thông qua tổ chức Hội phụ nữ, hàng ngàn, hàng vạn phụ nữ theo Đảng làm cách mạng với những tên tuổi đã đi vào những trang sử vàng của lịch sử dân tộc như: Hoàng Ngân, Võ Thị Sáu, Trần Thị Khang, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thắng…

Hàng triệu người mẹ đã gạt nước mắt, động viên con em mình lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cả nước đã có trên 127.000 mẹ Việt Nam anh hùng. Có những người mẹ có chồng và các con, cháu đều hy sinh. Tiêu biểu như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chồng, 9 con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ. Có mẹ có mẹ đẻ, mẹ chồng và bản thân là mẹ Việt Nam anh hùng như mẹ Nguyễn Thị Thạo ở Dỵ Chế - Tiên Lữ - Hưng Yên.

a.jpg
Phụ nữ hiện đại ngoài chăm lo cho gia đình, còn đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong xã hội. 

 

Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, các bà, các mẹ đã sinh ra những người anh hùng cho dân tộc, làm rạng danh non sông. Mẹ Hoàng Thị Loan đã sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta là Bác Hồ, từ lời ru trong sáng, ngọt ngào: “Làm người đói sạch, rách thơm. Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền…”.

Hơn 4,5 triệu đảng viên hiện nay đều sinh ra và lớn lên nhờ tình thương yêu, sự chăm lo giáo dục của những người mẹ. Một người mẹ tốt không chỉ là một người mẹ biết dành tình yêu thương, sự hy sinh cho con, mà phải là một người mẹ có phương pháp giáo dục để con được phát triển toàn diện cả thể chất, trí tuệ và tâm hồn, dạy con có lòng nhân ái, bao dung, biết yêu quê hương đất nước, biết yêu thương con người, tránh xa những thói hư, tật xấu, sự hưởng thụ…

Việc giáo dục trẻ từ sớm không phải chỉ phụ nữ hiện đại, phụ nữ thành phố mới làm được mà từ xa xưa, qua những lời ru của bà, của mẹ cả thế giới tri thức, kinh nghiệm, văn hóa được đưa đến đứa trẻ một cách tự nhiên, thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm của trẻ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy qua các kỳ thi đại học, những thủ khoa hầu hết đều ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn… Phải chăng, ở trong những hoàn cảnh khó khăn thì con người có sức bật, bứt phá tốt hơn?
 
Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên”. Người cán bộ, đảng viên ấy được sinh ra từ một người mẹ, được giáo dục trong môi trường gia đình, được học tập trong nhà trường, được rèn luyện, thử thách qua các tổ chức đoàn thể… Nhưng người mẹ là người thầy đầu tiên, người gieo hạt giống, bồi đắp tâm hồn, để những mầm xanh lớn lên, dù có nắng mưa, gió bão vẫn đứng hiên ngang, vươn thẳng đón ánh mặt trời, như tìm đến chân lý và lẽ phải…

Các tầng lớp phụ nữ và nhân dân ta luôn luôn biết ơn Đảng và Bác. Tình cảm chân thành và thắm thiết với Đảng, với Bác Hồ đã được phản ánh qua những vần thơ mộc mạc “Cơm no áo ấm nhờ ơn Đảng. Độc lập tự do nhớ Bác Hồ”. Hơn bao giờ hết mỗi người phụ nữ phải xác định trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân tộc, góp sức nhỏ bé của mình góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Người phụ nữ luôn là biểu hiện của cái đẹp, đức hạnh, lòng vị tha, nhân hậu, nhân ái, bao dung... những đức tính có khả năng chinh phục, cảm hóa con người, đẩy lùi cái xấu và cái ác. Nếu biết khơi dậy, khích lệ, phát huy sức sáng tạo của người phụ nữ trong gia đình và xã hội sẽ nhân lên thành những vườn hoa, rừng hoa làm cho xã hội ngày càng thêm tốt đẹp, rực rỡ...

Vai trò của phụ nữ và Hội trong giáo dục con người

Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội, nhất là trong việc giáo dục, xây dựng con người mới. Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước ban hành ngày 24/7/2007 đã được thực hiện trong 10 năm qua nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
anh.jpg
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong giao dục con cái nên người 


Thời gian qua, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã quyết liệt trong chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 2 cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, 2 khâu đột phá và 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được xác định là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện và hỗ trợ để phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.

87 năm qua, các tầng lớp phụ nữ theo Đảng làm cách mạng, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thông qua tổ chức Hội các cấp. Những đóng góp của phụ nữ đã được Đảng, Bác Hồ ghi nhận trong câu nói giản dị nhưng đầy tinh thần ngợi ca: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…”.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu cấp bách của việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng. Ngày 16/1/2012, ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Ngày 30/10/2015 ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Phụ nữ, với trách nhiệm lớn lao “là người mẹ sinh thành và nuôi dạy thế hệ trẻ trở thành những chủ nhân của đất nước…” cần phải làm gì? Các cấp Hội phụ nữ cần phải làm gì để chung tay, góp sức với Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Những thế hệ tương lai của Đảng cần phải “vừa hồng vừa chuyên”, cần phải được giáo dục trong môi trường văn hóa gia đình lành mạnh, tiến bộ, sẵn sàng cống hiến sức trẻ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Những điều tốt đẹp đó cần bắt đầu từ một người mẹ tốt, một người mẹ có phương pháp, có kiến thức, kỹ năng, có lòng yêu nước, nhân hậu, thủy chung, giàu tình yêu thương con người… Giáo dục trong gia đình có vai trò vô cùng quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để cùng với giáo dục trong nhà trường hình thành nên một con người. Các cấp Hội cần nghiên cứu, tìm hiểu thêm kinh nghiệm giáo dục gia đình của các nước tiên tiến trên thế giới để cung cấp thêm những kiến thức, kỹ năng giáo dục con khoa học, tiến bộ cho hội viên phụ nữ. 

a2.jpg
Phụ nữ Việt Nam, dù ở nông thôn hay thành thị, đều ra sức học hỏi, chung tay xây dựng đất nước

Thật vui mừng cho các cấp Hội phụ nữ cả nước khi ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đây là cơ hội mở ra cho các cấp Hội có thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước; Đoàn kết, vận động, phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Song cũng đặt tổ chức Hội trước những thách thức đòi hỏi phải có sự linh hoạt, sáng tạo, đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và lòng mong mỏi của các tầng lớp phụ nữ.

 
Nhà văn Tagore của Ấn Độ từng nói “đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt...”, còn C.Mác thì nói: “Người làm giáo dục trước hết phải là người được giáo dục”. Người phụ nữ cần phải được quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa, trước hết là được cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng tổ chức cuộc sống gia đình, để họ tự thắp lên ngọn lửa ấm áp, yêu thương trong mỗi gia đình, để “gieo mầm” cho những chủ nhân tương lai của Đảng, của đất nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, từ thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, cần xem xét lại việc giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác kết nạp đảng viên, từ khâu bồi dưỡng, rèn luyện, theo dõi, thử thách đến xem xét đạo đức, lý lịch bản thân, gia đình… Khi một quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng, đọc lời tuyên thệ, không có lời nào nhắc đến việc “làm quan”, “phát tài” hay “hưởng thụ”. Trong lời thề thiêng liêng ấy chỉ thấy toát lên trách nhiệm của một người đảng viên trước Đảng, trước nhân dân… Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phải chăng chúng ta phải xem lại từ khâu xem xét kết nạp đảng viên, từ việc giáo dục, bồi dưỡng quần chúng trước khi xem xét kết nạp? Sâu xa hơn, có lẽ phải quan tâm đến việc giáo dục đào tạo con người, phải bắt đầu từ việc giáo dục một người phụ nữ - người mẹ - người thầy đầu tiên của con người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm