Vẫn có tình trạng bao che cho sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia

24/06/2017 - 19:12
Rất nhiều câu chuyện thực tế về tình hình thí sinh vi phạm quy chế hoặc cố tình bao che vi phạm được đưa ra tại cuộc họp báo chiều 24/6 do Bộ GD&ĐT tổ chức cho thấy, kỳ thi chưa thực sự nghiêm túc, khách quan.

Chiều 24/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi. Ngay từ đầu cuộc họp, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã khẳng định, kỳ thi cơ bản thành công khi giảm tốn kém cho xã hội, thí sinh được dự thi tại chỗ.

Điều này được chứng minh bằng con số thống kê: Toàn đợt thi có 72 thí sinh bị đình chỉ thi. Con số này ở năm 2016 là 328 em. Năm nay, cũng chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở do vi phạm quy chế.

Không khí cuộc họp báo chiều 24/6 khá nóng trước nhiều câu hỏi khó của báo chí về tính nghiêm túc thật sự của kỳ thi. Ảnh: D.H

“Đặc biệt, thách thức lớn nhất của cả kỳ thi là lần đầu tiên xây dựng mỗi thí sinh (TS) có một mã đề thi riêng. Song qua tổng kết, kỷ cương kỷ luật trường thi được tăng cường nhờ có sự tham gia của các cán bộ coi thi trường ĐH. Thi trắc nghiệm trong thời gian ngắn, mỗi TS có mã đề thi riêng nên sự vi phạm quy chế đã hạn chế đến mức tối đa” - ông Ga khẳng định.

Tuy nhiên, trái với những gì ông Bùi Văn Ga khẳng định, rất nhiều cơ quán báo chí đã dẫn chứng nhiều trường hợp cho thấy, phía trong cánh cửa phòng thi vẫn chưa trật tự như Bộ GD&ĐT khẳng định.

Cụ thể, theo phản ánh của báo Tiền Phong, trong quá trình đi cùng đoàn thanh tra, phóng viên tận mắt chứng kiến trường hợp giám thị “nương tay” với TS dù phát hiện vi phạm. Thậm chí, có TS hồn nhiên trả lời trên một chương trình trực tuyến VOV ngay sau ngày thi đầu tiên là em làm bài rất tốt, giám thị cho... chép bài thoải mái!

Một trường hợp khác, khi tác nghiệp cùng đoàn thanh tra ở điểm thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại Hòa Bình trong buổi thi môn Ngữ văn, một tình huống lạ diễn ra: Mặc dù còn 30 phút nữa mới hết thời gian làm bài, song khi thấy đoàn thanh tra xuất hiện, rất nhiều phòng thi TS chỉ ngồi yên và… nhìn, không ai viết thêm gì vào bài làm.

Phóng viên báo Tuổi trẻ cũng chia sẻ lá thư được gửi đến tòa soạn từ một giảng viên (GV) ĐH vừa tham gia coi thi. Theo GV này, quy tắc “1 kèm 1” (mỗi phòng thi có 1 cán bộ là giáo viên THPT và 1 cán bộ là GV đại học), nhưng vô tình gây áp lực không nhỏ cho GV đại học. Có nơi tiếp đón GV đại học “chu đáo” quá, cũng khiến họ cảm thấy sợ.

Trong khi đó, không ít địa phương chỉ giao vị trí giám thị 2 cho GV đại học dù nhiều thầy cô có chuyên môn cao. Cũng theo phản ánh của GV này, có trường hợp phát hiện ra TS vi phạm quy chế thi nhưng thay vì xử lý thì GV này được yêu cầu đưa TS về Hội đồng thi để xử lý nội bộ.

Sự thiếu nghiêm túc, khách quan, cũng được báo điện tử Dân Trí đưa dẫn chứng ở Quảng Ngãi, TS bị phát hiện gian lận không phải từ cán bộ coi thi tại phòng mà là từ thanh tra thi. Tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong phòng thi cũng được độc giả phản ánh khá nhiều, thay vì hoàn toàn nghiêm túc, trật tự theo báo cáo của Bộ GD&ĐT.

Điều dư luận đặt ra: Liệu kỳ thi có thực sự nghiêm túc, trật tự, đặc biệt là khi giao về cho các Sở GD&ĐT tổ chức? Dường như Bộ GD&ĐT đang đặt trách nhiệm quá cao cho cán bộ coi thi là GV đại học khi cho rằng phương án “1 kèm 1” sẽ đảm bảo công bằng.

Mọi đánh giá của Bộ GD&ĐT liệu có phải chỉ ở ngoài cánh cửa phòng thi? Còn ở sau cánh cửa, vẫn là một ẩn số lớn?

Không trực tiếp trả lời từng câu hỏi của báo chí, phía Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng: Có đủ cơ sở và độ tin cậy để khẳng định số lượng TS vi phạm năm nay ít.

Thứ nhất, các điểm thi qua phản ánh báo chí dư luận là rất trật tự, nhẹ nhàng an toàn, không có vi phạm mang tính tổ chức hay lộn xộn. Thứ hai, phải thừa nhận bài thi trắc nghiệm đã triệt tiêu động lực mang tài liệu vào phòng thi. Khi xây dựng đề thi này, các em muốn mang tài liệu vào thì phải mang… cả cuốn sách vào, đây là điều bất khả thi” - ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm