"Cò" đất tháo chạy khỏi Vân Đồn
Tại một dự án khu đô thị ở thị trấn Cái Rồng (trung tâm huyện Vân Đồn) có rất nhiều biển báo bán đất. Theo những số điện thoại có nhu cầu bán đất, phóng viên liên lạc qua số máy 0988 666xxx thì được người này giới thiệu tên Kiên. Anh ta cho biết hiện anh đang có 5 nền đất (3 ở thị trấn Cái Rồng, 2 ở xã Hạ Long) đang muốn bán để trả lãi ngân hàng nên sẽ bán giá “ưu đãi” và chấp nhận lỗ vốn.
Trong vai một người cần mua đất để mở nhà hàng, PV hỏi về giá cả của một lô đất ở thị trấn Cái Rồng, người này ra giá 32 triệu đồng/m2. Theo lời Kiên, cách đây 4 tháng lô đất này anh mua với giá 35 triệu đồng/m2 và giờ chấp nhận bán lỗ vì không đủ mạnh để “ôm đất”. Dù chấp nhận lỗ vốn nhưng người này cũng cho biết giá cả có thể sẽ thương lượng lại vì thời điểm này rất “nhạy cảm” và thủ tục chuyển đổi, giấy tờ cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), từ đầu năm 2018 đến nay, địa phương đã làm thủ tục cho hơn 1 nghìn trường hợp chuyển nhượng sử dụng đất, tập trung tại địa bàn các xã Hạ Long, Đông Xá, Đoàn Kết và Đài Xuyên.
Đáng chú ý, tại các khu vực này, giá đất giao dịch tại các sàn giao dịch cao gấp 5 - 10 lần, thậm chí có chỗ gấp cả chục lần so với giá đất năm 2017. Tại một số dự án khu đô thị Ao Tiên, dự án khu đô thị Vương Long, dự án khu đô thị Cái Rồng tại xã Hạ Long... giá đất cũng bị đẩy lên rất cao.
Theo chia sẻ của một số người có nhu cầu chính đáng về việc mua đất làm nhà, mở quán ăn, xưởng dịch vụ... thời gian này họ cũng gặp không ít khó khăn đối với việc giá đất bị đẩy lên cao khiến nhiều người phải cân nhắc.
Tuy nhiên, người dân địa phương cho rằng, cơn sốt giá đất vừa qua tại Vân Đồn vốn là cơn sốt “ảo” do giới đầu cơ bất động sản ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM về đầu cơ, gom đất. Do đó, họ chuyền tay nhau và tự thổi giá lên cao hàng chục lần. Khi “cầu vượt cung” thì không chỉ giới đầu cơ đất mà người dân thấy giá ở mặt bằng chung cao cũng sẽ tự tăng giá bán đất lên cao.
Bà Phạm Thị Tuyết Ngân (53 tuổi, chủ quán cà phê T.N ở thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn) cho hay: “Trước đây, giá đất ở vùng trung tâm này với những vị trí đẹp chỉ dao động khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng/m2 nhưng từ năm 2017 thì giá đất tăng hàng chục lần, có những mảnh đất mặt đường người ta bán trên 30 triệu đồng/m2.
Tôi từ trước đến giờ vẫn bán cà phê, giải khát cho khách du lịch, giờ khách đông lại có con về phụ giúp đang tính mở thêm dịch vụ ăn uống, giải khát và bán đồ lưu niệm, hải sản nhưng cũng đang phải đắn đo, suy nghĩ vì với giá đất như vậy giờ đầu tư cả hàng tỷ đồng mà phải đi nhặt những đồng tiền lẻ biết khi nào hồi vốn”.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện “lệnh” tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án, tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn, trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Tìm lại bình yên để phát triển
Từ khi có “lệnh” tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh Quảng Ninh, đối với một người đầu cơ đất thì chấp nhận lỗ vốn, nhiều người khác thì đang “bán đổ, bán tháo” để mong gỡ gạc lại vốn chứ không mong lời và cơn sốt đất đai tại Vân Đồn gần như đã hạ nhiệt và việc đầu cơ đất bị chặn đứng.
Thế nhưng, cũng từ sau khi có “lệnh” tạm dừng từ UBND tỉnh thì với nhiều người dân có nhu cầu chính đáng trong việc chuyển đổi đất đai, chuyển quyền sở hữu, thừa kế, mua bán hay vay ngân hàng... cũng gặp không ít khó khăn.
Bà Hoàng Thị Lan (43 tuổi) ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, chia sẻ: “Tôi được bố mẹ cho thừa kế một mảnh đất gần 400m2, giờ gia đình muốn chuyển nhượng giấy tờ sang tên của 2 vợ chồng để dễ dàng trong việc vay vốn ngân hàng nhưng thủ tục chuyển đổi vô cùng lằng nhằng và khó khăn, họ yêu cầu phải chứng minh mối quan hệ giữa người thừa kế và được thừa kế, giấy chứng từ ở địa phương, đơn... dù nộp đầy đủ giấy tờ rồi nhưng gần 2 tháng trôi qua vẫn không biết có làm thủ tục chuyển nhượng được hay không”.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Đồn, cho biết: Do cơn sốt đất vừa qua trên địa bàn và chính sách về giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập đã tác động tiêu cực đến một bộ phận nhân dân như: Tranh chấp đất đai, một số hộ dân không nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng do chênh lệch giá đất bồi thường với giá đất thực tế quá lớn, đơn thư, phản ánh nhiều...
Mặt khác, nhiều hộ dân tự ý san gạt, xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng diễn ra tương đối phức tạp tại một số xã. Một số dự án chậm triển khai khi bàn giao, lại có dự án khi thi công ảnh hưởng đến kế sinh nhai hằng ngày của người dân, đặc biệt là phụ nữ nhưng không có chính sách hỗ trợ.
Cũng theo bà Hương, nhìn chung tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vẫn ổn định. Với cơn sốt giá đất vừa qua thì tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra công văn chỉ đạo để chặn đứng cơn sốt đất. Chính sách này cũng có những ảnh hưởng nhất định tới người dân khi có nhu cầu chính đáng trong việc chuyển nhượng do gặp nhiều khó khăn về thủ tục. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì giải pháp tình thế này đã tạo ra sự ổn định trên địa bàn và phần nào làm giảm thiệt thòi cho người dân trước những đối tượng đầu cơ đất.
“Tình hình an ninh chính trị, giá cả dịch vụ, đời sống của người dân và chị em trên địa bàn nhìn chung vẫn ở mức ổn định và không có gì nổi cộm so với trước đây. Đối với vấn đề giá đất, chuyển nhượng đất trái phép, những bất cập liên quan đến vấn đề đất đai thì phía UBND tỉnh Quảng Ninh đang vào cuộc, giải quyết và nhìn chung đã có chuyển biến tích cực”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Đồn, Quảng Ninh |