pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vận động chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại hội thảo
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ung thư vú, UTCTC là 2 loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới hiện nay, trong đó ung thư cổ tử cung có tỉ lệ tử vong cao do bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Ung thư vú và UTCTC nếu dự phòng tốt, được phát hiện và điều sớm sẽ giảm được gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tử vong.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới trong Chiến lược Toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc loại bỏ bệnh UTCTC như một vấn đề về sức khoẻ cộng đồng công bố năm 2020, việc xóa bỏ UTCTC sẽ góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs): về nghèo đói đa chiều, về cuộc sống khỏe mạnh, về bình đẳng giới và về giảm bất bình đẳng.
Cam kết của Việt Nam trong thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh (1995), trong đó có việc thúc đẩy chăm sóc y tế cơ bản cho trẻ em gái và phụ nữ, tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
Chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ UTCTT do WHO công bố năm 2020 đã đưa ra chỉ tiêu 90-70-90 mà các quốc gia cần đạt được đến năm 2030 để có thể loại trừ được UTCTC. Cụ thể về chỉ tiêu 90-70-90:
+ 90% trẻ em gái được tiêm chủng vaccine HPV đầy đủ trước tuổi 15,
+ 70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao ở độ tuổi 35 và 45;
+ 90% phụ nữ được xác định có tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn được chăm sóc và điều trị.
UTCTC là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ nhưng có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ, hiện nay, UTCTC là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì có ảnh hưởng đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 phụ nữ chết vì căn bệnh này. UTCTC là bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở 23 quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở 36 quốc gia. Tỷ lệ mắc và tử vong do UTCTC cao nhất ở khu vực Cận Sahara, Nam Mỹ, Đông Á, Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, UTCTC là ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ và phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Tỷ lệ mắc chuẩn theo độ tuổi năm 2020 khoảng 6.6/100.000 phụ nữ. Số ca mắc mới là 4.132 phụ nữ và số ca tử vong là 2.223 phụ nữ. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do UTCTC vào năm 2070.
Bệnh có thể phát triển qua nhiều năm, vì vậy bệnh phần lớn được thấy ở độ tuổi 40-70, nhưng cũng có thể thấy ở tuổi 20. So với các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ khác thì UTCTC là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán sớm, khả năng khỏi bệnh cao, nếu bệnh tiến triển giai đoạn muộn điều trị khó khăn, tiên lượng xấu, bệnh có thể sàng lọc để phát hiện sớm. Tiên lượng bệnh nhân UTCTC phụ thuộc vào giai đoạn (GĐ) bệnh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở GĐ I trên 90%, GĐ II từ 60% đến 80%, GĐ III khoảng 50% và GĐ IV dưới 30%.
Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân chính gây ra bệnh UTCTC và một số bệnh khác như ung thư hậu môn, bộ phận sinh dục và ung thư hầu miệng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị nhiễm HPV đặc hiệu nên thường dẫn đến nhiễm HPV dai dẳng hoặc tái diễn và đó chính là nguy cơ tiến triển thành UTCTC. Trong khi đó, chi phí điều trị UTCTC rất tốn kém.
Việc tầm soát và điều trị tiền ung thư cổ tử cung sẽ giúp ngăn ngừa thêm 470 ca tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2030, 48.821 ca vào năm 2070 và 68.783 ca vào năm 2120.
Tỷ lệ tiêm vaccine HPV và tỷ lệ khám sàng lọc UTCTC còn thấp (chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc); chỉ có 2 trong số 10 phụ nữ Việt Nam được tầm soát UTCTC trong vòng 5 năm trở lại. Hiện nay, vắc xin HPV chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như khám sàng lọc chưa được BHYT chi trả, mặt khác chi phí khám sàng lọc và tiêm ngừa cao (dao động 850.000 đồng đến 2.500.000 đồng cho 1 mũi tiêm, tùy vào loại vaccine, các dịch vụ kèm theo hoặc cơ sở y tế và một người cần tiêm 2 hoặc 3 mũi). Do đó, đây là nguyên nhân dẫn tỷ lệ tiêm ngừa HPV thấp.
ThS. BS. Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế):
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 5.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc UTCTC và khoảng 2.600 người chết vì căn bệnh này. Vì đối tượng mắc chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bệnh UTCTC không chỉ ảnh hưởng đối với sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gìa đình, đặc biệt là trẻ em. Đồng thời làm suy giảm lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
UTCTC là bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ, bệnh có căn nguyên rõ ràng là do nhiễm virus HPV, có thể dự phòng phòng bằng vaccine và đặc biệt là có thể phát hiện sớm bằng các biện pháp sàng lọc từ đơn giản như quan sát cổ tử cung bằng a xit axetic cho đến những kỹ thuật cao như xét nghiệm tế bào âm đạo, xét nghiệm tìm vật chất di truyền của HPV trong cơ thể. Thời gian kể từ khi nhiễm HPV cho đến khi tiến triển thành ung thư cổ tử cung rất dài, có thể tới 15-20 năm, đó là cơ hội vô cùng quý giá để phụ nữ phát hiện, theo dõi và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em nhất trí với đề xuất của Hội LHPN Việt Nam về việc mở rộng quyền lợi để người tham gia BHYT có thể được hưởng các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm UTCTC nhằm đạt mục tiêu 90% trẻ em gái được tiêm vaccine sớm, 70% phụ nữ từ 45 - 65 tuổi được sàng lọc UTCTC, 90% các tổn thương của ung thư được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tiến tới loại trừ căn bệnh UTCTC tại Việt Nam.
"Thực tế đã khẳng định nhu cầu sàng lọc UTCTC cho phụ nữ là cấp thiết và mong muốn đưa dịch vụ này vào BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí cho người phụ nữ, gia đình và xã hội. Tác động kinh tế khi đề xuất đưa các nội dung sàng lọc UTCTC vào danh mục BHYT chi trả về lâu dài là không đáng kể vì tổng chi phí khám sàng lọc thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị" - bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình-Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam, bày tỏ.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế (đặc biệt là Vụ Bảo hiểm Y tế, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em và Viện Chiến lược và Chính sách Y tế...) đã rất ủng hộ và đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam trong triển khai các hoạt động vận động đề xuất chính sách (Đồng chủ trì tổ chức Hội thảo, xây dựng tài liệu...). Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam mong muốn Bộ Y tế: Tiếp tục có ý kiến để ủng hộ và bảo vệ chính sách; đồng hành cùng Hội trong những hoạt động vận động chính sách nhằm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ.
Với vai trò là cơ quan tham mưu dự thảo Luật: đề nghị làm rõ hơn ý về sàng lọc trong nội dung "Chính phủ quy định cụ thể phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế đối với dịch vụ khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm" tại mục 8, Điều 1 về Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 21 tại Dự thảo ngày 12/8/2024 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT.