pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vận dụng sáng tạo công nghệ 4.0 vào công tác Hội nơi vùng cao
Chị Bàn Thị Vui (Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bản Ca, Xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn)
Chị Bàn Thị Vui (Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bản Ca, Xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) là một trong những tấm gương tiêu biểu được TƯ Hội LHPN Việt Nam lựa chọn, tuyên dương vì có hành động đẹp hưởng ứng "90 hành động vì phụ nữ, trẻ em" năm 2020.
Những hành động đẹp của chị Bàn Thị Vui hưởng ứng "90 hành động vì phụ nữ, trẻ em" năm 2020:
- Kịp thời lên tiếng báo cáo với Hội LHPN tỉnh và cơ quan chức năng bảo vệ một trẻ em gái 14 tuổi bị có nguy cơ bị kẻ khác có hành vi xâm hại tình dục và một hội viên bị bạo lực gia đình.
- Tổ chức 5 cuộc tuyên truyền về cách phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền về Luật chăm sóc giáo dục trẻ em cho phụ nữ trong chi hội.
- Tổ chức được 02 lớp dạy xóa mù chữ cho 15 hội viên, phụ nữ trong thôn.
Bất ngờ hạnh phúc vì mình đã làm được những công việc ý nghĩa, được Hội LHPN Việt Nam vinh danh là những cảm xúc của người chi hội trưởng còn rất trẻ này khi được tuyên dương và là động lực để chị hoạt động tốt hơn công tác của Hội phụ nữ.
Chị Bàn Thị Vui sinh năm 1988, người dân tộc Dao. Chồng đi làm ăn xa, một mình chăm nuôi 2 con nhỏ. Ban ngày, chị bận bịu với công việc làm nông, cặm cụi ruộng nương, chăm sóc cây cối. Nhưng hàng tối, chị vẫn luôn sắp xếp, dành thời gian để tham gia công việc xã hội, góp phần đưa cuộc sống của phụ nữ và trẻ em thôn Bản Ca tươi đẹp, hạnh phúc hơn.
Mang "cái chữ" về với phụ nữ vùng cao
Thôn Bản Ca không phải là địa bàn khó khăn. Đường giao thông nông thôn được bê tông, trẻ con được tới trường, sức khỏe người dân được chăm sóc... Nhưng trong thôn vẫn còn có nhiều chị chưa biết đọc, biết viết. Là chi hội trưởng, chị Bàn Thị Vui luôn trăn trở, quyết tâm phải xóa mù chữ được cho chị em.
Chị cùng chị Bàn Thị Hương (chi hội phó) đi tuyên truyền, vận động hội viên chưa biết chữ thành lập lớp học. Mới đầu các chị cũng tự ti, mặc cảm, xấu hổ không muốn cho người khác biết. Nhưng không vì thế mà nản. Không có khuôn mẫu, giáo án, hai "cô giáo" tự soạn theo ý của mình để diễn giải cho các chị làm sao dễ nghe, dễ hiểu nhất và thay nhau đứng lớp.
Ban ngày đi làm tối đến cô trò cùng tập trung ở Nhà Văn hoá thôn để học. Lúc đầu khó khăn lắm, vì tay chị em quen làm việc vất vả, cầm bút rất cứng. Trong lớp có những chị đã nhiều tuổi đã cao nên việc tiếp thu càng trở nên khó khăn. Mình phải cầm tay, uốn nắn cho từng người. Chị Vui chia sẻ.
Lớp học bắt đầu từ tháng 3/2020 và được duy trì đều đặn nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội nên phải nghỉ mất một khoảng thời gian. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng chị Vui và chị Hương dạy từ bảng chữ cái, phát âm đến cầm bút viết đến tháng 8/2020, chị em tham gia lớp học đều đã biết đọc, biết viết. Sau khi hoàn thành lớp xóa mù chữ thì các chị đã biết sử dụng điện thoại thông minh để đọc báo, sử dụng facebook, nhắn tin hỏi thăm nhau…
Tận dụng internet, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút hội viên phụ nữ
Chi hội phụ nữ thôn Bản Ca có 59 chị em, trong đó có 2 hội viên người dân tộc Kinh, 3 hội viên người dân tộc Tày, còn chiếm phần lớn là người dân tộc Dao. Chị Vui chia sẻ: "Muốn thu hút hội viên, phụ nữ tích cực tham gia hoạt động hội, chỉ có cách là đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền, vận động, chắc chắn chị em thấy vui, thấy thoải mái, thấy phù hợp sẽ tham gia tích cực hơn".
Từ suy nghĩ đó, chị Vui luôn chăm chỉ tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng nội dung các buổi sinh hoạt chi hội được phong phú, hấp dẫn. Trước mỗi buổi sinh hoạt, chị thường lên mạng tham khảo để tổ chức các trò chơi như đố vui, đoán chữ cho chị em tham gia. Chị cũng thường xuyên lên mạng để tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng sống… để trao đổi với chị em. Những nội dung được đổi mới thường xuyên, liên tục nên chị em hội viên tham gia tích cực, sôi nổi.
Các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ thôn Bản Ca được chị em hội viên tham gia tích cực, sôi nổi.
Chị Bàn Thị Vui còn tận dụng internet, bằng cách lập nhóm trên mạng xã hội để sinh hoạt chi hội. Chị cho biết, thay vì đi từng nhà như trước, giờ đây, chỉ cần gửi thông báo đến nhóm về thời gian sinh hoạt chị hội, đồng thời đưa các thông tin tuyên truyền lên đó, chị em có thể cập nhật thông tin ngay lập tức. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19 vừa qua, cách sinh hoạt này rất hiệu quả.
Trong thời gian tới, chị Bàn Thị Vui bày tỏ, chị mong muốn chị em có thể tiếp cận thông tin đa dạng hơn, để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các cuộc tuyên truyền của Hội LHPN Việt Nam và của Chính phủ. Đồng thời, chị cũng tích cực tuyên truyền các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để chi hội phụ nữ luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu của thôn bản.