Văn hóa đọc đang có sự phát triển tích cực

Bảo Anh (thực hiện)
23/04/2023 - 18:14
Văn hóa đọc đang có sự phát triển tích cực

Học sinh trường Tiểu học Chương Dương đọc sách trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023

“Xét cụ thể, so sánh trong 10 năm nay, trên cương vị theo dõi ngành, tôi thấy văn hóa đọc có sự phát triển rất rõ rệt” - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên khẳng định.

Trong khi nhiều người cho rằng văn hóa đọc đang suy thoái thì ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin & Truyền thông) - nhận định văn hóa đọc đang có sự phát triển rất tích cực, dù vẫn còn khoảng cách so với kỳ vọng. 

Nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 được tổ chức trên toàn quốc (từ ngày 19 đến 25/4),  người đứng đầu ngành Xuất bản về sách điện tử, văn hóa đọc cũng như câu chuyện bản quyền hiện nay đã có cuộc trao đổi với PNVN.

Sách điện tử đồng hành với sách giấy chứ không cạnh tranh, lấn át

- Hiện nay, sách điện tử là một lựa chọn được nhiều độc giả quan tâm. Tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 đang diễn ra, các em học sinh cũng được trải nghiệm thư viện số. Ông đánh giá thế nào về vai trò của sách điện tử trong sự lan tỏa văn hóa đọc?

Có thể nói sách điện tử là một xu hướng không thể đảo ngược và phát triển khá mạnh ở Việt Nam hiện nay. Thí dụ, số lượng các đơn vị xuất bản điện tử trong một vài năm đã tăng lên 6 – 7 lần, hiện đã có 30% nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử, số đầu sách cũng chiếm khoảng trên 10%. Tuy nhiên, so với năng lực và tiềm lực, rõ ràng sách điện tử của chúng ta chưa phát triển mạnh, mới chủ yếu tập trung thị trường sách nói, các thị trường sách khác đang ở giai đoạn thử nghiệm, chưa phát triển mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Bộ Thông tin - Truyền thông cũng như các đơn vị trong ngành xuất bản là phải thúc đẩy phát triển xuất bản điện tử để xứng đáng với tiềm năng của mình. Để làm việc này có 4 yêu cầu quan trọng: Thứ nhất phải đẩy mạnh nhận thức - nhận thức từ chính những người làm công tác xuất bản cho tới việc thay đổi thói quen của bạn đọc. Thứ hai, là phải thực sự có những cơ chế, chính sách có tính chất tạo động lực. Hiện nay, ta đã có những quy chế, chính sách cho xuất bản, nhưng với xuất bản điện tử thì chưa có. Hai điều kiện còn lại là nhân lực, công nghệ cũng rất quan trọng. Nhưng tôi tin nếu 2 điều kiện trên được giải quyết, 2 điều kiện sau ngành xuất bản có thể chủ động và giải quyết được.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên (ngoài cùng bên trái) tham quan tủ trưng bày ấn phẩm Đề cương về Văn hóa Việt Nam

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên (bìa trái) tham quan tủ trưng bày ấn phẩm Đề cương về Văn hóa Việt Nam tại Thư viện Quốc gia trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023

- Theo ông, giáo viên và phụ huynh nên đồng hành như thế nào để các em học sinh tiếp cận với sách điện tử?

Trước hết, tôi phải khẳng định là sách điện tử và sách giấy sẽ tiếp tục đồng hành phát triển, không cạnh tranh để lấn át nhau. Sách điện tử là cơ hội để mở rộng thị trường của các nhà xuất bản chứ không phải để thu hẹp thị trường sách truyền thống. Bởi vậy, việc cha mẹ tùy thuộc vào độ tuổi để cho các con tiếp cận với sách điện tử là quan trọng. Tôi nghĩ rằng, những trải nghiệm tại Thư viện Quốc gia, cũng như tại thư viện, Hội sách trên các tỉnh, thành đã cho các em tiếp cận từng bước với sách điện tử, trên cơ sở gắn giữa học và đọc.

Văn hóa đọc không suy thoái

- Năm 2023 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế. Ngành xuất bản đã đưa ra những phương hướng nào để đạt được các mục tiêu đặt ra, thưa ông?

Khó khăn với ngành xuất bản không phải chỉ năm 2023, mà từ những năm trước đó đều có những khó khăn cần giải quyết. Tuy nhiên, năm 2022, ngành Xuất bản đã đạt được những thắng lợi có tính vượt bậc, đối với xuất bản phẩm, chúng ta đạt được 6 bản sách/người. Đó là điều 20 năm qua chúng ta chưa từng làm được.

Sang năm 2023, có thể nói khó khăn đang chồng chất và ngày một lớn. Doanh thu những tháng đầu năm có biểu hiện suy giảm so với thời kỳ trước đó. Đây là một thực trạng đòi hỏi ngành xuất bản phải nỗ lực để thay đổi. Tôi cho rằng, một cách rất hay để ngành xuất bản vượt khó vươn lên là những điều Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, đó là: Sách phải đa hình tướng để tiếp cận độc giả, người làm sách phải dựa trên đa nền tảng để độc giả có thể lựa chọn. Đó là lối đi của ngành không chỉ ngày hôm nay mà còn của cả tương lai.

Mô hình "Cây sách" hấp dẫn trẻ nhỏ trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tổ chức tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội)

Mô hình "Cây sách" hấp dẫn trẻ nhỏ trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tổ chức tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội)

- Dù ngành Xuất bản có những thắng lợi vượt bậc, nhưng nhiều người cho rằng văn hóa đọc ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, ông nghĩ sao?

Có rất nhiều ý kiến nhận định văn hóa đọc đang suy thoái. Tôi cho rằng ý kiến đó đúng trên phương diện so sánh tương đối. Xét cụ thể, so sánh trong 10 năm nay, trên cương vị theo dõi ngành, tôi thấy văn hóa đọc có sự phát triển rất rõ rệt. Các hoạt động sự kiện về sách thu hút đông đảo người tham dự, trong đó rất nhiều người trẻ. Văn hóa đọc không giảm sút, và đang có chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, so với kỳ vọng thì vẫn còn khoảng cách.

Để hình thành văn hóa đọc cần tạo dựng thói quen, tạo ra kỹ năng đọc, tạo ra nhu cầu đọc cho đúng. Đó là câu chuyện cần phải có nhiều nỗ lực từ những người làm công tác xuất bản, lẫn người làm công tác thư viện. Theo Luật chấn hưng văn hóa đọc của Nhật Bản, có 5  yếu tố liên quan phát triển văn hóa đọc: Văn hóa đọc là văn hóa tinh thần; Văn hóa đọc gắn với tiếng nói và chữ viết của dân tộc; Văn hóa đọc gắn với sự phát triển của xuất bản; Văn hoá đọc phải trên nền tảng thói quen; Văn hóa đọc là trách nhiệm của toàn xã hội. Đây chính là điều tôi mong muốn. Sự phát triển của văn hóa đọc không chỉ là câu chuyện của người làm sách, làm thư viện, cũng không phải của truyền thông báo chí, đó là câu chuyện của tất cả chúng ta.

Có khoảng trống pháp lý và sự thiếu hụt lực lượng để đấu tranh với sách giả, sách lậu

- Nhà sách với bạn đọc đang phải đối diện với thực trạng sách giả tràn lan, công khai trên mạng. Cục Xuất bản có biện pháp nào để khắc phục, giảm bớt tình trạng này?

Trước hết, cũng phải nói văn hóa đọc đã phát triển chứ chưa tốt như chúng ta mong đợi đâu. Sách lậu, sách giả là câu chuyện đau đầu của ngành Xuất bản không phải chỉ ngày một ngày hai. Đó là câu chuyện của 30 năm nay. Gần đây, với sự phát triển của nền tảng công nghệ, ngành Xuất bản lại càng gặp nhiều thách thức. Trên nền tảng đó người ta trưng lên, giới thiệu là sách thật, nhưng khi đưa tới người đọc lại là sách giả. Chúng ta thấy khoảng trống nhất định về mặt pháp lý và sự thiếu hụt nghiêm trọng về mặt lực lượng để đấu tranh với nạn này.

Bộ Thông tin – Truyền thông đang tích cực tổ chức, sử dụng công nghệ để đấu tranh với nạn sách giả. Chúng tôi đang lập rất nhiều kênh kết nối trực tiếp với các nền tảng để làm sao tạo điều kiện cảnh báo dấu hiệu về vi phạm bản quyền, sẽ rút các cá nhân, đơn vị bán sách vi phạm. Ngoài ra, cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị có liên quan tới thương mại điện tử có tham gia vào việc phát hành sách. Chúng tôi dự kiến năm nay sẽ kiểm tra một số đơn vị để hỗ trợ các đơn vị làm kinh doanh tốt hơn, đồng thời xử lý nghiêm tất cả các sai phạm.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm