Vay ngân hàng mua nhà, cách nào lợi nhất?

19/05/2017 - 15:30
Với không ít người, việc mua nhà là một chuyện “rất lớn” và cũng hết sức khó khăn, khi phải đối mặt với thách thức về tài chính. Vay ngân hàng là một giải pháp phổ biến nhưng nếu vay không đúng cách thì có thể gặp phải những rủi ro ngoài mong đợi.
Trong vài năm gần đây, giá căn hộ tầm trung không biến động nhiều so với mặt bằng chung của các sản phẩm bất động sản khác (như đất nền, căn hộ dịch vụ, căn hộ cao cấp…). Trong khi đó, mặt bằng lãi suất dù thỉnh thoảng có “nhích” nhẹ, hiện ở mức 9,5-10,5%/năm, cao hơn 2 năm trước khoảng 1%/năm, cũng là điều dễ được nhiều người chấp nhận.
vay2.jpg
Việc chọn mua nhà từ vốn vay cũng phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng. Không nên ham rẻ mà mua những căn hộ của các chủ đầu tư không uy tín
Ảnh minh họa
Ngoài ra còn có một số dự án hỗ trợ cho vay với lãi suất chỉ dưới 6%/năm trong thời gian đầu… Đó được coi là những yếu tố khá thuận lợi để nhiều người tính chuyện tạo lập một chỗ ở ổn định từ nguồn vốn vay của ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, những người có nhu cầu nhà ở thực sự và đã có nguồn tiền trên 30% giá trị căn nhà dự kiến mua, có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo khả năng trả góp nợ vay thì mới nên “mạnh dạn” ký vào khế ước để vay ngân hàng. Còn với những ai tính chuyện vay mua đầu tư thì cần cân nhắc kỹ, vì nếu tính thanh khoản không đảm bảo, sản phẩm bị “ngâm” trong thời gian dài chưa tiêu thụ được, thì khoản lãi ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng thực sự, thậm chí có nguy cơ thua lỗ.
vay4.jpg
Người vay mua nhà cũng cần có các phương án về nguồn trả nợ dự phòng
Ảnh minh họa
Việc chọn mua nhà từ vốn vay cũng phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng. Không nên ham rẻ mà mua những căn hộ của các chủ đầu tư không uy tín, ở những địa điểm xa xôi, hạ tầng không thuận lợi, thiếu các tiện ích cơ bản… Nên chọn mua những căn hộ có vị trí tương đối thuận lợi trong việc đi lại, có hạ tầng cơ sở phù hợp với kinh doanh và sinh sống của người dân. 
 
Về lý thuyết, các ngân hàng có thể cho vay tới 70-80% giá trị căn nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, cần phải đảm bảo một điều kiện quan trọng, đó là tổng số tiền trả lãi và gốc hàng tháng không được vượt quá 50% tổng thu nhập của gia đình và luôn thấp hơn số tiền tiết kiệm được. Điều này nhằm giúp hạn chế rủi ro về việc mất khả năng thanh toán nợ ngân hàng, có thể dẫn tới nguy cơ mất nhà.

Bên cạnh những phương án trả nợ đã được vạch ra từ trước trên cơ sở điều kiện thực tế, người vay mua nhà cũng cần có các phương án về nguồn trả nợ dự phòng (như vay mượn từ gia đình, bạn bè...), bởi cuộc sống luôn tiềm ẩn những rủi ro, tai nạn bất ngờ, không ai lường trước được, nhất là nguy cơ mất việc hay thu nhập đột ngột giảm sút mạnh.
vay-tin1.jpg
Một trong những nguyên tắc cần quán triệt nghiêm ngặt, đó là tùy vào số tiền có thể tiết kiệm hàng tháng của mỗi người là bao nhiêu mà cân nhắc về số tiền vay cũng như thời hạn vay dài hoặc ngắn. Nếu vay thời gian dài thì áp lực trả nợ thấp do số tiền trả hàng tháng ít, còn vay càng ngắn thì áp lực trả nợ càng lớn.

Tuy nhiên, người vay thời gian dài phải chấp nhận trả khoản tiền lãi rất lớn, có thể lên tới 60-70% hoặc nhiều hơn so với nợ gốc. Do đó, nếu có khả năng thì nên tính toán vay với thời gian dài nhưng cố gắng trả dứt nợ càng sớm càng tốt.

Vậy, gia đình có mức thu nhập bao nhiêu thì có thể vay mua nhà? Về lý thuyết, một số chuyên gia cho rằng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 18 triệu đồng/tháng là đã có thể vay từ những gói hỗ trợ lãi suất để mua nhà trả góp nếu có phương án trả nợ tốt. Tuy nhiên, trên thực tế thì mức thu nhập ổn định của 2 vợ chồng phải từ 30 triệu đồng/tháng trở nên mới nên vay mua nhà - với giá trị căn nhà từ 800 triệu đồng trở lên.

Một điều nữa, đó là mặc dù đã ký khế ước để vay 1 “gói” tiền đủ trả tiền mua nhà, song không nên giải ngân toàn bộ ngay từ đầu, mà hãy căn cứ vào lịch đóng tiền theo tiến độ công trình để giải ngân dần dần. Vì khách hàng chỉ phải chịu tiền lãi đối với khoản tiền đã giải ngân. Số còn lại cứ để yên trong ngân hàng, khi nào đến lịch đóng tiếp thì mới tiếp tục giải ngân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm