Vay tiền, thế chấp bằng tài sản bị ngăn chặn, có phạm tội lừa đảo hay không?

Đinh Thu Hiền
14/03/2023 - 14:44
Vay tiền, thế chấp bằng tài sản bị ngăn chặn, có phạm tội lừa đảo hay không?

Ảnh minh họa

Người quen vay tiền, thế chấp bằng sổ đất nhưng sau đó người cho vay được biết tài sản này đã bị chặn giao dịch ở phòng tài nguyên môi trường.

"Tôi cho người quen vay tiền lãi suất 2%/tháng trong 2 tháng, bạn ấy thế chấp bằng 1 sổ đất ở Long Thành thông qua hoạt động ủy quyền toàn phần ngoài công chứng. Tháng rồi bạn ấy không trả đủ tiền lãi. Tôi đi hỏi ở Phòng Tài nguyên môi trường thì được biết miếng đất này đã bị chặn giao dịch do có tranh chấp từ người ủy quyền trước đây cho bạn tôi.

Vậy tôi nhờ luật sư tư vấn: Bạn tôi có vi phạm pháp luật, phạm tội lừa đảo hay không khi biết miếng đất đã bị chặn giao dịch không sang tên được, mà cũng vẫn thế chấp sổ đất này để vay tiền của tôi? Xin cám ơn luật sư", Trần Văn Minh, TP Thủ Đức (TPHCM).

Vay tiền thế chấp bằng tài sản bị ngăn chặn, có phạm tội lừa đảo hay không? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Trần Thiên

Luật sư Nguyễn Trần Thiên, Đoàn Luật sư TPHCM, trả lời:

Theo khoản 1 điều 174 Bộ luật hình sự 2015 về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Vậy, để xác định một người có phạm tội lừa đảo hay không cần xem xét hai yếu tố là "thủ đoạn gian dối" và "chiếm đoạt tài sản".

Về thủ đoạn gian dối: Là đưa ra thông tin không đúng sự thật; làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Về chiếm đoạt tài sản: Chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình khi giá trị của tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị dưới 2.000.000 đồng nếu thỏa mãn thêm điều kiện luật định.

Do bạn không nêu rõ số tiền cho vay là bao nhiêu; nội dung các ủy quyền cụ thể thế nào nên có thể đặt ra tình huống sau:

Nếu số tiền vay từ 2.000.000 đồng trở lên; nội dung ủy quyền là định đoạt tài sản thì người vay có thể bị xem xét về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi người vay cố tình dùng thủ đoạn gian dối là thông qua hợp đồng ủy quyền tạo niềm tin về khả năng thu hồi nợ để người cho vay giao tiền; Che dấu tài sản bị ngăn chặn giao dịch do đang có tranh chấp cũng bằng hình thức ủy quyền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm