Về lại vườn xưa

Tản văn của Hà Mạnh Luân
02/12/2021 - 19:04
Về lại vườn xưa

Ảnh minh họa

Tôi gọi điện kêu bạn về nhà. Về lại một lần thôi ăn thật chậm ngủ thật sâu. Thời niên thiếu đạm bạc của chúng mình qua đã lâu nhưng tôi vẫn xáo đều trong tâm can cho chúng quay trở lại...

Bạn tôi làm giám đốc công ty tư nhân, làm ăn thịnh vượng, cất luôn một căn biệt thự to đoành ở quê. Năm lần bảy lượt hẹn, khó lắm tôi mới thu xếp được vài ngày nghỉ thông thì lại trùng lịch bạn đi công tác. Thành ra chuyến ghé thăm quê bạn, là tôi thăm hai cụ thân sinh.

Bạn ở lại nội đô, một căn biệt thự khác. Ở phố người ta san sát cao ốc cao tầng, biệt thự bạn dù có kiến trúc tây tàu đặc biệt cũng bị che khuất. Bạn bê luôn bản thiết kế về quê, mua lô đất rộng cả chục héc-ta, bảo để xây nhà cho hai cụ ở. Dịp tân gia, ngôi làng nghèo xơ xác bao đời yên ả sau lũy tre ruỳnh ruỳnh tiếng máy xe, đủ biển trắng biển xanh ra vào mù mịt bụi con đường đất. Bữa ấy, vợ con bạn về trước, bạn bận đột xuất tới tối mịt mới về.

Hai cụ thân sinh của bạn hồ hởi đón khách, như đón con cháu làm ăn xa quay bước trở về. Bác gái nhanh nhảu cầm chiếc rổ bự bảo đi hái... rau quê. Là rau trồng ở mảnh đất dựng nhà cũ. Người thế hệ trước quen lam lũ, đến thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng cho cây cũng không dám bỏ tiền mua. Họ nghèo từ trong nôi, nghèo nên thanh sạch.

Dù con cái phương trưởng đề huề, nhưng hai bác một mực từ chối những sơn hào hải vị, thảo dược, thuốc tiên. Hai bác chẳng lựa chọn chi thứ đồ được gieo trồng lên từ tay người khác. Rau xanh mập mạp. Thịt thớ đỏ au. Đồ ăn khô đồ ăn nhanh rực rỡ sắc màu.

Bác gái bảo: Về lại vườn xưa là an toàn nhất. Kẻ có tiền thời này mới là người... chóng chết. Tiền thay vận động tay chân, đi spa dưỡng tóc cả ngày đến bữa vẫn bình thân, chẳng cuống cuồng lo toan thớt dao bếp núc. Nhà hàng hết đặc sản vùng miền: phở Nam Định, bún bò Huế, Nậm pịa Sơn La, dê núi Ninh Bình... hay ra xa hơn là fast food - đồ ăn nhanh nhập ngoại.

Một đĩa mỹ miều lấy điểm nhấn là chiếc đùi gà đã được chiên đến độ bập răng vào nghe rộn rạo, giòn tan. Gà tươi nhà nuôi bỗng hóa món bình thường. Phải là gà công nghiệp bảo quản không rõ bao lâu trong đá lạnh, mới được lòng lũ trẻ teen. Chúng nó giờ phần đa chẳng còn thiết uống nước rau muống bát canh cua, cứ cocacola, sữa đậu nọ đậu kia mới được liệt vào hàng khoái khẩu...

Bác gái biết làm vườn từ thời thơ ấu. Cây rau lớn trong suy nghĩ con người. Cứ để tự nhiên thôi! Rễ siêng sục sạo tìm nguồn ăn dưới đất. Lá xanh nhờ biết đón ánh trời, kể cả khi sâu bọ nghiến phá tơi bời, vẫn còn nguyên ngọt ngon thơm thảo.

Bạn lo lắng gọi điện về giục cha mẹ kiếm đồ đặc sản. Bạn thao thao về khái niệm ăn ngon. Hai cụ thân sinh cứ thế ậm ừ. Buông máy, bác trai cười hiền: Quê mình, rau xanh, lợn sạch, cá sông là đặc sản. Tôi hân hoan ghi nhận ý đó nghìn lần. Mang máng nhớ đã hơn chục mùa xuân, bon chen giữa nắng bụi thị thành, những bữa quá giờ chỉ một khoanh bánh mì lót bụng, lâu lắm rồi mới gợi được cảm giác cơm gia đình.

Té ra chúng mình vẫn chẳng thể nào thoát nổi hai chữ "đinh ninh". Cứ tự rạch ròi, chắc mẩm, thói quen... Để rồi thời khắc nào chợt giật nẩy nhận ra: có bao vụn vặt nhỏ nhoi nhưng mỗi lần gợi ra làm tim ta như xát muối. Ta quả thực đã đi xa quá chiếc cơi trầu của nội, xa quá mái tóc nào bồ kết đưa hương, xa quá sắn khoai ấm bụng buổi tới trường, xa hơn cánh cò bay trong lời ru của mẹ...

Nhà cũ bạn đó. Tường đất, mái rơm, cánh cửa tre đan lặng lẽ. Chừng ấy những "ngày xưa" của bạn đang dần khuất giữa cỏ dại um tùm. Liệu hồn người cũng cỏ mọc xanh um? Lẽ rối ngược tìm về sao mông lung xa ngái!

Nhắm mắt thấy mình nhỏ lại. Bữa cơm đạm bạc một món mặn, một bát canh. Cái thuở thằng tôi vừa mới lên 5, long nhong đi chơi tới giờ cơm về phụng phịu cha mẹ. Không ăn cá trôi vì nhiều xương bé. Thịt ba chỉ cắn lấy thớ nạc lòng, bì lợn và mỡ hẩy bỏ ra mâm, cha lặng mình khui lên cho tòm vào miệng đồng thời môi tu rượu nhắm...

Mãi đến sau này một mình giữa thị thành bụi bặm, thằng bé lên 5 ngày ấy mới vỡ lẽ rằng: cơm ngon không nhất thiết cứ phải bởi thịnh soạn đồ ăn.

Xây biệt thự xong bạn không năng về nữa. An tâm với ý nghĩ hai cụ thân sinh sống trong nhung gấm đủ đầy, mưa không tới mặt nắng chẳng tới tay, tuổi già như thế sẽ vơi đi bệnh tật. Bác gái cười buồn: Tôi chỉ mong về ngôi nhà xưa đi trên nền đất, không đá trơn loang loáng sạch chùi, mấy bận trượt ngã trong khu bếp, nhà vệ sinh, tím tái đầu gối cháu ơi. Bác trai thở dài, đi mãi mới tới phòng tôi, lúc mới sang còn lăng quăng đi lạc. Biệt thự rộng thành ra trống hoác, gió lùa cảm giác thê lương, những đêm rằm chỉ nhìn trăng buông mà lạnh buốt thấu xương, chợt thấy vấn vương quây quần chật hẹp.

Tôi điện lên kêu bạn về. Về lại một lần thôi ăn thật chậm ngủ thật sâu. Thời niên thiếu đạm bạc của chúng mình yên nghỉ đã lâu, nhưng tôi vẫn xáo đều trong tâm can cho chúng quay trở lại.

Nhà trên vang lên tiếng bác gái. Tôi đang thơ thẩn nhìn sóng vỗ mặt sông, con thuyền đơn độc xuôi mái giữa dòng, xanh xa kia chuông chùa văng vẳng đánh.

Một câu thôi mà lòng như dội mạnh. Một câu cho nỗi nhớ ập về. Một câu gọi mùa dừng lại thắm mãi chân đê.

"Về ăn cơm thôi, cháu!"...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm