Vị nữ hoàng lừng danh của nước Áo

05/04/2017 - 09:00
Maria Theresa là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của nước Áo. Bà từng được tôn vinh là bậc quốc mẫu của nước Áo bởi những đóng góp cho đất nước trong thời kỳ trị vì.

Maria Theresa tên đầy đủ là Maria Theresa Walburga Amaliae Christina, sinh năm 1717 tại Viên, Áo. Cha bà là hoàng đế Karl VI. Maria Theresa không có bất kỳ một người anh em trai nào để có thể thừa kế ngai vàng sau khi cha bà qua đời. Không có con trai nối dõi, vì vậy, hoàng đế Karl VI đã ban bố một đạo luật công nhận Maria Theresa sẽ là người kế vị của vương triều và thừa kế toàn bộ đất đai của vương quốc sau khi ông qua đời.

Đạo luật này đã gây ra nhiều tranh cãi tại châu Âu lúc bầy giờ vì theo truyền thống, người kế vị ngai vàng thường phải là nam. Trong khi rất nhiều nước quân chủ Bắc Âu đã công nhận đạo luật thì Friedrich II Đại đế của nước Phổ đã quyết định chống lại. Năm 1740, khi Maria Theresa vừa lên ngôi sau khi cha qua đời thì Friedrich Đại đế đã phát động cuộc chiến tranh kế vị nước Áo để chống lại bà. Vào thời điểm đó, bà mới 23 tuổi.

3.jpg
 Chân dung nữ hoàng Maria Theresia.

Maria Theresia đã quyết định cưới Franz I, hoàng đế La Mã và nhường ngôi hoàng đế cho chồng. Tuy nhiên thực quyền cai quản đất nước vẫn nằm trong tay bà. Khác với những cuộc hôn nhân hoàng gia khác, Maria Theresa đã tự lựa chọn người chồng tương lai cho mình. Maria Theresia đã sinh tổng cộng 16 người con, gồm 11 con gái và 5 con trai.

Maria Theresa đã tiến hành những cải cách chưa từng có để đưa nước Áo đến phồn vinh. Bà đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe của trẻ em. Vị nữ hoàng anh minh này đã thu dụng Gerard van Swieten, một thầy thuốc lừng danh người Đức để nghiên cứu cách làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Dưới sự bảo trợ của nữ hoàng, vị thầy thuốc của hoàng gia này đã xây dựng bệnh viện Vienna, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Năm 1767, vị nữ hoàng này còn phê chuẩn đạo luật chích ngừa cho trẻ em. Bà đã chuẩn y luật giảo nghiệm tử thi nhằm phục vụ cho nghiên cứu y học, một vấn đề còn nhiều tranh cãi trong xã hội thời đó.

Bên cạnh đó, Maria Theresa còn thiết lập chế độ giáo dục bắt buộc cho tất cả trẻ em từ 6-12 tuổi đến tận các làng xã xa xôi của nước Áo. Bà cũng cho phép những người không phải Công giáo được vào Đại học và đưa luật học vào giảng dạy, thay cho sự thống trị của thần học.

Maria Theresa cũng là người phân định sự lẫn lộn giữa thần quyền của Giáo hội Công giáo và thế quyền trong điều hành đất nước, đặt vai trò chủ đạo là chính quyền quân chủ và tách biệt các vấn đề tôn giáo ra khỏi chính trị, một cách tương đối trong bối cảnh thời đó.

1.jpg
 Trong thời gian nắm quyền, nữ hoàng đã tiến hành nhiều cải cách mới mẻ đưa kinh tế, văn hóa của nước áo thời kỳ này phát triển mạnh mẽ.

Là tác giả của Codex Theresianus, bộ luật về quyền dân sự đầu tiên của nước Áo, bà bỏ luật hỏa thiêu và tra tấn, thay án tử hình bằng chung thân khổ sai.

Bên cạnh đó, Maria Theresia còn tổ chức lại quân đội, cải thiện sức mạnh quân sự của nước Áo lên 200%. Bà sở hữu vốn kiến thức sâu rộng về quân sự và chiến lược, thậm chí còn là một vị lãnh tụ quân sự sáng tạo hơn cả vị vua vĩ đại Friedrich II Đại đế nước Phổ. Đây cũng là người làm cách mạng trong ngoại giao khi năm 1756, liên minh với kẻ thù cũ là Pháp, để chống lại Phổ - Anh.

Kinh tế, văn hóa của Đế quốc Áo phát triển mạnh dưới sự cai trị của nữ hoàng Maria Theresia. Bà được công nhận là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của vương triều Habsburg trong thế kỉ 18.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm