Vì sao 3 năm vẫn không ban hành được tiêu chuẩn sữa học đường?

09/08/2019 - 17:51
Quyết định 1340/QĐ-Tg của Thủ tướng về Phê duyệt Chương trình Sữa học đường giao trách nhiệm cho Bộ Y tế Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường. Thế nhưng đến nay đã 3 năm kể từ khi có Quyết định của Thủ tướng, tiêu chuẩn sữa học đường vẫn chưa được ban hành.

8 năm sau ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030. 3 năm sau ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg, quy định Bộ Y tế có trách nhiệm“Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Nhưng đến nay vẫn chưa ban hành nổi tiêu chuẩn sữa học đường.

Thực hiện Quyết định 1340, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT, giao “Viện Dinh Dưỡng chủ trì,  phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học, để đáp ứng được Mục tiêu và Chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 năm 2017”.

chi-huong-1.jpg
Vẫn chưa có một tiêu chuẩn sữa học đường nào chính thức được ban hành

 

Ngày 06/7/2017, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã có Công văn 351/VDD-DHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm, đề nghị tăng cường ít nhất 05 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào Sữa học đường. Đến tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm đăng tải công khai trên website của Cục về Dự thảo của Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở đó.

Đến ngày 26/11/2018, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định 7091/QĐ-BYT về Kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện Quyết định 1340/QĐ-TTg, trong đó giao Cục An toàn Thực phẩm Chủ trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng và ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường; Viện Dinh Dưỡng Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi và hàm lượng vi chất bổ sung trong sản phẩm của Chương trình nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường”.

6 tháng sau, ngày 13/5/2019, Bộ Y tế mới ban hành Quyết định 1783/QĐ-BYT 2019 quy định về logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình sữa học đường. Tới ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường mới chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư  Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Tiếp đó, Bộ ban hành Dự thảo Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Ngày 10/7/2019, Bộ Y tế gửi Công văn hỏa tốc gửi Dự thảo và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7/2019. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin Dự thảo trên được ký ban hành.

Triển khai không có định hướng

Nhiều tỉnh thành đang chuẩn bị đấu thầu sữa học đường cho năm học mới nhưng không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa như thế nào. Các doanh nghiệp, trường học muốn tham gia cũng mò mẫm tham khảo hàng loạt văn bản, công văn mà vẫn bó tay, không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa căn cứ theo quy định nào.

TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, Chương trình sữa học đường là một chủ trương đúng để góp phần nâng cao thể chất cho trẻ em. Việc thực hiện đấu thầu là hình thức cạnh tranh để tìm ra nhà cung cấp sản phẩm sữa hiệu quả nhất cho các trường học. Do đó, nếu không đưa ra tiêu chí cụ thể thì làm sao có sự cạnh tranh để tổ chức đấu thầu?

"Đây không phải là một chương trình quá bí mật hay là xây dựng một đề án quá khó mà kéo dài hơn 3 năm. Càng chậm trễ càng gây tốn kém cho cả doanh nghiệp và xã hội, gây mất niềm tin của người dân. Trong bối cảnh chính phủ đang tạo thuận lợi kinh doanh thì thủ tục, thời gian cho một vấn đề quan trọng của đất nước thế này là quá chậm chạp, gây phiền hà. Cần quy trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan khi đã được phân công cụ thể", TS Ngô Trí Long nói.

Điểm lại hành trình hơn 3 năm để xây dựng và ban hành những quy định cho một sản phẩm thực phẩm phù hợp với một đối tượng cụ thể của Bộ Y tế quả là quá dài, không đồng bộ. Nếu cứ theo quy trình này thì khi nào mới có câu trả lời cho câu hỏi “Bao giờ có hướng dẫn tiêu chuẩn sữa học đường?”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm